Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHành vi hung hăng của Bắc Kinh giữa đại dịch Covid-19 càng...

Hành vi hung hăng của Bắc Kinh giữa đại dịch Covid-19 càng khiến tâm lý lo ngại và “bài Hoa” gia tăng

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua Trung Quốc đã triển khai một loạt các hoạt động gây hấn dồn dập ở Biển Đông. Những hành vi lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông giữa lúc cả thế giới đang phải tập trung ứng phó với Đại dịch Covid-19 càng làm cho tâm lý lo ngại và “bài Hoa” dâng cao ở Việt Nam. Các trang mạng ở Việt Nam đầy ắp các thông tin, bài viết lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Còn nhớ, vào năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam đã xảy ra làn sóng “bài Hoa” mạnh mẽ ở Việt Nam với việc đập phá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam, thậm chí dự án nhà mày thép FOMOSA Hà Tĩnh phải đưa hầu hết công nhân Trung Quốc về nước. Tâm lý lo ngại và “bài Hoa” lại rộ lên trong những ngày gần đây khi mà Bắc Kinh có một loạt các hoạt động hiếu chiến ở Biển Đông. Tâm lý này thể hiện ở 3 điểm dưới đây:

1- Quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích trên biển của Việt Nam trước âm mưu bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh

Lâu nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam ít lên tiếng về vấn đề Biển Đông, nhưng trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề Biển Đông. Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề Biển Đông hôm 18/5, Bộ Quốc phòng Việt Nam tuyên bố, với những đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng trong những năm qua, các lực lượng của Việt Nam “sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển”.

Nêu sự kiện Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển 4 lần xâm phạm vùng biển Việt Nam từ ngày 4/7 – 24/10/2019, Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh hành động của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; đồng thời, khẳng định “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Trước thực tế Trung Quốc “không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông”, tăng cường củng cố sự hiện diện và khả năng kiểm soát trên thực địa, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống để không bị động, bất ngờ. Việt Nam trong những năm qua đã gia tăng mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao để nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, diễn tập… để không bị động và xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.

Những tuyên bố nói trên của Bộ Quốc phòng Việt Nam được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục thực hiện các động thái gây hấn, lấn áp Việt Nam và các quốc gia láng giềng nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu. Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Việt Nam không ngần ngại khi dùng những cụm từ “tham vọng độc chiếm Biển Đông” của Bắc Kinh hay khẳng định “kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Điều này cho thấy sự bất mãn cao độ của Hà Nội trước sự hung hăng, bành trướng của Trung Quốc.

Ngay ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khi phát biểu trên truyền hình hôm 22/4/2020 cũng phê phán mạnh mẽ hành động lợi dụng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy tham vọng của họ trong khu vực và nhấn mạnh rằng đây là lúc Việt Nam biết “ai là bạn thân thiết, ai chỉ là đối tác”.

2- Lo ngại về việc Trung Quốc lợi dụng kẽ hở luật pháp thâu tóm các khu đất có ý nghĩa chiến lược ven biển của Việt Nam phục vụ ý đồ độc chiếm Biển Đông.

Trước các hành vi của Trung Quốc, nhiều người dân Việt Nam tỏ bất bình và bức xúc trước việc Trung Quốc núp dưới các danh nghĩa khác nhau thâu tóm các vùng đất biên giới và ven biển của Việt Nam. Bộ Quốc phòng đã công khai trả lời người dân Việt Nam về vấn đề này.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2015, ít nhất 8 người Việt (6 là người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỉ đồng và có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm. Trong đó có nhiều khu đất có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Chiêu thức thâu tóm đất được thực hiện theo hai hình thức: một là, người Trung Quốc thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam (bên góp vốn chủ yếu bằng đất) và dần dần nắm đất thông qua việc tăng vốn sở hữu khi giành quyền điều hành doanh nghiệp; hai là, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (đa phần là người Việt gốc Hoa) để mua đất.

Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, 83% doanh nghiệp “có yếu tố” Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới biển (5.393,7 ha) và 17% còn lại tại khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, tổng cộng hơn 6.300 ha đất biên giới. Đáng chú ý tổng số vốn đầu tư cho khu vực biên giới biển là 29,235 tỉ USD so với 1,637 tỉ USD tại khu vực biên giới đất liền, với địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất là các địa phương ven biển như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Hà Tĩnh, Bình Thuận ….

3- Lo ngại Trung Quốc “lập xóm, lập phố” ở Việt Nam

Trước kỳ họp Quốc hội Việt Nam (khai mạc hôm 20/5/2020), nhiều cử tri bày tỏ lo ngại tình trạng người Trung Quốc “lập xóm, lập phố” tại một vài địa phương ở Việt Nam; đề nghị cần quản lý chặt chẽ tình trạng người Trung Quốc mua đất, sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhất là tại các khu dự án do Trung Quốc trúng thầu; tăng cường quản lý du khách, người lao động đến từ Trung Quốc để đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh khu vực.

Nguyên nhân của mối lo ngại này là do tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Trong đó đã nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như một số doanh nghiệp đưa lao động người Trung Quốc sang làm việc nhập cảnh dưới hình thức du lịch; sử dụng lao động Trung Quốc không khai báo, đăng ký theo quy định, thậm chí có doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân tuyển dụng lao động người nước ngoài nhưng vẫn tuyển dụng.

Ngoài ra, nhà đầu tư Trung Quốc còn đầu tư “núp bóng” danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nuôi trồng, chế biến, thu mua hải sản nhưng thực chất việc điều hành, quản lý do người Trung Quốc đảm nhiệm. Còn một số doanh nghiệp núp dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nhệ cao, sản xuất ma túy; có doanh nghiệp trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường.

Tình trạng trên đã xảy ra từ nhiều năm nay, song giờ đây được người dân Việt Nam quan tâm và lo ngại hơn bởi lẽ chính quyền Bắc Kinh ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch thì Bắc Kinh lại lợi dụng để gia tăng các hoạt động gây hấn trên Biển Đông, thậm chí họ còn nói bóng nói gió đến việc sử dụng vũ lực.

Những mối lo ngại về sự đe dọa của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Việt Nam cũng đã khiến giới chức Hà Nội thể hiện thái độ, quan điểm mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông thông quan những phát biểu của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nêu trên. Việc làm của chính quyền Hà Nội mà cụ thể ở đây là Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng là để ngăn chặn những hành vi phá phách tự phát mà người dân đã làm hồi năm 2014 bởi lẽ khi và chính quyền thấu hiểu mối lo ngại của mỗi người dân thì sẽ tạo ra được sự thống nhất cao hơn trong cuộc đối đầu với sự bành trướng, bá quyền của giới cầm quyền ở Bắc Kinh.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến tranh liên tiếp nên luôn yêu chuộng hòa bình và mong muốn hợp tác, song mỗi người dân Việt Nam cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích của dân tộc. Do vậy, giới cầm quyền Bắc Kinh cần hiểu rằng nếu họ tiếp tục các hành động xâm lấn chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích trên biển của Việt Nam thì sẽ càng khiến cho tâm lý “bài Hoa” nổi lên.

Đại dịch Covid-19 cũng đang tạo ra làn sóng “bài Hoa” trên toàn cầu từ châu Âu, châu Á đến châu Mỹ, châu Úc, thậm chí cả ở châu Phi. Việc 116 quốc gia (trong đó có 4/5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Anh, Pháp, Nga, Mỹ và nhiều nước châu Phi đang chịu sự chi phối của Trung Quốc) ủng hộ việc điều tra làm rõ nguồn gốc virus corona tại Hội nghị trực tuyến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa qua, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh là một minh chứng rõ ràng về sự xuất hiện làn sóng “bài Hoa” mới trên toàn cầu.

Hy vọng nhà cầm quyền Bắc Kinh nhận thức được sự thực khách quan này để tham gia một cách có trách nhiệm vào công tác ứng phó với dịch bệnh; chấm dứt các hành động hung hăng, gây hấn ở Biển Đông để đừng làm xấu thêm hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt cộng đồng quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới