Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCăng thẳng Biển Đông leo thang, Mỹ tái khẳng định cam kết...

Căng thẳng Biển Đông leo thang, Mỹ tái khẳng định cam kết đối với khu vực

Tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng trong hơn một tháng qua do Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 gia tăng các hoạt động lấn lướt ở Biển Đông như điều nhóm tàu tác chiến sân bay vào diễn tập ở Biển Đông; đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển đi vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam rồi xâm nhập vùng biển của Malaysia quấy phá các hoạt động dầu khí của Malaysia; công bố lập 2 đơn vị hành chính “quận Tây Sa” (Hoàng Sa) và “quận Nam Sa” (Trường Sa), đặt tên 80 thực thể ở Biển Đông, ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông… Những động thái này ảnh hưởng trực tiếp đến các nước liên quan như Việt Nam, Philippines, Malaysia….

Ngoài ra, cuối tháng 3/2020, tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, Bắc Kinh gửi công hàm tới Liên hợp quốc vu cáo Việt Nam trên vấn đề Biển Đông; tháng 4/2020, tàu chiến Trung Quốc chĩa radar vào tàu hải quân Philippines hay trong gần 2 tháng qua, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 của Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Malaysia uy hiếp, quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia.

Trong hơn 2 tháng đầu năm 2020, dịch Covid bùng phát ở khắp Trung Quốc. Do phải tập trung chống dịch, Trung Quốc ít có các hoạt động ở Biển Đông. Trong tình hình đó, Mỹ cũng có rất ít các hoạt động trên Biển Đông nên tình hình Biển Đông dịu đi.

Từ cuối tháng 3, sau khi cơ bản khống chế được dịch Covid trong nước, giới cầm quyền Bắc Kinh với những hoạt động hung hăng liên tiếp ở Biển Đông như nêu trên đã làm cho tình hình Biển Đông hết sức căng thẳng. Một số nhà quan sát lo ngại rằng, do đang bận đối phó với đại dịch Covid-19, Mỹ sẽ lơ là vấn đề Biển Đông và Trung Quốc sẽ lợi dụng để tiếp tục lấn tới.

“Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, những hành động hung hăng dồn dập của Trung Quốc ở Biển Đông đã buộc Mỹ phải có hành động đáp trả để ngăn chặn bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 đang gặp phải của một số tàu chiến Mỹ, kể cả tàu sân bay.

Tổng thống Donald Trump và các quan chức chính quyền, Nghị sĩ Mỹ hết sức bực tức trước việc Trung Quốc gây ra đại dịch Covid 19, đẩy toàn cầu vào thảm họa và rồi họ lại lợi dụng điều này để gây hấn, bắt nạt các nước láng giềng, xem thường sức mạnh quân sự của Mỹ. Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo nhiều lần công kích Bắc Kinh vì không công khai minh bạch về dịch bệnh để dịch bệnh lây lan ra toàn cầu.

Lầu Năm Góc cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch Covid-19 để gia tăng lợi ích quân sự và kinh tế bằng việc bành trướng, đồng thời thể hiện sự lo ngại đối với hoạt động gia tăng, lợi dụng thời cơ của Trung Quốc để dọa nạt các nước láng giềng, thúc ép tuyên bố chủ quyền hàng hải bất hợp pháp trên Biển Đông giữa lúc khu vực và thế giới đang tập trung đối phó Covid-19.

Washington khẳng định Covid-19 không hề ảnh hưởng tới khả năng quân sự đáp trả các hành động của Trung Quốc. Tư lệnh Bộ chỉ huy Không kích toàn cầu của Không quân Mỹ, tướng Timothy Ray, nhấn mạnh: “Chúng tôi đủ năng lực khai hỏa tầm xa từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và có thể tung ra hỏa lực áp chế ngay giữa đại dịch”.

“Lời nói đi đôi với việc làm”. Trong những tuần qua, các tàu chiến hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 đã được triển khai nhiều lần ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan để gửi một thông điệp rằng quân đội Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện, tái khẳng định cam kết với các đồng minh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Cuối tháng 4, hải quân Mỹ điều 3 chiến hạm đến Biển Đông diễn tập quân sự cùng tàu chiến Úc và liên tiếp cho tàu chiến áp sát Hoàng Sa và các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đầu tháng 5, Mỹ cho 2 tàu tác chiến ven bờ (tàu USS Gabrielle Giffords và tàu USS Montgomery) cùng tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez đến khu vực tàu khoan West Capella, do công ty Petronas của Malaysia đang vận hành để hỗ trợ Malaysia trước sức ép của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 của Trung Quốc.

Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords và tàu USS Montgomery, thuộc lớp Independence, của Lực lượng tuần duyên Mỹ được Washington điều đên đồn trú tại Singapore để hỗ trợ có các tàu hải quân Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông.

Ngày 13/5/2020, tàu khu trục tên lửa hành trình USS McCampbell được triển khai qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện sự cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do. Trong khi đó, tàu USS Ronald Reagan thực hiện hoạt động diễn tập trên các tàu nhỏ ở vùng biển Philippines.

Hôm 14/5/2020, ông Michael Kafka, Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ cảnh báo “Trung Quốc đang nỗ lực tận dụng sự tập trung của các nước trong khu vực về Covid-19 để gia tăng lợi ích riêng”. Đồng thời, Hạm đội Hải quân Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ thông báo mọi tàu ngầm trong khu vực của hải quân Mỹ đang trên biển để tiến hành các chiến dịch đảm bảo một khu vực – Thái Bình Dương mở và tự do giữa khủng hoảng Covid-19. Đây được coi là một động thái bất thường vì Mỹ thường không công bố về hoạt động của lực lượng tàu ngầm.

Bên cạnh đó, các máy bay B1-B của các lực lượng không quân Mỹ đã cất cánh từ lục địa của Mỹ bay thẳng đến Biển Đông và biển Hoa Đông để hoạt động. Từ đầu năm 2020, Mỹ đã khoảng 40 lần bay qua Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải và eo biển Đài Loan, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, có 2 chuyến bay của quân đội Mỹ được thực hiện gần Hồng Kông, cho thấy sự tiếp cận “sát sườn” Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự cho rằng các hoạt động dồn dập của hải quân và không quân Mỹ ở biển Hoa Đông, eo biển Đài loan và trên Biển Đông vừa qua là nhằm tạo sự bất ngờ để đối phương khó dự đoán. Qua các hoạt động này, Washington khẳng định các lực lượng của Mỹ có khả năng thực hiện những nhiệm vụ liên tiếp và bất ngờ ở Biển Đông, không giống mô hình trước đây vốn có thể dự đoán được. Với sách lược quân sự mới, Washington có thể tính toán thêm các địa điểm đồn trú luân phiên khác ở khu vực mà không cần phải lệ thuộc vào một vài đối tác. Điều này phù hợp hơn với tình hình hiện tại, giúp Mỹ có thể triển khai tấn công từ nhiều hướng, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đã thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ đã chiếm đóng ở Biển Đông.

Dù không liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông hay biển Hoa Đông nhưng Mỹ có lợi ích chiến lược cốt lõi ở khu vực này. Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực để thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh. Chứng kiến Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hoạt động lấn lướt và bắt nạt láng giềng, Washington không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo Biển Đài Loan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh “Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ đã làm tốt việc duy trì thể hiện vũ lực, sự răn đe, khả năng và sự sẵn sàng chiến đấu” giữa lúc đại dịch, đồng thời cho biết ông muốn đẩy mạnh đầu tư quân sự trong khu vực. Rõ ràng Mỹ đang chuyển tới Bắc Kinh thông điệp mạnh mẽ “Mỹ kiên quyết chống lại sự bá quyền của Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới