Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTriều Tiên tăng cường khả năng răn đe hạt nhân: Bán đảo...

Triều Tiên tăng cường khả năng răn đe hạt nhân: Bán đảo Triều Tiên sẽ căng thẳng trở lại

Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận về việc tổ chức vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1992, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi quân đội tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chiến lược và luôn ở trong trạng thái cảnh báo cao độ.

Hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì 1 cuộc họp quan trọng của Quân ủy Trung ương với nội dung thảo luận về các “chính sách mới”, nhằm tăng cường khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân của Triều Tiên. Nội dung cuộc họp được dư luận  quốc tế chú ý trong bối cảnh  tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều vẫn bế tắc suốt hơn 1 năm qua.

KCNA cho biết, cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương Triều Tiên là bước đi có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra các biện pháp chính trị và tổ chức để tăng cường các lực lượng vũ trang nước này. Cuộc họp thảo luận những chính sách mới, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân và đặt lực lượng vũ trang chiến lược ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu chung cho việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của đất nước. Trong đó, có việc đề ra biện pháp tăng cường khả năng tấn công hỏa lực của Quân đội nhân dân Triều Tiên.

Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “hiện thực hóa sự lãnh đạo toàn diện của Đảng” đối với quân đội, đồng thời chỉ ra “các vấn đề cần tập trung nhằm duy trì hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang ở Triều Tiên cũng như các nhiệm vụ và cách thức thực hiện”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã ký ban hành các biện pháp quân sự liên quan được thông qua sau cuộc họp, bao gồm các biện pháp tăng cường trách nhiệm và vai trò của các cơ sở giáo dục quân sự, tổ chức lại hệ thống chỉ huy quân sự và thúc đẩy hàng ngũ quân đội chỉ huy.

Việc Nhà lãnh đạo Triều Tiên yêu cầu quân đội tăng cường năng lực hạt nhân diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang thảo luận về việc nối lại thử nghiệm hạt nhân. Đây được coi là động thái mới nhất từ phía Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên. Theo Giám đốc điều hành của Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở ở Mỹ, Daryl Kimball quyết định như vậy của Mỹ có thể là 1 bước đi khác, phá vỡ các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un – người đã không còn cảm thấy bị ép buộc trong việc dừng các vụ thử hạt nhân

Triều Tiên đã tích cực thử nghiệm tên lửa trong những năm gần đây, bất chấp phản đối từ Mỹ và các quốc gia khác. Trong khi đó, cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ vào mùa thu năm ngoái. Kim cảnh báo Mỹ rằng phải đến cuối năm 2019 mới bắt đầu đàm phán. Khi thời hạn đó đến mà không có bất kỳ chuyển động nào từ Washington, ông Kim tuyên bố trong một thông điệp năm mới rằng đất nước của ông sẽ tăng cường răn đe hạt nhân, và không còn hạn chế thử nghiệm vũ khí lớn. Theo đó, ông Kim Jong-un cho rằng “thế giới sẽ chứng kiến một loại vũ khí mới mà nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên sẽ trang bị trong tương lai gần”, nhấn mạnh “Triều Tiên sẽ tiếp tục nghiên cứu vũ khí hạt nhân cho đến khi nào Mỹ chấm dứt chính sách thù địch với chế độ Bình Nhưỡng”; đồng thời đe dọa đi theo “một con đường mới” nếu Washington không đưa ra những đề nghị nhượng bộ nào trước ngày cuối năm 2019. Bình Nhưỡng trước đó cũng đã từ chối đơn phương giải trừ vũ khí và họ chỉ xem xét làm điều này khi Mỹ bảo đảm việc rút quân khỏi Hàn Quốc và rút “chiếc ô hạt nhân” ra khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon, kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có từ 20 đến 60 quả bom. Đánh giá của Hàn Quốc về kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên không có sự khác biệt lớn đối với những ước tính bên ngoài mà chủ yếu dựa trên lượng nhiên liệu hạt nhân do Triều Tiên sản xuất. Theo báo cáo của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên được cho là sản xuất 50 kg plutonium cấp độ vũ khí, đủ để chế tạo ít nhất 8 quả bom hạt nhân. Một số học giả thuộc Đại học Stanford (Mỹ) trước đó ước tính Triều Tiên sở hữu 250-500 kg uranium làm giàu cấp độ cao, đủ để chế tạo 25-30 thiết bị hạt nhân.

Giới chuyên gia cho rằng Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ nhất quyết không chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân vì đây là điều kiện cần thiết cho sự sống còn của chế độ Triều Tiên hiện nay. Nhưng có một thực tế là Triều Tiên đã sở hữu sẵn một kho vũ khí thông thường đủ sức răn đe âm mưu thay đổi chế độ từ bên ngoài. Trong bối cảnh ấy, nếu ông Kim thay đổi chiến lược của mình để tập trung vào các giải pháp quân sự khác nhằm răn đe một cuộc tấn công từ bên ngoài, ông có thể đàm phán từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy những lợi ích kinh tế vô cùng to lớn.

Theo giới quan sát, lý do Triều Tiên không thể vứt bỏ vũ khí hạt nhân là đảng cầm quyền tại nước này cần phô diễn năng lực hạt nhân như một sức mạnh răn đe để bảo đảm không phải đối mặt với một cuộc tấn công từ Hàn Quốc hoặc Mỹ nhằm thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Đây được gọi là răn đe bằng trừng phạt. Triều Tiên có thể không ngăn chặn trực tiếp được một cuộc tấn công từ Mỹ hoặc Hàn Quốc, nhưng họ có thể ngăn theo cách gián tiếp bằng cách đe dọa tấn công trả đũa hạt nhân vào Hàn Quốc hoặc chính Mỹ mà hậu quả của điều này thì vô cùng nặng nề khiến cả Hàn Quốc và Mỹ đều không thể chấp nhận được. Như vậy điều cốt yếu để Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là sự bảo đảm về an ninh cho họ, chủ yếu đến từ Mỹ. Sự bảo đảm đó có thể dưới hình thức một hòa ước chính thức chấm dứt chiến tranh và việc bình thường hóa quan hệ. Nhưng điều này đòi hỏi sự tin tưởng cao từ cả hai phía. Mà Triều Tiên chẳng có lý do nào để tin rằng bất cứ thỏa thuận nào đều sẽ lại không bị một chính quyền Mỹ mới lên vứt bỏ hoặc đơn giản là tự nó không tan vỡ khi tình hình căng thẳng trở lại. Hiện nay đang có xu hướng Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi các thỏa thuận quốc tế và song phương mà các chính quyền tiền nhiệm đã ký kết, nên có thể hiểu được sự hoài nghi từ phía Triều Tiên.

Tuy nhiên vẫn có giải pháp cho Triều Tiên đảm bảo an ninh sinh tồn của minh dù không có vũ khí hạt nhân. Đã từ lâu nước này sở hữu một sức mạnh răn đe đáng gờm thông qua hệ thống pháo và tên lửa tầm ngắn chĩa vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc và năng lực này vẫn tiếp tục gia tăng. Người ta ước tính thương vong tại Seoul sẽ rất lớn một khi Bình Nhưỡng quyết tâm khai hỏa số vũ khí này.

Triều Tiên có khả năng trong thời gian ngắn phóng hàng trăm tấn thuốc nổ ra cả vùng Seoul rộng lớn hơn, nơi có dân cư đông đúc tới hơn 25 triệu người. Hiện không có phương cách nào có thể chặn được một cuộc tấn công ồ ạt như thế. Dù có trú ẩn hay sơ tán thế nào thì ở một nơi mật độ dân đông như vậy cũng khó có thể tránh được thương vong diện rộng. Sức mạnh răn đe của Triều Tiên còn được bổ sung thêm bằng năng lực ngày càng cải thiện trong chiến tranh mạng, hoạt động xâm nhập của đặc nhiệm, và những tên lửa tầm xa có thể vươn tới Nhật Bản hoặc các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Có lập luận cho rằng sức mạnh răn đe phi hạt nhân của Triều Tiên chỉ đủ để răn đe Hàn Quốc chứ không phải là Mỹ. Nhưng cũng sẽ là ngây thơ nếu đặt ra giả thiết rằng Mỹ sẽ liều lĩnh hy sinh Seoul để theo đuổi mục đích tấn công một Triều Tiên phi hạt nhân không tạo ra mối đe dọa sinh tồn đối với Mỹ. Vì nếu chiến tranh xảy ra, không bên nào dính đến cuộc chiến sẽ bình an vô sự. Một cuộc chiến như thế ở Đông Bắc Á sẽ không chỉ gây ra sự phá hủy vật chất, tổn thất sinh mạng trong toàn khu vực mà còn gây thiệt hại lớn cho một trong những khu vực quan trọng nhất về kinh tế trên thế giới. Nói tóm lại, Triều Tiên có đủ phương tiện răn đe phi hạt nhân để đảm bảo cả Mỹ và Hàn Quốc sẽ không chủ động tấn công họ trước. Nhưng nếu Triều Tiên chủ động tấn công trước thì không có gì chắc chắn đảm bảo họ an toàn.

RELATED ARTICLES

Tin mới