Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐài Loan sỡ hữu ngư lôi Mk-48 Mod6 AT đe dọa trực...

Đài Loan sỡ hữu ngư lôi Mk-48 Mod6 AT đe dọa trực tiếp đến tàu chiến TQ

Đài Loan sẽ nhận được lô hàng nhỏ gồm 18 quả ngư lôi 533 mm Mk-48 Mod 6 AT (công nghệ tiên tiến). Đây là loại ngư lôi hiện đại có uy lực mạnh mẽ được thiết kế đặc biệt cho tàu ngầm, với tầm bắn tối đa lên tới 50 km, được sử dụng để tấn công các mục tiêu tàu mặt nước và tàu ngầm. Ngư lôi này có thể tấn công các mục tiêu tàu ngầm tốc độ trung bình và cao, như tàu ngầm hạt nhân, ở khoảng cách khá xa.

Theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi, việc Mỹ tuyên bố quyết định bán ngư lôi cho Đài Loan. Thoạt nhìn, đây dường như không phải là một giao dịch quân sự đặc biệt lớn, nhưng giao dịch này chạm đến lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm trong sự phát triển tiềm lực quân sự của Đài Loan và có thể làm phức tạp thêm quan hệ Trung – Mỹ.

Hiện nay Đài Loan chỉ có hai tàu ngầm chiến đấu lớp Hải Long. Chúng được thiết kế và chế tạo ở Hà Lan dựa trên mẫu tàu ngầm lớp Swordfish (Cá Kiếm) và được giao cho Đài Loan vào nửa cuối thập niên 1980. Hai tàu này hiện được trang bị loại ngư lôi AEG SUT264 của Đức. Việc Đức buộc phải chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Đài Loan do sự uy hiếp của Trung Quốc và sự lão hóa của ngư lôi rõ ràng đã khiến Đài Loan gặp khó khăn trong việc duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, vào năm 2003 và 2010 đã xảy ra sự cố tổn thất ngư lôi trong các cuộc tập trận thực tế.

Đài Loan từ lâu đã muốn trang bị cho các tàu ngầm của mình các ngư lôi của Mỹ, nhưng vì sự nhạy cảm trong chính sách với Trung Quốc đại lục, nên Đài Loan lâu nay đã trì hoãn quyết định mua những vũ khí này. Do không thể tự mình chế tạo tàu ngầm, Đài Loan đã thực hiện kế hoạch nâng cấp quy mô lớn cho các tàu ngầm Hải Long hiện có của họ, bao gồm thay thế các thiết bị điện tử, nâng cấp động cơ và trang bị cho nó các hệ thống vũ khí mới, như tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi Mk-48. Việc trang bị cho các tàu cũ này các thiết bị và hệ thống vũ khí mới sẽ giúp Đài Loan thực hiện kế hoạch phòng thủ quan trọng nhất – tự chế tạo các tàu ngầm diesel – điện (IDS). Con tàu đầu tiên do chính Đài Loan chế tạo dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2024, mặc dù phải tính đến việc các dự án như vậy luôn đi kèm với rủi ro kỹ thuật đáng kể.

Theo nhận định của giới chuyên gia, hạm đội tàu ngầm Đài Loan sau khi được nâng cấp có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đảo Đài Loan. Các tàu ngầm ít có khả năng bị các máy bay Trung Quốc đại lục đã giành được ưu thế trên không phát hiện và tấn công trong thời kỳ đầu khi nổ ra xung đột. Mặc dù Trung Quốc đại lục cũng đã đạt được tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng khả năng phòng thủ chống ngầm của vẫn là một trong số ít điểm yếu trong tiềm lực quân sự của PLA. Các tàu ngầm Đài Loan được trang bị tên lửa hành trình và ngư lôi hiện đại có thể trở thành một trở ngại nghiêm trọng cho quân đội Trung Quốc đại lục khi đổ bộ lên hòn đảo này. Loại bỏ mối đe dọa này hoàn toàn nằm trong khả năng của PLA, nhưng sẽ mất thời gian để giải quyết nhiệm vụ này và Bắc Kinh có thể không có thời gian do việc chiếm đóng Đài Loan phải thật nhanh để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng việc chính phủ Mỹ chấp thuận bán ngư lôi hiện đại cho Đài Loan cho thấy Washington đang cố tình làm xấu thêm mối quan hệ với Bắc Kinh vì họ biết rằng Bắc Kinh sẽ rất bất bình với thỏa thuận quân sự mới giữa Washington và Đài Bắc. Vụ giao dịch ngư lôi cũng chứng minh cho cái gọi là “bình thường hóa” hợp tác công nghệ quân sự Mỹ-Đài Loan, chỉ cần một giao dịch mới được đề xuất, cũng có thể được chấp thuận bằng các thủ tục thông thường. Trước đây mỗi hợp đồng quân sự mới ký với Đài Loan, Mỹ đều thẩm định phê duyệt mấy vụ giao dịch cùng một lúc. Có thể thấy rằng những hợp đồng này đã được người Mỹ thực hiện với số lượng nhỏ vào thời điểm được lựa chọn cẩn thận, để tránh gây ra sự bất mãn mạnh mẽ ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong thương vụ trên, Mỹ đã quyết định bán ngư lôi tối tân Mk-48 thì rõ ràng đây là loại vũ khí tấn công. Vì vậy vụ giao dịch này còn là sự thách thức giới hạn chịu đựng của Bắc Kinh.

Trước đó, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết, Chính phủ Mỹ thông báo cho quốc hội khả năng bán số ngư lôi MK-48 Mod 6 trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan. Cơ quan này đã cung cấp chứng nhận cần thiết để thông báo cho quốc hội về thương vụ này; nhấn mạnh đề xuất bán ngư lôi này nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, an ninh và kinh tế Mỹ thông qua việc ủng hộ Đài Loan “tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì năng lực phòng thủ đáng tin cậy”. Tuy nhiên, việc Đài Loan có nhận được số ngư lôi trên hay không vẫn chưa chắc chắn, bởi thương vụ này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Mod 6 AT được đánh giá là một trong những phiên bản hiện đại nhất của gia đình ngư lôi hạng nặng Mk 48. Ngư lôi được cập nhật phần mềm mới cho phép “bắn – quên”, giúp tàu ngầm đối phó với nhiều mục tiêu cùng lúc. Ngư lôi có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu ở cả vùng nước nông và nước sâu. Trong khi đó, Mk 48 đây là loại ngư lôi hạng nặng được trang bị trên tàu ngầm của Hải quân Mỹ và đồng minh. Được phát triển từ cuối thập niên 1960 đầu 1970, cho tới nay, đây vẫn là loại ngư lôi hạng nặng hàng đầu thế giới. Ngư lôi Mk 48 ra đời nhằm đối phó với những tiến bộ của công nghệ tàu ngầm Liên Xô và chính thức được đưa vào trang bị năm 1972 với phiên bản Mk 48 Mod 1.

Ngư lôi Mk-48 có trọng lượng 1.676kg; đầu đạn 295kg; dài 5,79m; đường kính 533mm. Tầm bắn hiệu quả 38km khi chạy ở tốc độ 102km/h hoặc 50km với tốc độ 74km/h; độ sâu hoạt động lớn nhất đạt tới 800m. Mk-48 có thể được dẫn hướng từ tàu ngầm, chúng cũng có các sensor chủ động hoặc bị động riêng để tự dò tìm, thực hiện quy trình bám và tấn công mục tiêu. Bên cạnh đó, ngư lôi Mk- 48 được thiết kế để nổ phía dưới các tàu mặt nước khiến sức hủy diệt tăng lên gấp bội. Ngư lôi Mk-48 có khả năng xuyên thủng vỏ thép của tàu ngầm thông qua một cơ chế đặc biệt nằm ở phần mũi quả ngư lôi có thể đốt cháy và làm tan chảy kim loại.

Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan thời gian gần đây trở nên căng thẳng và dễ mất kiểm soát. Trung Quốc liên tục tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực eo biển Đài Loan, liên tục điều tàu chiến, máy bay ném bom, máy bay trinh sát di chuyển qua vùng biển này. Việc Mỹ bán vũ khí tấn công cho Đài Loan sẽ giúp vùng lãnh thổ này tăng cường năng lực đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó sẽ khiến quan hệ Trung – Mỹ trở nên căng thẳng và phần nào tác động đến hòa bình, ổn định trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới