Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ đáp trả nguy cơ hạt nhân trên Biển Đông

Mỹ đáp trả nguy cơ hạt nhân trên Biển Đông

Giữa bối cảnh Biển Đông có nhiều căng thẳng, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự đến vùng biển này kèm theo thông điệp răn đe hạt nhân ngược lại nhằm vào Trung Quốc.

Ngày 27.5, một trang thông tin của quân đội Mỹ chính thức xác nhận việc máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer ngày 26.5 đã bay đến Biển Đông. Đây là thông tin mà một số trang mạng ngày 26.5 đã thông tin. Theo hình ảnh từ trang tin của quân đội Mỹ, 2 máy bay B-1B đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen rồi thẳng tiến đến Biển Đông. Diễn biến này được nhấn mạnh là nhằm khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc đảm bảo an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cùng ngày 27.5, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng việc Mỹ triển khai B-1 đến Biển Đông mang thông điệp răn đe ngược lại trước nhiều dấu hiệu từ phía Trung Quốc hàm chứa khả năng triển khai sức mạnh hạt nhân.

Từ hành động của Bắc Kinh

Theo đó, đây là hành động đáp trả việc Bắc Kinh thời gian qua không ngừng quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông, đồng thời tăng cường điều động vũ khí đến khu vực này. Một số hình ảnh từng chỉ ra máy bay ném bom H-6 đã có mặt ở Biển Đông khi đồn trú tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Có tầm hoạt động đủ sức bao phủ khắp Biển Đông, oanh tạc cơ H-6 còn có thể mang theo tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân.
Thêm vào đó, gần đây, nhiều động thái của Trung Quốc ẩn chứa nguy cơ nước này đẩy mạnh lực lượng tàu ngầm, trong đó có tàu ngầm Type-094 (lớp Tấn), đến Biển Đông. Cụ thể, Ấn Độ từng lên tiếng lo ngại việc tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương. Theo hải trình thì nhiều khả năng trước khi đến Ấn Độ Dương, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đã hoạt động tại Biển Đông. Năm ngoái, Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ. Trả lời Thanh Niên xung quanh diễn biến này khi đó, PGS Stephen Robert Nagy (thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) lo ngại UAV có thể giúp Trung Quốc thu thập các thông tin về địa hình trong lòng biển, độ sâu, dòng chảy…
Rồi việc Trung Quốc mới đây thành lập các cơ sở nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa, thì như Thanh Niên dẫn lời giới chuyên gia phân tích trong bài viết Trung Quốc với thủ đoạn “nghiên cứu khoa học” để độc chiếm Biển Đông (ngày 25.3) cũng chỉ ra khả năng các cơ sở này phục vụ cho hoạt động của tàu ngầm bao gồm tàu ngầm hạt nhân.

Đến Washington đáp trả

Trong khi đó, song hành các tuyên bố gần đây lên án mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực tây Thái Bình Dương, Mỹ cũng đã tăng cường quân sự đến vùng biển này không chỉ với hải quân mà còn có không quân. Điển hình là từ tháng 4, Lầu Năm Góc điều động máy bay B-1 từ lục địa Mỹ đến Thái Bình Dương, rồi tạm thời đồn trú ở đảo Guam. Từ đó đến nay, máy bay ném bom B-1 Lancer thường xuyên hoạt động ở vùng tây Thái Bình Dương. Tuy lâu nay, máy bay B-1 Lancer hầu như chỉ tham gia thực chiến với tên lửa và bom thông thường. Tuy nhiên, dòng máy bay này còn có thể mang theo vũ khí hạt nhân.
Thêm vào đó, gần đây truyền thông Mỹ cũng đưa tin về việc nước này điều động một số tàu ngầm rời cảng để đến hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương. Dù không nêu đầy đủ chi tiết các loại tàu ngầm, nhưng theo giới chuyên gia thì đây là động thái nhằm phòng ngừa việc Bắc Kinh hình thành một vành đai cho sự hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực. Nếu Mỹ không phòng ngừa thì tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có thể trở thành một lực lượng hạt nhân ảnh hưởng đến tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.
Bắc Kinh đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông
Trong buổi tọa đàm trực tuyến do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức ngày 27.5, chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cảnh báo Bắc Kinh đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” để củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Trong chiến thuật “vùng xám”, lực lượng tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc dọa dẫm, ngăn chặn các nước láng giềng đánh bắt, khai thác tài nguyên, theo bà Glaser.
“Cùng lúc, trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Bắc Kinh đề xuất chỉ hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên chung giữa ASEAN và Trung Quốc, không cho phép nước ngoài tham gia. Ngoài ra, Trung Quốc dùng công cụ kinh tế, chẳng hạn khoản vay trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường để gây áp lực với từng nước ASEAN”, bà Glaser lưu ý.
RELATED ARTICLES

Tin mới