Saturday, January 4, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTừ sau chiến tranh Lạnh, quan hệ Trung - Mỹ chưa bao...

Từ sau chiến tranh Lạnh, quan hệ Trung – Mỹ chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay

Sau cuộc chiến thương mại, đại dịch COVID-19 và tranh chấp trên Biển Đông đã khiến quan hệ Trung – Mỹ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Giới chức hai nước liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án nhau. Điều này phần nào cho thấy quá trình trỗi dậy của Trung Quốc đang tồn tại nhiều vấn đề và không hề “hòa bình” như những gì Bắc Kinh đang tuyên truyền.

Trung Quốc cảnh báo Mỹ không thể cản bước Bắc Kinh

Phát biểu tại cuộc họp báo về ngoại giao Trung Quốc trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội thường niên, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (24/5) khẳng định, “Trung Quốc không có ý định thay đổi Mỹ, càng không muốn thay thế Mỹ, do vậy Mỹ cũng không thể thay đổi Trung Quốc theo ý mình, càng không thể cản bước tiến trình lịch sử hướng tới hiện đại hóa của 1,4 tỷ dân Trung Quốc”; cảnh báo rằng một số thế lực chính trị Mỹ đang lợi dụng mối quan hệ Trung – Mỹ như “con tin” và cố tình đẩy hai nước tới bờ vực “của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Theo ông Vương Nghị, ý đồ này có thể phá hỏng thành quả hợp tác mà nhân dân hai nước đạt được trong nhiều năm qua, làm suy yếu sự phát triển tương lai của Mỹ, cũng như gây nguy hiểm cho sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi từ sự hợp tác, ngược lại sẽ cùng thua thiệt từ sự đối đầu. Những thành quả tốt nhất có được hiện nay là những gì chúng ta đúc kết được từ nhiều thập kỷ qua. Cả hai nước nên nhận thức được điều này. Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn cam kết cùng phát triển các mối quan hệ thông qua sự phối hợp, hợp tác và ổn định với Mỹ. Ông khẳng định Trung Quốc và Mỹ sẽ và phải tìm ra giải pháp hòa bình, hợp tác cùng tồn tại và cùng có lợi.

Về vấn đề Đài Loan, Ngoại trưởng Vương Nghị “khuyên phía Mỹ bỏ đi ảo tưởng và toan tính chính trị. Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ không đưa ra bất kỳ nỗ lực nào nhằm thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc”; nhấn mạnh rằng việc tái thống nhất hai bên eo biển Đài Loan là “xu hướng lịch sử tất yếu” và không cá nhân hay lực lượng nào có thể ngăn điều đó xảy ra. Tuy nhiên, cũng theo ông Vương, Trung Quốc và Mỹ nên hợp tác với nhau vì hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, trong khi đối đầu sẽ chỉ tạo ra tổn thất.

Ngoài chuyện Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ hiện cũng mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề như Hong Kong, tranh cãi về nhân quyền, thương mại… Trong vấn đề điều tra nguồn gốc của Covid-19, ông Vương Nghị cho rằng, một cuộc điều tra quốc tế phải được tiến hành trên phạm vi toàn cầu dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, công bằng và xây dựng, loại bỏ mọi “nhiễu loạn chính trị”. Về việc Quốc hội Trung Quốc xem xét vấn đề lập pháp trong bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, là “chức năng” của chính quyền Trung ương Trung Quốc, là việc làm cấp bách nhằm đối phó những đe dọa đối với nguyên tắc “một đất nước hai chế độ” và không ảnh hưởng đến sự “tự trị cao độ” của Hong Kong. Về vấn đề Biển Đông, ông Vương Nghị phủ nhận việc Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để tăng cường sự hiện diện tại đây, cho biết nước này sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN nhằm sớm khởi động lại đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vốn bị tạm hoãn do dịch bệnh và tích cực tìm kiếm các phương thức hợp tác trên biển mới.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (22/5) khẳng định, Bắc Kinh cam kết phát triển mối quan hệ với Washington theo hướng không xung đột, không đối đầu, tôn trọng nhau và hợp tác cùng có lợi. Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, mối quan hệ ổn định và phát triển giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho hai nước.

Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc

Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ (22/5) cho biết, bảy công ty và hai tổ chức của Trung Quốc bị đưa vào danh sách các thực thể phải đối mặt các hạn chế thương mại. Theo thông báo, các đối tượng trong danh sách nêu trên sẽ phải đối mặt một số hạn chế đối với các mặt hàng của Mỹ theo Quy định quản lý xuất khẩu (EAR). Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ bổ sung 24 công ty, tổ chức chính phủ và tổ chức thương mại của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các công ty và tổ chức bị đưa vào danh sách trừng phạt sẽ không được phép tiếp cận công nghệ Mỹ, khi chưa có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ W.Ross nhấn mạnh, bước đi này nhằm ngăn chặn việc sử dụng hàng hóa và công nghệ của Mỹ vào các hoạt động làm suy yếu lợi ích của Mỹ.

Bộ Giao thông Mỹ (22/5) cũng cáo buộc Trung Quốc không cho các hãng hàng không Mỹ nối lại dịch vụ bay tới Trung Quốc. Bộ Giao thông Mỹ gọi đây là tình huống “nghiêm trọng” và nhấn mạnh, hai hãng Delta Air Lines và United Airlines của Mỹ muốn nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc vào tháng 6 tới. Trong một động thái liên quan, Washington yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc nộp lịch trình chuyến bay cho Chính phủ Mỹ trước ngày 27/5.

Trong lĩnh vực quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper (22/5) đã tuyên bố Lầu Năm Góc đang cẩn thận giám sát các động thái quân sự của Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hiện nay là thời đại đọ sức giữa các cường quốc và đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Hoa Kỳ là Trung Quốc; nhấn mạnh “thách thức hiện tại của chúng ta là thực hiện chiến lược đối phó với Trung Quốc và chuyển hướng trọng tâm sang Trung Quốc để đảm bảo rằng chúng ta luôn có thể đối phó được với sự thay đổi của Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta muốn tránh xảy ra chiến tranh nóng với Trung Quốc, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải bảo vệ các giá trị của chúng ta và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các chuẩn mực quốc tế”. Trước những đe dọa của Trung Quốc, ông Mark Esper cho biết, “mọi người đều biết, chúng ta đang giám sát Trung Quốc rất cẩn thận. Tôi hy vọng họ hành động thận trọng. Chúng ta sẽ rất nghiêm túc xem xét bất kỳ hành động quân sự nào của Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào”; đồng thời bày tỏ “tin tưởng rằng nước Mỹ sẽ bảo vệ được các đồng minh và bạn bè của chúng ta. Tôi muốn nói một lần nữa rằng chúng ta chắc chắn sẽ bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc quốc tế. Chúng ta có lực lượng quân sự mạnh nhất trên thế giới và có Hải quân hùng mạnh nhất trong lịch sử. Và chúng ta sẽ bảo vệ các đồng minh và bạn bè của mình”.

Luật An ninh Hồng Kong sẽ là “ngòi nổ” xung đột Mỹ – Trung

Việc Trung Quốc thực hiện kế hoạch kiểm soát an ninh toàn diện mới với Hồng Kông có thể gây thiệt hại lớn hơn cho mối quan hệ Trung – Mỹ và buộc Tổng thống Donald Trump phải đưa ra một quyết định khó khăn. Theo đó, dự thảo nghị quyết được Bắc Kinh công bố vào ngày 21/5 đã kích động sự giận dữ của Quốc hội Mỹ và việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc đã nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ hơn ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ông Trump không quan tâm nhiều đến hoàn cảnh khốn khó của Hồng Kông và tiếp tục hy vọng thực hiện thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, vì vậy các biện pháp trừng phạt như vậy có thể không phải là điều ông muốn thấy.

Ông Evan Medeiros, Giám đốc cấp cao về châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc chính quyền Barack Obama và Giáo sư của Đại học Georgetown cho rằng động thái này ở Bắc Kinh sẽ xé bỏ lớp ngụy trang cuối cùng của “một quốc gia, hai chế độ”; làm gia tăng thêm cuộc khủng hoảng của quan hệ Trung – Mỹ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ và Trung Quốc sẽ nổi lên, có cảm giác như năm 2020 sẽ ngày càng giống như cuộc khủng hoảng Chiến tranh Lạnh đầu tiên xảy ra xung quanh Berlin năm 1948; đồng thời nhận định Mỹ và Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp chế tài hoặc trừng phạt lẫn nhau.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hoa Kỳ Richard Haass (22/5) đã cảnh báo trên Twitter: kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước 40 năm trước, hai quốc gia Thái Bình Dương  đang ở vào “thời khắc nguy hiểm nhất”. Ông cũng nói rằng giữa hai bên ngày càng có nhiều sự bất đồng (Hồng Kông là vấn đề gần đây nhất), nhưng mối quan hệ giữa hai bên hiện không có cơ sở chiến lược và không có kế hoạch giảm va chạm.

Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngày 22/5 đã đăng một bài xã luận cho rằng Trung Quốc công bố kế hoạch này có nghĩa là Bắc Kinh đã đánh giá tất cả các biện pháp trả đũa mà Mỹ sẽ thực hiện và đã chuẩn bị sẵn sàng đón nhận mọi thách thức. Khả năng Bắc Kinh rút lui dưới áp lực từ Hoa Kỳ là “số không”. An ninh quốc gia là hòn đá tảng của tất cả các lợi ích của Trung Quốc. Hồng Kông hỗn loạn như ngày nay được Mỹ coi là điểm tựa chống lại Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là Điều 23 của Luật Cơ bản Hồng Kông liên quan đến an ninh quốc gia đã thất bại. Việc ban hành luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông đã được cả xã hội Trung Quốc coi là một nhiệm vụ cấp bách và phải kiên quyết xúc tiến dưới bất kỳ áp lực nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới