Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngVai trò của Mỹ trong việc ngăn chặn âm mưu của TQ...

Vai trò của Mỹ trong việc ngăn chặn âm mưu của TQ ở biển Đông

Trong một bài bình luận đăng trên tờ National Interest gần đây, học giả Michael Rubin tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) kêu gọi Mỹ phải đánh bại Trung Quốc đang âm mưu bành trướng ở Biển Đông.

Mỹ cần đánh bại âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông

Theo ông Rubin, di sản lớn nhất của ông Mike Pompeo với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, có thể là việc ông là nhà ngoại giao đầu tiên, “dũng cảm đương đầu một cách có hệ thống với tuyên truyền của Trung Quốc, với sự nham hiểm của Bắc Kinh, sự ăn cắp tràn lan của chế độ cộng sản đối với quyền sở hữu [trí tuệ] quốc tế trị giá hàng trăm tỷ đô la, và sự coi thường chuẩn mực quốc tế”.

Ông Rubin cho rằng các chính quyền Mỹ trước đây có thể đã có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc, nhưng rất ít người đối đầu [với Bắc Kinh] hoặc hành động mà không nói xuông.

“Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, tầm quan trọng thương mại và tiềm lực quân sự đã khiến các chính quyền Mỹ trước đây dè chừng”, ông Rubin nhận xét.

Theo ông Rubin, “tất cả đều biết cần phải làm gì đó, nhưng cũng giống như những quan chức Mỹ đặt hy vọng vào các nhà cải cách Iran, và không bao giờ bận tâm rằng một canh bạc như vậy chưa bao giờ được đền đáp, họ đặt cược vào ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ cải cách chính trị sau khi tự do hóa nền kinh tế. Họ tin rằng Bắc Trung Quốc sẽ đi theo ‘trật tự tự do’ sau Thế chiến 2, hơn là [họ] tìm cách đánh bại [Bắc Kinh]”.

Ông Rubin cho rằng việc che đậy về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng COVID-19, là một dấu hiệu của văn hóa chính trị Trung Quốc, nhưng nó là một phản ứng đối phó với một cuộc khủng hoảng, chứ không phải là chiến lược chủ động để khích động nó. Tuy nhiên, theo ông Rubin, Bắc Kinh có một chiến lược rõ ràng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng tham gia vào việc chiếm đoạt lãnh thổ hàng hải, chưa từng có tiền lệ.

“Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện thành công tham vọng thay đổi các bãi đá [san hô] nổi lên khi nước thủy triều thấp, thành các hòn đảo và yêu sách không những lãnh hải 12 hải lý quanh mỗi đảo, mà còn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thì toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc hiện đang tìm cách kiểm soát, đặt nó ngang hàng với các thế lực đế quốc thế kỷ 19, của các cường quốc châu Âu”, ông Rubin nhận định.

Theo ông Rubin, cơ sở lịch sử và pháp lý của các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là ngoài sức tưởng tượng, là không có cơ sở lịch sử, không tuân thủ luật pháp quốc tế hoặc địa chất học. Trung Quốc đưa ra những yêu sách của mình dựa trên cái gọi là ‘Đường 9 đoạn’, lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ chỉ vào năm 1947. Tuy nhiên, các bản đồ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước, cho thấy không có những yêu sách như vậy.

“Trong khi các quan chức Trung Quốc ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh bằng cách lập luận rằng các khu vực nằm trong ‘Đường 9 đoạn’ là ngư trường truyền thống của Trung Quốc, thì lập luận này là vô nghĩa khi người Việt Nam, người Philippines và ngư dân Malaysia, cũng đi lại trên vùng biển này trong lịch sử”, ông Rubin khẳng định.

Ông Rubin cho hay một số nhà ngoại giao nỗ lực hết sức mình để dàn xếp những quan điểm của những nước có liên quan trong đàm phán. Tuy nhiên, lịch sử không linh hoạt như vậy. Là một phần của Hiệp ước Paris năm 1898 chấm dứt Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, Tây Ban Nha đã bán Philippines cho Mỹ với giá 20 triệu đô la. Cả Madrid và Washington đều coi Đá Vành khăn do Trung Quốc chiếm đóng [thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền], và Bãi cạn Scarborough do Trung Quốc quản lý, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực, chống lại Bắc Kinh, trong đó nêu rõ đó là lãnh thổ của Philippines.

Tương tự như vậy, khi Philippines giành được độc lập hoàn toàn vào ngày 4/7/1946, họ nắm quyền kiểm soát cả Đá vành khăn và Bãi cạn Scarborogh. Nói một cách đơn giản, như phán quyết đã nêu rõ, những yêu sách của Trung Quốc đối với 2 hòn đảo này là không có giá trị pháp lý và lịch sử.

Cũng theo ông Rubin, một câu chuyện tương tự tiếp tục trên Biển Đông. Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), công bố và phân tích hình ảnh vệ tinh, có mã nguồn mở, của các đảo, rạn đá san hô khi nước thủy triều thấp, nằm rải rác trên Biển Đông. Nó cho thấy bề ngoài chiến lược “cắt lát salami” [chiến lược tằm ăn dâu] của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh biến các rạn san hô và đá, thành đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự, các cụm pháp phòng không và các trạm giám sát trên đảo.

Trong khi việc ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẵn sàng đối mặt với sự tuyên truyền [chỉ trích] của Trung Quốc là đáng được hoan nghênh, thì có một câu hỏi đặt ra là liệu việc sử dụng truyền thông để tác động đến sự ủng hộ của công chúng, có đủ để thay đổi hành vi của Trung Quốc hay không?

Về vấn đề trên, ông Rubin cho rằng “ngoại giao là có giá trị, nhưng chỉ có thể cung cấp một giải pháp khi cả hai phía tiếp cận nó cho cùng một mục đích. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã áp dụng ngoại giao như một chiến lược chiến tranh bất đối xứng, để ‘trói tay’ đối thủ trong khi họ thúc đẩy vị thế quân sự của mình”.

Mỹ coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, và từ chối công nhận các rạn san hô nổi lên khi thủy triều thấp ở lưu vực, là những hòn đảo, đáng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế.

“Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc tạo ra một ngoại lệ”, ông Rubin đề xuất.

Những tuyên bố của Trung Quốc rằng những tảng đá, bãi cạn và đá ngầm mà họ chiếm giữ bất hợp pháp, là những hòn đảo, là sai trái rõ rệt. Ngoài ra theo ông Rubin, có một cấu trúc ở Biển Đông, đáp ứng các tiêu chí để trở thành một hòn đảo. Đó là đảo Ba Bình (Itu Aba) trên quần đảo Trường Sa, do Đài Loan chiếm đoạt, nhưng cũng bị các nước khác, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, tuyên bố chủ quyền.

Đài Loan từ lâu đã tuyên bố rằng Ba Bình là một hòn đảo xứng đáng có được vùng đặc quyền kinh tế của riêng mình, mặc dù, trong năm 2016, một hội đồng trọng tài được triệu tập theo yêu cầu của Philippines, chỉ rõ Ba Bình là một rạn đá, chỉ xứng đáng được hưởng lãnh hải 12 hải lý.

Tuy nhiên, theo ông Rubin, phán quyết này là có thiếu sót.

“Một trong những đặc điểm chính của một hòn đảo là nó có nước ngọt để duy trì sự sống. Cư dân đảo Ba Bình hứng nước mưa, và do đó họ tiếp cận đủ nước ngọt và có thể hỗ trợ một nền kinh tế có ý nghĩa. Logic của phán quyết năm 2016 có lẽ bị lẫn lộn, và bỏ qua tiền lệ”, ông Rubin lập luận.

Để đánh bại Trung Quốc với mưu đồ riêng của mình, và bảo vệ tốt hơn quyền tự do hàng hải, ông Rubin cho rằng ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo “nên công nhận vị thế của Ba Bình là một hòn đảo, và cả yêu sách của Đài Loan đối với hòn đảo này. Công nhận Ba Bình là một hòn đảo không phải là để chấp thuận cho việc cải tạo đất trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng, mà chỉ đơn giản là chấm dứt tính trung lập trong vấn đề, không có lợi mà có hại cho một đồng minh quan trọng của Mỹ”.

Theo ông Rubin, Mỹ cần thực hiện các ”cắt lát salami” sau:

1) Thứ nhất, các quan chức Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng cách đến thăm Ba Bình trong các chuyến tham quan khu vực.

2) Thứ hai, Mỹ có thể cử nhóm các nhà địa chất, kỹ sư và các nhà sinh vật học người Mỹ đến Ba Bình, để tiến hành các công việc nghiên cứu, cũng giống như việc Trung Quốc thường sử dụng các nhiệm vụ khoa học, để cung cấp vỏ bọc cho các kỹ sư quân sự của chính họ.

3) Thứ ba, Mỹ có thể cung cấp cho Đài Loan radar và tên lửa đất đối không, để giúp bảo vệ đảo Ba Bình khỏi ‘những kẻ săn mồi’ trong khu vực, điều mà các kỹ sư trên có thể giúp đỡ.

4) Cuối cùng thì Đài Bắc và Washington có thể kỷ niệm lịch sử quan hệ chiến lược lâu dài của họ, bằng cách lên lịch các cuộc ghé thăm cảng trên đảo.

“Cho đến nay, ngoại giao đã không có tác dụng đẩy lùi các hành động cũng như dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông chừng nào Trung Quốc còn tin vào những hành động ‘cắt lát salami’ của mình. Sau đó, có lẽ để có hiệu quả và báo hiệu sự hỗ trợ cho các đồng minh và bảo vệ quyền tự do hàng hải, đã đến lúc Washington cần phải hành động để ngăn cản Bắc Kinh thực hiện chiến thuật này”, ông Rubin kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới