Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTiếp nối TQ, Lào xây thủy điện mới trên sông Mekong

Tiếp nối TQ, Lào xây thủy điện mới trên sông Mekong

Lào đang chuẩn bị tham vấn các nước trước khi tiến hành xây dựng thủy điện thứ 6 trên sông Mekong. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng nước trên sông Mekong đối với các nước dưới hạ lưu, đe dọa nghiệm trọng an ninh nguồn nước và an ninh lương thực của Campuchia và Việt Nam.

Lào quyết xây thủy điện

Ủy hội sông Mekong (11/5/2020) cho biết, Lào sẽ tiến hành Tham vấn trước dự án thủy điện Sanakham. Đây là thủy điện thứ sáu của Lào trên dòng chính sông Mekong. Sau khi quá trình Tham vấn trước kết thúc, thường là khoảng 6 tháng, Lào dự kiến sẽ khởi công xây dựng Sanakham trong năm 2020 và hoàn thành lẫn bắt đầu bán điện vào năm 2028. Trước đó, Lào cũng tiến hành tham vấn Ủy hội sông Mekong về xây dựng đập thứ 5 Luang Prabang.

Theo nhận định của giới truyền thông, bất chấp sự phản đối và quan ngại của các nước, Lào sẽ tiến hành xây dựng dự án thủy điện Sanakham. Vì một khi nước chủ nhà tiến hành Tham vấn trước một thủy điện, tức thủy điện đó sẽ được xây dựng, dù chúng bị phản đối. Tham vấn trước (gồm thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận) là thủ tục bắt buộc với các nước thành viên Ủy hội sông Mekong, theo Hiệp định Mekong 1995 đối với các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong. Tuy nhiên, quá trình Tham vấn trước lại không thông qua hoặc thông qua dự án đề xuất; không có ràng buộc pháp lý. Điều này có nghĩa, trong Tham vấn trước, dù Ủy hội sông Mekong hay các nước thành viên có ý kiến, đánh giá dự án như thế nào, thì quyết định xây dựng hay không vẫn thuộc về nước chủ nhà.

Tác động lớn đến nguồn nước hạ lưu

Nghiên cứu của chính Ủy hội sông Mekong (công bố năm 2018) cũng đã đưa ra hàng loạt cảnh báo: dòng Mekong sẽ chết nếu xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Với riêng Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ chỉ còn 3% lượng cát sỏi chảy về được tới đồng bằng vào năm 2040, nếu 11 thủy điện hạ nguồn sẽ được xây và vận hành trên dòng chính Mekong, cộng thêm 11 đập thủy điện Trung Quốc đang hoạt động trên thượng nguồn. Điều đó có nghĩa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ từ từ bị “tan rã”. Chưa kể ước tính, các con đập sẽ khiến sinh khối cá bị giảm từ 30 – 55% đến năm 2040 với 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan,…

Bên cạnh đó, Công ty Mỹ Eyes On Earth (từ nguồn tài chính Chương trình Sáng kiến hạ lưu Mekong của Bộ Ngoại giao Mỹ) mới đây công bố kết quả nghiên cứu từ dữ liệu suốt 28 năm khẳng định tình trạng khô hạn trên sông Mekong phần lớn là do đập của Trung Quốc gây ra, khiến các nước ở hạ nguồn đang phải chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy. Phân tích cho thấy, 11 con đập thượng nguồn của Trung Quốc đang tích trữ nhiều nước hơn bao giờ hết so với giai đoạn 20 năm trước và cũng bắt đầu chặn nhiều nước hơn so với lượng xả ra. Chính sách quản lý đập của Trung Quốc đang gây ra những thay đổi thất thường và tác động tiêu cực đến mực nước ở hạ lưu, tàn phá các cộng đồng ở hạ lưu, gây thiệt hại hàng triệu đô, gây sốc cho quy trình tự nhiên của hệ sinh thái sông. Nghiên cứu này lưu ý chưa tính tới những tác động khác do các công trình phía hạ lưu như hai đập thủy điện đã hoạt động của Lào, hệ thống thủy lợi dẫn nước Mekong vào nội đồng của Thái Lan… Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Stimson Center có trụ sở tại Washington khẳng định, chính sách quản lý đập của Trung Quốc đang gây ra những thay đổi thất thường và tác động tiêu cực đến mực nước; cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát nguồn nước trên sông Mekong để thiết lập luật chơi với các khu vực chịu hạn hán và có thêm quân bài trong cuộc chơi hợp tác kinh tế với hạ nguồn thông qua Cơ chế hợp tác Lancang – Mekong.

Bên cạnh việc kiểm soát nguồn nước, Trung Quốc được cho là đang tìm cách phát triển kinh tế ven sông Mekong. Viện nghiên cứu Fitch Solutions mới đây cho biết Trung Quốc có kế hoạch lớn để điều chỉnh chính sách với sông Mekong, đó là mở một lối đi cho hàng hóa khổng lồ. Theo đó, lối đường thuỷ đó từ tỉnh Vân Nam qua các nước sông Mekong và vào Biển Đông – có thể phục vụ cho tàu bè chở hàng hoá lớn và thậm chí là tàu quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có kế hoạch dài hạn để thiết lập các khu kinh tế trên cả hai bờ sông Mekong gồm các khu dân cư, cảng và đường sắt và đường bộ. Ưu điểm là điều này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia Mekong và biến Tam giác vàng – nơi gặp gỡ giữa Lào, Myanmar và Thái Lan – thành đầu mối thương mại rất hiệu quả.

Phản ứng của các nước

Việt Nam là một trong những quốc gia hạ nguồn sông Mekong tham gia tích cực nhất trong việc lên tiếng bảo vệ dòng Mekong bằng cả tuyên bố lẫn hành động. Với bốn con đập trước đó của Lào, trong quá trình Tham vấn trước, ý kiến của Việt Nam với tư cách là một nước thành viên Ủy hội Mekong vẫn luôn là lo ngại những tác động xấu và không đồng tình xây dựng. Việt Nam cũng là quốc gia khuyến khích ủng hộ các nước, đặc biệt là Lào, phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo trên dòng Mekong (thay vì ồ ạt xây dựng các đập thủy điện) nhằm góp phần “bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Mekong, ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến sinh kế người dân”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (5/3/2020) từng cho biết, “là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy không chỉ của riêng công trình thủy điện Luang Prabang mà tất cả công trình thủy điện khác trên dòng chảy chính của sông Mekong… Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đời sống kinh tế – xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.”

Campuchia dừng các hoạt động xây thủy điện trên sông Mekong. Theo đó, Chính phủ Campuchia (18/3/2020) tuyên bố ngưng xây dựng đập thủy điện mới trên dòng chính Mekong trong vòng 10 năm tới, bởi lo ngại những tác động tiêu cực đem lại. Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ Campuchia, Victor Jona, mới đây cho biết Campuchia sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong 10 năm tới và tạo năng lượng từ than, khí đốt tự nhiên cùng năng lượng mặt trời. Campuchia trước đó công bố kế hoạch xây hai đập tại Sambor và Stung Treng, nhưng cả hai dự án đều đang bị hoãn. Quyết định của Campuchia đồng nghĩa với việc Lào sẽ trở thành quốc gia duy nhất tại lưu vực hạ lưu sông Mekong lên kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại về báo cáo của Eyes on Earth. Trước đó, ông đã hoài nghi trước việc các nước hạ lưu sông Mekong đổ lỗi hạn hán là do Trung Quốc cắt nước ở thượng nguồn.

Trái ngược với các nước, Trung Quốc tìm cách bác bỏ chỉ trích về việc gây ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước ở hạ lưu sông Mekong. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, lượng mưa giảm, gió mùa bất thường, kết hợp với hiện tượng El Nino cực đoan là nguyên nhân chính gây ra hạn hán. Bắc Kinh chỉ ra những phát hiện khoa học từ Ủy ban sông Mekong cho thấy có hạn hán lan rộng trên hầu hết các khu vực xung quanh toàn bộ dòng sông. Tuyên bố cũng nhắc tới lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cam kết vào tháng 2 rằng sẽ hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong để đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước.

Trước đó, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã gọi báo cáo của Eyes On Earth là không có căn cứ và nói rằng nó phản ánh trái ngược với sự thật. Ông Cảnh Sảng nói: “Dòng chảy từ Lancang (tên sông Mekong trên phần đất Trung Quốc) có tác động rất hạn chế đến khối lượng chung của sông Mekong vì dòng chảy ở vùng hạ lưu chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa và đóng góp từ các nhánh sông. Do vậy, không có lý do nào để biện minh cho tuyên bố rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm về hạn hán ở các nước hạ lưu”.

Được biết, sông Mekong dài 4.350 km (2.700 dặm) chảy qua sáu quốc gia. Bắt đầu từ Trung Quốc – nơi được gọi là sông Lancang (Lan Thương) – nó chảy qua các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar, trước khi đổ ra Biển Đông với cửa sông thuộc Việt Nam. Con sông này là huyết mạch của các quốc gia Đông Nam Á và là nguồn mưu sinh của gần 200 triệu người ở đó, những người phụ thuộc phần lớn vào trồng trọt và đánh cá. Trung Quốc đã xây dựng con đập đầu tiên trên thượng nguồn sông Mekong vào những năm 1990 và hiện đang hoạt động 11 con đập dọc theo sông. Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng nhiều đập, được sử dụng để cho thủy điện.

RELATED ARTICLES

Tin mới