Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÂm mưu của TQ khi tiến hành tập trận ở quần đảo...

Âm mưu của TQ khi tiến hành tập trận ở quần đảo Đông Sa

Hải quân Trung Quốc đã lên kế hoạch cho một cuộc tập trận đổ bộ đường biển quy mô lớn gần tỉnh Hải Nam vào tháng 8, mô phỏng việc tiếp quản quần đảo Pratas – một nhóm ba đảo san hô ở phía Bắc Biển Đông do Đài Loan kiểm soát và Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa.

Kyodo News của Nhật dẫn các nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc tiết lộ rằng Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ, đơn vị phụ trách tác chiến trên Biển Đông, sẽ triển khai lực lượng với quy mô lớn chưa từng có gồm tàu đổ bộ, trực thăng, tàu đổ bộ đệm khí và hải quân đánh bộ tham gia một cuộc tập trận ngoài khơi đảo Hải Nam vào tháng 8. Mục tiêu giả định của cuộc tập trận là quần đảo Đông Sa/quần đảo Pratas, nằm ở phía đông Bắc Biển Đông, hiện do lực lượng phòng vệ Đài Loan kiểm soát, theo các nguồn tin. Đây được coi là địa điểm có vai trò quan trọng chiến lược với tham vọng mở rộng hoạt động của Bắc Kinh, do nằm trên tuyến di chuyển của lực lượng hải quân Trung Quốc đóng tại đảo Hải Nam ra Thái Bình Dương.

Theo giới truyền thông, Trung Quốc sẽ điều hạm đội tàu sân bay tham gia hoạt động tập trận trên. Nhóm tàu sân bay của Trung Quốc dự kiến sẽ di chuyển qua quần đảo Pratas trên đường đến “địa điểm tập trận ở phía Đông Nam Đài Loan ở biển Philippines”. Tuy nhiên, hiện chưa xác định cụ thể tàu sân bay Liêu Ninh hay Sơn Đông sẽ tham gia cuộc tập trận trên. Trong khi các bộ phận khác của đội tàu hải quân sẽ tham gia các bài tập đổ bộ tại một khu huấn luyện gần Hải Nam, cách quần đảo Pratas khoảng 600km về phía Tây Nam.

Đáng chú ý, có nguồn tin cho rằng đây không phải là diễn tập chiếm quần đảo này vì chỉ có 200 lính Đài Loan đóng quân trên quần đảo Pratas, do đó, PLA không triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay để chiếm một hòn đảo nhỏ như vậy; đồng thời khẳng định các cuộc tập trận chỉ là “một phần của chương trình huấn luyện thường xuyên của hải quân Trung Quốc”, cho rằng PLA phải thử nghiệm tất cả các máy bay, tàu chiến và vũ khí của mình ở Biển Đông để xem xét khả năng sẵn sàng chiến đấu và năng lực tác chiến ở vùng biển nhiệt đới.

Trong khi đó, chuyên gia Lục Lập Thực, Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng cho rằng lý do chính khiến PLA không tìm cách chiếm giữ bất kỳ hòn đảo nào do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông là vì chúng không còn giữ giá trị chiến lược đối với Bắc Kinh. Cả hai đảo Pratas và Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng) đã mất tầm quan trọng về mặt địa lý kể từ khi đại lục phát triển đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Bắc Kinh có ba đường băng dài 3.000 mét trên các hòn đảo nhân tạo gần đó và có thể chứa tất cả các loại máy bay (quân sự và dân sự). Đài Loan thậm chí không còn máy bay chiến đấu trên Pratas hay Ba Bình. Chuyên gia Trì Lạc Nghĩa, một nhà quan sát quân sự ở Đài Bắc, cho rằng các cuộc tập trận sắp tới và sự gia tăng hoạt động của hải quân và không quân Trung Quốc là bằng chứng cho kế hoạch của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa toàn bộ khu vực; nhấn mạnh cuộc tập trận đổ bộ là một phần trong chương trình huấn luyện thường xuyên của hải quân PLA để đạt được kế hoạch Bắc Kinh, nhằm đưa Biển Đông dưới sự kiểm soát của họ; bên cạnh đó, cuộc diễn tập đổ bộ có thể được xem là động thái chuẩn bị tấn công Đài Loan, nhưng thực tế là Bắc Kinh đang xây dựng những hệ thống tác chiến để chuẩn bị cho kịch bản xung đột trong khu vực.

Dù vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng Trung Quốc tổ chức đợt diễn tập nhằm gửi thông điệp tới Đài Loan và Mỹ. Nhà bình luận Song Zhongping tại Hong Kong nhận định, cuộc diễn tập đổ bộ diễn ra ngay sau khi hải quân Trung Quốc diễn tập 11 tuần ở biển Bột Hải. Nó là lời cảnh báo cho lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và chính quyền Mỹ rằng quân đội Trung Quốc luôn sẵn sàng hành động những vấn đề liên quan tới Đài Loan và Biển Đông.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Đài Loan chiếm đóng trái phép và triển khai lực lượng cảnh sát biển đồn trú. Đảo này nằm gần một số đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp từ các đá thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, quần đảo Đông Sa nằm cách Hong Kong 340 km và cách Đài Bắc 850 km, được chính quyền Đài Loan đặt trong phạm vi quản lý hành chính của thành phố Cao Hùng, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và đặt nó vào tỉnh Quảng Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới