New Delhi vừa chính thức từ chối đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong cuộc đối đầu căng thẳng ở biên giới hai nước trong suốt 3 tuần qua.
Quân lính Ấn Độ và Trung Quốc đã đối đầu suốt 3 tuần qua ở nhiều vị trí thuộc vùng Ladakh, nơi Ấn Độ chung biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ gạt bỏ lời kêu gọi rút quân khỏi các vị trí tiền phương và nói rằng tạm thời sẽ không có sự xuống thang nào.
Ấn Độ đưa ra quan điểm cứng rắn hơn sau khi ông Trump viết trên Twitter tối 27/5 rằng ông “sẵn sàng và có thể” hòa giải “tranh chấp biên giới đang căng thẳng”.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 28/5, Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối đề nghị này, nói rằng họ đang làm việc với Trung Quốc để “giải quyết hòa bình” căng thẳng.
“Hai bên đã thiết lập cơ chế ở cả kênh ngoại giao và quân sự để giải quyết tình hình ở biên giới một cách hòa bình thông qua đối thoại và tiếp tục làm việc qua các kênh đó”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói.
Bộ này nhắc lại quan điểm rằng muốn giải quyết tranh chấp qua kênh song phương.
“Quân đội Ấn Độ đang có cách ứng xử rất có trách nhiệm để quản lý biên giới và tuân thủ chặt chẽ quy trình đặt ra trong nhiều thỏa thuận và quy tắc lễ tân song phương với Trung Quốc để giải quyết bất kỳ vấn đề nào nảy sinh”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói.
Phản ứng chính thức của Ấn Độ được đưa ra trước những thận trọng về sự tham gia của nhà lãnh đạo Mỹ.
Vài ngày trước, bà Alice Wells, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nam Á, bày tỏ ủng hộ yêu sách của Ấn Độ và kêu gọi nước này chống lại “sự hung hăng của Trung Quốc”. Nhiều nhà quan sát cho rằng đoạn tweet của ông Trump ngụ ý rút lại sự ủng hộ đó.
Một quan chức nghỉ hưu của Bộ Ngoại giao Ấn Độ giải thích, bằng cách đề cập đến cả Trung Quốc và Ấn Độ trong một câu, “đoạn tweet không thể hiện sự quan ngại đáng kể nào hay sự ủng hộ nào dành cho Ấn Độ. Đoạn tweet củng cố lý do vì sao Ấn Độ không thể phụ thuộc vào Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống này”.
Anil Wadhwa, cựu đại sứ Ấn Độ và là một nhà phân tích về chính sách đối ngoại, phủ nhận hoàn toàn đoạn tweet của ông Trump. “Thông điệp đó chỉ nhằm tới dư luận trong nước và khiến cử tri Mỹ cảm thấy Tổng thống Mỹ là một chính khách. Chúng ta chỉ cần lờ đi”, ông Wadhwa nói.
Ông Trump trước đây nhiều lần gợi ý sẽ làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan, nhưng đây là lần đầu tiên ông đề nghị như vậy với Ấn Độ và Trung Quốc.
Một cuốn sách được xuất bản đầu năm nay nói rằng hồi mới lên nắm quyền, ông Trump thậm chí còn không biết Ấn Độ và Trung Quốc có chung biên giới. Cuốn sách A Stable Genius: Donald J Trump’s Testing of America, kể lại cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Narendra Modi mà ở đó ông Trump được kể là đã nói với ông Modi rằng Ấn Độ và Trung Quốc không có chung biên giới.
Trên thực tế, hai nước này có chung 3.488km biên giới và tranh chấp giữa hai nước ở khu vực này đã kéo dài suốt 7 thập kỷ qua.
Hôm 27/5, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong khi phát biểu trong một hội thảo trực tuyến về hợp tác Trung – Ấn chống COVID-19 đã nói rằng hai nước “không gây đe dọa cho nhau”.
“Chúng ta cần nhìn chính xác những khác biệt và đừng bao giờ để khác biệt phủ bóng lên tổng thể quan hệ hợp tác song phương. Hiện thực hóa câu chuyện ‘Rồng và Voi cùng nhảy với nhau’ là lựa chọn đúng duy nhất cho Trung Quốc và Ấn Độ”, Đại sứ Weidong nói.
Cùng hôm đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng tình hình biên giới vẫn “ổn định và có thể kiểm soát”.
Những phát biểu này được New Delhi coi là dấu hiệu Bắc Kinh đang muốn xuống thang căng thẳng.
Tuy nhiên, hoài nghi tăng lên ở New Delhi tăng lên khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không nói gì về vấn đề này trong cuộc họp báo chiều 28/5 sau khi quốc hội Trung Quốc bế mạc.
“Cuộc khủng hoảng này còn lâu mới qua. Người Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện rằng họ có xu hướng gây ồn ào nhưng sau đó lại làm bất kỳ điều gì họ muốn. Do đó, chưa có điều gì thay đổi cho đến khi có thay đổi trên thực địa”, ông Anil Wadhwa nói.