Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng trạm không gian trên quỹ đạo Trái đất vào năm 2023, theo đó tổng cộng 11 nhiệm vụ sẽ được triển khai trong vòng 2 năm để đưa trạm vào vị trí.
Khoang đầu tiên của trạm không gian Trung Quốc, gọi là Thiên Cung 3, sẽ được đưa lên quỹ đạo vào năm sau, theo tiến sĩ Zhou Jianping, kiến trúc sư trưởng của chương trình các chuyến bay không gian có phi hành gia của Trung Quốc, theo SpaceNews hôm 28.5.
Tên lửa Trường Chinh 5B sẽ đưa module chính Thiên Hà của trạm không gian rời khỏi bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam vào đầu năm 2021.
Kế đến, Trung Quốc sẽ phóng tàu Thần Châu chở theo phi hành gia từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, và tiếp theo sứ mệnh của tàu vận tải Thiên Châu.
Trong 11 lần phóng trước khi hoàn tất trạm không gian Thiên Cung 3, ông Zhou cho biết họ sẽ phóng module chính và 2 module thử nghiệm, cũng như tàu du hành mang theo 4 phi hành gia và 4 đợt tàu vận tải.
Module chính Thiên Hà được công bố vào năm ngoái AFP/Getty |
Kế hoạch trên đã được công bố theo sau chuyến bay thử thành công của tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5B vào ngày 5.5. Có 13 sứ mệnh sẽ được thực hiện nhờ vào tên lửa Trường Chinh 5B, Trường Chinh 2F và Trường Chinh 7.
Theo thông tin từ Trung Quốc, trạm không gian ban đầu gồm 3 module, trọng tải 66 tấn khối, sẽ chứa 3 phi hành gia trong các sứ mệnh 6 tháng luân phiên. Trong các dự án thử nghiệm trên trạm sẽ bao gồm công nghệ sinh học, vật lý dịch vi trọng lực, công nghệ không gian…
Dự kiến Thiên Cung 3 sẽ xoay quanh quỹ đạo Trái đất ở độ cao dao động từ 340 – 450 km trong ít nhất 10 năm. Theo thời gian, trạm sẽ được mở rộng đến 6 module.
Để đảm bảo nhân lực cho trạm không gian, Trung Quốc chuẩn bị tuyển đợt phi hành gia thứ 3 vào tháng 7. Tổng cộng 18 phi hành gia mới sẽ được chọn trong dịp này, không phân biệt nam hay nữ và lần đầu tiên khuyến khích các ứng viên dân sự.