Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ của TQ vì COVID-19

Nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ của TQ vì COVID-19

Thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã rót hàng tỷ đô la vào các nước thu nhập thấp dưới hình thức cho vay để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của họ. Và bây giờ, với đại dịch COVID-19, mối lo ngại đang gia tăng về một cuộc khủng hoảng nợ sắp bùng nổ tại các quốc gia đang phát triển vì hầu hết trong số họ đã bị oằn lưng bởi gánh nợ lớn với Trung Quốc.

 Ra mắt vào năm 2013, Sáng kiến BRI còn được gọi là “một vành đai, một con đường” hoặc “Con đường tơ lụa mới” là một trong những chương trình phát triển đầy tham vọng và gây tranh cãi nhất thế giới. Trong những năm gần đây, sáng kiến ​​này được coi là một cái bẫy nợ do các hình thức cho vay kiểu săn mồi của Bắc Kinh.

Theo một báo cáo gần đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), BRI đã góp phần đáng kể vào sự tích lũy nợ nước ngoài ở nhiều nước thu nhập thấp.

 Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn trên thế giới với dư nợ vượt quá 5,5 nghìn tỷ USD trong năm 2019, tương đương hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, báo cáo của IIF nêu rõ.

BRI đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay của Trung Quốc trong những năm gần đây, giúp Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới đối với các nước thu nhập thấp. Kể từ khi ra mắt, BRI ​​đã rót hơn 730 tỷ USD vào các dự án đầu tư và xây dựng ở nước ngoài tại hơn 112 quốc gia, theo báo cáo.

Trong số các quốc gia nhận tiền từ BRI, Djibouti, Ethiopia, Lào, Maldives và Tajikistan được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là có “nguy cơ mắc nợ cao”, có nghĩa là họ có khả năng lớn vỡ nợ hoặc phải đối mặt với các vấn đề về nợ nần.

Ngoài ra, một nghiên cứu học thuật gần đây được xuất bản bởi Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho thấy rằng các khoản cho vay nước ngoài của Trung Quốc có thể cao hơn so với báo cáo. Nghiên cứu chỉ ra có tới 50% các khoản cho vay của Trung Quốc là “giấu giếm” vì chúng không được báo cáo với IMF hoặc Ngân hàng Thế giới. Các hoạt động cho vay không minh bạch của Trung Quốc đã khuếch đại các lỗ hổng nợ ở các nước nghèo.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính sắp xảy ra, Sri Lanka hiện đang chồng chất thêm những khoản nợ từ Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này phải chi 4,8 tỷ USD để trả nợ trong năm nay nhưng họ đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về một khoản vay bổ sung ít nhất 1 tỷ USD, theo Nikkei Asian Review.

 Sri Lanka là một ví dụ rõ ràng về việc bị mắc kẹt trong nợ dẫn đến bị buộc phải giao tài sản chiến lược cho Trung Quốc. Một công ty nhà nước Trung Quốc đã kiểm soát cảng Hambantota phía nam Sri Lanka vào năm 2017 trong hợp đồng thuê 99 năm sau khi nước này không trả được nợ.

“Các cảng có mục đích sử dụng kép ở hầu hết mọi quốc gia – cho mục đích dân sự cũng như sử dụng cho quân sự”, bà Bonnie Glick, phó quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nói với tờ The Epoch Times.

“Cách mà Trung Quốc tái định hình toàn cầu, nó đã rất chiến lược khi nhắm vào các cảng có giá trị nhất trước tiên và tìm mọi cách tiếp cận để thao túng các quốc gia đó”, bà cho biết.

Theo bà Glick, điều tương tự cũng xảy ra ở quốc gia Djibouti ở Đông Phi, nơi Trung Quốc xây dựng một cảng nhượng quyền. Đất nước này nằm ở lối vào Biển Đỏ nơi Hoa Kỳ có lợi ích quốc phòng mạnh mẽ. Gần 10% xuất khẩu dầu trên thế giới và 20% của tất cả các hàng hóa thương mại đều hướng qua Kênh đào Suez đi qua Djibouti.

“Djibouti không trả được nợ và Trung Quốc cuối cùng kiểm soát hoàn toàn các hoạt động tại cảng ở Djibouti”, bà Glick nói, gọi BRI là “Một vành đai, một con đường – con đường một chiều đi tới những khoản nợ không thể trả”.

 Xóa nợ

Cả Ngân hàng Thế giới và IMF đều đã kêu gọi các nền kinh tế G20 bao gồm Trung Quốc cung cấp xóa nợ cho 76 nước nghèo nhất thế giới và cho phép họ tái chuyển hướng các quỹ để chống lại đại dịch.

Trung Quốc là nước ký kết sáng kiến ​​đình chỉ dịch vụ nợ được các quốc gia G20 đồng ý, là sáng kiến cho phép đóng băng các khoản nợ cho các quốc gia nghèo nhất theo yêu cầu. Việc đình chỉ sẽ diễn ra từ ngày 1/5 đến cuối năm 2020.

Theo bà Glick, phản ứng ban đầu của Trung Quốc về xóa nợ là tích cực. Nhưng sau đó, “Họ bắt đầu đưa ra tất cả các điều kiện về loại nợ nào sẽ được xem xét để xóa nợ, cẩn thận cố xâu từng cái kim để giữ lại những khoản nợ song phương mà Trung Quốc sở hữu”, bà nói.

Các dự án xây dựng hàng loạt của BRI được tài trợ chủ yếu thông qua một loạt các chính quyền địa phương Trung Quốc và các tổ chức do nước này kiểm soát.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố cứng rắn chống lại tham vọng của Trung Quốc nhằm phát triển ảnh hưởng tại các thị trường mới nổi và đại dịch đã thổi bùng lên những lo ngại này.

 Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết cả thế giới đang thức tỉnh trước những thách thức do Đảng cộng sản Trung Quốc đặt ra. Ông nói với các phóng viên hôm 20/5: “Trung Quốc bị cai trị bởi một chính quyền tàn bạo, độc tài……kể từ năm 1949. Trong nhiều thập niên, chúng tôi đã nghĩ rằng chính quyền này sẽ trở nên giống chúng ta hơn thông qua trao đổi thương mai, khoa học, tiếp cận ngoại giao, cho phép họ tham gia WTO như một quốc gia phát triển”.

“Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Chúng tôi đã đánh giá rất thấp mức độ thù địch về mặt tư tưởng và chính trị của Bắc Kinh đối với các quốc gia tự do”, ông cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới