Monday, January 6, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế...

Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông

Trước những hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp theo quy định của Luật pháp quốc tế bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (SAIC) chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ công nghệ cho Chính phủ Mỹ, khẳng định: “Việt Nam luôn nhất quán trong việc chỉ ra những hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng sức mạnh quân sự để chèn ép các nước khác một cách phi pháp. Điều này cho thấy, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và điều này cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đây là cách làm rất có hiệu quả của Việt Nam. Trong mỗi trường hợp cụ thể, Việt Nam lại có cách phản ứng thích hợp, trong đó có cân nhắc đến tình hình chung. Điều này khiến tình hình Biển Đông dù có những lúc căng thẳng nhưng luôn được hạ nhiệt kịp thời”.

Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thắt chặt tình đoàn kết trong ASEAN để đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh nhiều nước ASEAN đang chịu áp lực không nhỏ từ Trung Quốc và có quan điểm hết sức khác biệt về cách thức hành xử với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định: “Điều này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng về ngoại giao của Việt Nam. Sức mạnh của ASEAN chỉ có thể được bộc lộ khi toàn bộ 10 nước ASEAN cùng có chung tiếng nói chứ không phải là chia rẽ theo lợi ích của từng quốc gia”.

Chuyên gia James Kraska, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ nhận định việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982. Theo đó, cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thiết lập trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực bởi nó vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc xâm phạm đến lãnh thổ, quyền chủ quyền và sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác. Việc triển khai lực lượng quân đội để tiến hành những hành vi nói trên đã vi phạm Điều 2.4 Hiến chương Liên Hợp Quốc mà chính Trung Quốc cũng đã từng vi phạm vào năm 1974 khi nước này tiến hành đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rõ ràng, những hành vi gây bất ổn cho hoà bình và an ninh khu vực của Trung Quốc có thể làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang giữa các quốc gia trong khu vực cũng như kéo theo sự tăng cường hiện diện quân sự tại các quốc gia ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” của Trung Quốc còn vi phạm hàng loạt các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đáng chú ý nhất là Điều 56 UNCLOS, trong đó cho phép các quốc gia ven biển thiết lập Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong EEZ, các quốc gia ven biển mà trong trường hợp này là Việt Nam có quyền đánh bắt cá, khai thác các nguồn tài nguyên, trong đó có dầu mỏ và khí đốt. Hành động này của Trung Quốc còn vi phạm điều 87 và 58 của UNCLOS trong đó khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cũng như phần lớn các điều khoản trong Phần V và Phần VI của UNCLOS liên quan đến EEZ cũng như thềm lục địa của Việt Nam trong vùng biển này.

Chuyên gia James Kraska cũng cho rằng Phán quyết của PCA về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2016 có thể được áp dụng trong trường hợp này. Chiếu theo nội dung phán quyết của PCA, có thể thấy rõ Trung Quốc đã rất phi lý khi ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là khu “Nam Sa” và khu “Tây Sa”. Phán quyết của PCA nêu rõ, UNCLOS bao trùm toàn bộ khuôn khổ pháp lý trên đại dương và việc một quốc gia tuyên bố thiết lập các khu vực hành chính ngay trong khu vực thuộc chủ quyền hợp pháp của một nước khác đã vi phạm nghiêm trọng nội dung phán quyết năm 2016 của PCA.Ngoài ra, Trung Quốc đang lợi dụng việc các nước phải tập chung chống lại đại dịch Covid-19 hòng đạt được “những mục tiêu chiến lược” mà nước này đề ra trên Biển Đông. Đó cũng chính là lý do những hành vi sai trái của Trung Quốc chưa vấp phải nhiều sự phản đối mạnh mẽ như trước đây. Các nước trong và ngoài khu vực mong muốn duy trì thượng tôn pháp luật trên biển cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS ở Biển Đông cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn nữa.

Trước những diễn biến khó lường ở Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để gia tăng hoạt động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, giới học giả đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng đối với Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Chuyên gia James Kraska cho rằng các nước trong khu vực, trong đó có Malaysia, Philippines và Việt Nam nên đàm phán để đạt được “quan điểm chung” liên quan đến vấn đề Biển Đông trước khi cùng truyền đạt quan điểm chung này tới Trung Quốc. Điều này là bởi, Trung Quốc vẫn đang thực thi chính sách “chia để trị” đối với các nước và cách duy nhất để các nước có thể phản ứng hiệu quả hơn với những hành vi sai trái của Trung Quốc là đoàn kết chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục tăng cường năng lực quốc gia và đẩy mạnh việc hợp tác chặt chẽ về nhiều mặt với các đối tác có ảnh hưởng lớn trên thế giới để nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều phía trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của nước này ở Biển Đông thay vì phải đơn độc đối đầu với Trung Quốc. Nếu Việt Nam có thể tiến hành các dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi với các đối tác như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản hay Australia, điều này sẽ gây tác động không nhỏ đến những toan tính của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, một biện pháp khác mà Việt Nam có thể làm là phối hợp với các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, năm 2020 là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh tiến độ đàm phán bởi khi đó Việt Nam nắm quyền Chủ tịch ASEAN nên tiếng nói sẽ rất có trọng lượng trong hiệp hội.

Ông Bill Hayton khuyến nghị, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi gây bất ổn ở Biển Đông như việc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam thì Việt Nam có thể tính đến các biện pháp pháp lý. Trong trường hợp này, lẽ phải thuộc về Việt Nam và Việt Nam nắm chắc cơ hội chiến thắng.

Trong khi đó, ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), cho rằng, Trung Quốc có thể ngang nhiên thực hiện những hành vi sai trái ở Biển Đông là bởi Trung Quốc tự tin vào tương quan lực lượng quá chênh lệch giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Chính vì thế, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam cần tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc bằng vũ lực. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, Việt Nam có thể tính đến việc khởi kiện Trung Quốc hoặc ít nhất là đe dọa khởi kiện Trung Quốc. Việt Nam có thể đe dọa khởi kiện Trung Quốc để buộc Trung Quốc phải tiến hành đàm phán theo hướng tích cực hơn với Việt Nam. Nếu Trung Quốc không chấp nhận đàm phán, Việt Nam hãy khởi kiện. Các biện pháp đàm phán song phương sẽ không có hiệu quả nếu Trung Quốc chỉ chăm chăm quan tâm đến lợi ích đơn phương của mình và không chịu nhượng bộ.

Học giả Derek Grossman, viện RAND, nhận định việc Việt Nam áp dụng phương pháp “than vãn” công khai và “hợp tác và đấu tranh” hiện nay không làm Trung Quốc dừng các hành động cứng rắn. Về song phương, ông đánh giá Việt Nam có thể: dọa kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế (ông cho rằng Việt Nam đang cân nhắc nghiêm túc ý định này); ngừng kiểm soát báo chí đưa tin về các hành động cứng rắn của Trung Quốc; hạ cấp quan hệ xuống dưới “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” để thể hiện quan hệ song phương đang bị ảnh hưởng; học Indonesia đáp trả cứng rắn lại Trung Quốc. Về đa phương, Việt Nam có thể: thúc đẩy ASEAN đàm phán COC theo hướng có lợi cho Việt Nam và kéo dài thời gian làm Chủ tịch ASEAN; quốc tế hóa hơn nữa vấn đề Biển Đông; tăng cường hợp tác quân sự với các nước khác như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Anh… Ông cho rằng Việt Nam có rất nhiều lựa chọn, nhưng điều quan trọng là Việt Nam quyết định đi xa tới mức nào.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc này cũng không hề dễ dàng bởi Trung Quốc không muốn bị ràng buộc về mặt pháp lý một khi nước này đặt bút ký vào COC. Trung Quốc sẽ chỉ chấp nhận làm điều này nếu họ hoàn tất được quá trình quân sự hóa và tiến tới kiểm soát Biển Đông. Khi đó hoặc COC sẽ không còn nhiều giá trị như mục đích ban đầu mà các quốc gia trong khu vực hướng đến hoặc những điều khoản trong COC sẽ trở nên có lợi cho Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới