Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSố phận của Hong Kong sau khi bị Mỹ "rũ bỏ"

Số phận của Hong Kong sau khi bị Mỹ “rũ bỏ”

Tuyên bố tước quy chế đặc biệt với Hong Kong của ông Trump sẽ mở đường để Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đe dọa tới vị thế tài chính của thành phố này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 29/5, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông đang bắt đầu quá trình tước quy chế đối xử đặc biệt của Mỹ với Hong Kong để đáp trả việc Trung Quốc thông qua luật an ninh mới với đặc khu này.

“Chúng tôi sẽ có hành động thu hồi các đối xử ưu đãi đối với Hong Kong như một lãnh thổ hải quan và du lịch riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc”, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh. 

Ông nói thêm rằng Washington sẽ áp dụng thêm biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân chịu trách nhiệm về việc làm suy yếu tự do của Hong Kong dù không nêu tên bất cứ mục tiêu trừng phạt tiềm năng nào. 

Theo ông Trump, thông báo của ông sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ thỏa thuận mà Mỹ có với Hong Kong, từ hiệp ước dẫn độ cho tới kiểm soát xuất khẩu với các công nghệ lưỡng dụng và hơn thế nữa, sẽ chỉ có một vài ngoại lệ. 

Ông Trump không đưa ra khung thời gian cụ thể cho các động thái sắp tới với Hong Kong. Theo Reuters, mục đích của việc này là để “câu giờ” trước khi quyết định có thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất hay không. Đây là kịch bản vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các công ty Mỹ đang hoạt động tại Hong Kong. 

Mỹ làm gì sau khi tước đặc quyền của Hong Kong?

Theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hong Kong năm 1992, Hong Kong được đối xử như một “vùng lãnh thổ tách biệt” với Trung Quốc đại lục “về các vấn đề kinh tế và thương mại”. Do được công nhận là lãnh thổ hải quan độc lập nên hàng hóa của đặc khu này không bị đánh thuế, kể cả mức thuế trừng phạt Mỹ áp đặt với hàng hóa Trung Quốc. 

Trong cuộc họp báo hôm 27/5, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ David Stilwell cho biết hành động tới đây của Mỹ có thể sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt liên quan tới thị thực và kinh tế. 

“Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo giảm tác động người dân Hong Kong ở tối thiểu”, ông này cho biết thêm rằng mức độ của các biện pháp trừng phạt phụ thuộc vào nội dung mà luật an ninh Trung Quốc áp đặt với Hong Kong. 

“Chính quyền Bắc Kinh sẽ tự quyết định điều đó, không phải Washington”, ông Stilwell nhấn mạnh.

Các nhà phân tích Trung Quốc và luật sư thương mại quốc tế cho biết ngoài các biện pháp mà ông Trump nhắc đến, khả năng tiếp theo là Washington sẽ áp thuế suất của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Hong Kong. 

Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng có thể thông qua dự luật mới đang được xem xét, cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và các ngân hàng giao dịch với họ. 

Tại lưỡng viện Mỹ, nhiều chính trị gia theo đuổi quan điểm cứng rắn với Trung Quốc cho rằng việc thu hồi hoàn toàn vị thế đặc biệt của Hong Kong trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới với đặc khu này là cần thiết. Thượng nghị sĩ Marco Rubio gọi quyết định này là một “lựa chọn hạt nhân”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Josh Hawley cho rằng đánh giá Hong Kong không còn quyền tự trị do quy định an ninh mới Bắc Kinh sẽ kích hoạt việc sửa đổi luật thương mại mà Mỹ đang áp dụng. 

“Chúng ta không nên dừng lại ở đó”, ông này nói thêm. 

Với các biện pháp trừng phạt với quan chức hoặc thực thể Trung Quốc, các chuyên gia tin rằng động thái này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng giao dịch của các công ty Trung Quốc tại Hong Kong, từ đó ảnh hưởng tới khả năng kinh doanh quốc tế của Trung Quốc bằng đồng USD. 

Tổn thất Hong Kong phải gánh chịu

Giới phân tích cho rằng động thái quyết liệt mà ông Trump đưa ra sẽ gây tổn hại không tương xứng cho Hong Kong. 

“Mất đi vị thế đặc biệt sẽ làm tổn thương Hong Kong nhiều hơn so với Bắc Kinh, đặt thêm gánh nặng cho nền kinh tế đang gặp khó khăn trong khi gây ra ít thiệt hại lâu dài đối với kế hoạch của Bắc Kinh”, các nhà phân tích của Eurasia Group phân tích. 

Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao trong chính quyền Barack Obama nhận định việc Mỹ tước quy chế đặc biệt với Hong Kong sẽ gây tổn thất cho thành phố này thay vì cứu lấy nó. 

Cùng quan điểm trên, Susan Shirk, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ khác tin rằng người chịu thiệt nhất là dân Hong Kong chứ không các chính trị gia ở Trung Quốc hay Mỹ. 

Theo một số chuyên gia khác, các doanh nghiệp sẽ thay đổi nhận thức của họ về Hong Kong như một cửa ngõ vào Trung Quốc được luật pháp bảo vệ. 

“Nếu tình trạng đặc biệt của Hong Kong bị xóa bỏ, các công ty nước ngoài sẽ nói rằng “tôi sẽ trực tiếp vào Trung Quốc thay vì thông qua Hong Kong” hoặc họ sẽ rút luôn khỏi Trung Quốc. Đây không phải là tin tốt với vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hong Kong”, chuyên gia kinh tế Benjamin Quinlan phân tích. 

Trong tuyên bố đưa ra hôm 28/5, Chính quyền Hong Kong cảnh báo việc Washington tước quy chế đặc biệt của đặc khu này sẽ là con dao 2 lưỡi, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế của Mỹ.

Tuyên bố này nhấn mạnh, từ năm 2009-2018, Hong Kong là đối tác đem lại thặng dư thương mại song phương lớn nhất của Mỹ với tổng số hàng hóa trị giá 297 tỷ USD. Hiện tại có khoảng 1.300 công ty Mỹ đang đặt trụ sở tại thành phố này, từ 3M đến Goldman Sachs hay công ty bảo hiểm AIG. Ước tính có khoảng 85.000 công dân Mỹ sống ở Hong Kong.

Trong báo cáo chính sách Hong Kong năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ, gần như các công ty tài chính lớn của Mỹ đều có trụ sở tại Hong Kong, quản lý hàng trăm tỷ USD ngay tại thị trường này. 

Ông Fred Rocafort, nhà cựu ngoại giao Mỹ nhận định bất cứ thay đổi chính sách nào làm mờ đi ranh giới giữa nền kinh tế của Hong Kong và đại lục có thể sẽ tác động xấu tới Hong Kong, nhất là làm mất đi niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường này. 

“Điều này làm mất đi đáng kể niềm tin vào Hong Kong và đẩy nhanh nỗ lực tìm kiếm các lựa chọn thay thế, dù là ở Singapore hay ở nơi khác”, ông này cho hay. 

Các nhà phân tích của Eurasia Group cho rằng động thái đáp trả của Mỹ sẽ là khởi đầu cho một quá trình xác định lại cách Mỹ đối xử với Hong Kong – vấn đề sẽ liên quan tới hợp tác pháp lý, xử lý thuế…

“Những điều này không diễn ra nhanh chóng nhưng sẽ gây ra hiệu ứng gợn sóng đối với vai trò là trung tâm tài chính và kinh doanh của Hong Kong”, nhóm phân tích cho hay. 

Luật sư tại một công ty luật toàn cầu nói với tờ Time rằng cô nhận được phản hồi lo lắng của một số khách hàng vài ngày qua. Họ không giấu diếm ý định chuyển các hợp đồng thương mại khỏi Hong Kong. 

“Đối với các doanh nghiệp và tổ chức tài chính Mỹ hoạt động tại Hong Kong, điều này sẽ báo trước một thời kỳ bất ổn lớn vì họ không còn tin tưởng vào luật pháp Hong Kong”, ông Eswar Prasad, chuyên gia về thương mại tại Trường ĐH Cornell (Mỹ) phân tích. 

Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington) tin rằng các công ty có hoạt động tại Hong Kong sẽ rời đi nếu tình hình tiếp tục xấu đi. 

Một giám đốc điều hành quỹ phòng Hong Kong tiết lộ với Time rằng công ty của anh từ năm ngoái đã bắt đầu xem xét việc tìm kiếm các địa điểm mở văn phòng mới ở châu Á. Với các tuyên bố mới đây, vấn đề này sẽ được cân nhắc gấp rút hơn. 

RELATED ARTICLES

Tin mới