Việc Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận trên Biển Đông, Hoa Đông, khu vực eo biển Đài Loan nhằm thể hiện thái độ cứng rắn trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển và răn đe, ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, quân đội Trung Quốc sẽ điều động một nhóm tác chiến tàu sân bay tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông. Thời điểm chính xác của cuộc tập trận cũng như việc tàu sân bay Liêu Ninh hay tàu sân bay Sơn Đông tham gia tập trận đều không được tiết lộ. Cuộc tập trận trên sẽ tiến hành nhiều nội dung tập trận khác nhau về tập trận tàu sân bay, các loại chiến hạm khác cũng như khả năng chiến đấu của nhiều loại khí tài, bao gồm cả nội dung nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đi qua khu vực quần đảo Đông Sa rồi tiến hành tập trận ở khu vực phía Đông Nam Đài Loan nằm ở khu vực biển Philippines.
Theo Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương ở Canada), việc Trung Quốc tiếp tục phô diễn sức mạnh thông qua tập trận sắp tới nhằm thể hiện 3 thông điệp: Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã gây ra tác hại nghiêm trọng cho kinh tế Trung Quốc. Vì thế, bằng cách thể hiện sức mạnh ở Biển Đông, chính phủ Trung Quốc muốn thể hiện cho người dân nước này về sức mạnh quốc gia vẫn được duy trì. Thứ hai, không thể phủ nhận việc uy tín của Đài Loan thời gian qua tăng lên, nhất là khi đã chống dịch bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, Đài Bắc gần đây nhận được sự hỗ trợ ngày càng nhiều hơn từ Washington. Vì thế, nội dung tập trận đổ bộ có thể xem là động thái răn đe để Bắc Kinh gửi thông điệp đến Đài Bắc rằng kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng vũ lực vẫn là một chọn lựa của Trung Quốc đại lục. Thứ ba, các cuộc tập trận sắp tới còn nhằm gửi thông điệp đến Washington rằng bất chấp việc Mỹ tăng áp lực toàn diện trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, thì Bắc Kinh vẫn không từ bỏ tham vọng đối với vùng biển này. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang cố khẳng định sức mạnh khi Mỹ cùng các nước châu Âu đang phải vật lộn ứng phó dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cũng như các nước lân cận cần hết sức cảnh giác trước Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có thể lợi dụng tình hình bệnh dịch để có thêm nhiều hành động đáng quan ngại trên Biển Đông.
Trong khi đó, Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích, chưa rõ trong cuộc tập trận vào mùa hè sắp tới, Trung Quốc sẽ triển khai tàu sân bay Liêu Ninh hay tàu Sơn Đông tham gia. Xét về quy mô thì hai tàu sân bay Liêu Ninh lẫn Sơn Đông đều có độ choán nước từ 60.000 – 70.000 tấn, nhỏ hơn khá nhiều so với tàu sân bay Mỹ vốn có độ choán nước trên 100.000 tấn. Xét về thực lực, tàu sân bay Trung Quốc mang được khoảng 35 chiến đấu cơ J-15 và khoảng 10 máy bay trực thăng, tức chưa bằng một nửa so với thực lực của tàu sân bay Mỹ. Thêm vào đó, tàu sân bay Trung Quốc lại thiếu bộ phóng máy bay để J-15 có thể cất cánh mang theo đầy đủ nhiên liệu lẫn vũ khí. Như thế, so với Mỹ thì tàu sân bay Trung Quốc chưa phải là đối thủ ngang hàng.Tuy nhiên, J-15 là chiến đấu cơ thế hệ 4 nên nếu so tương quan với không lực các nước trong khu vực Đông Nam Á, thì số J-15 mà tàu sân bay Trung Quốc mang theo gần như ngang bằng với số lượng chiến đấu cơ thế hệ 4 mà từng nước thuộc Đông Nam Á đang sở hữu. Chính vì thế, sức mạnh của tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông tạo ra là rất đáng quan ngại cho các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, Tiến sỹ Satoru Nagao cho biết, ngoài ý nghĩa răn đe trên, Bắc Kinh còn ẩn chứa cả thông điệp gửi đến Washington. Sắp tới, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11, đương kim chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump chắc chắn cần thể hiện lập trường cứng rắn trước Trung Quốc. Nên nhiều khả năng Washington sẽ gia tăng áp lực nhằm vào Bắc Kinh. Chính vì thế, Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ lên đảo và tập trận tàu sân bay để thể hiện thái độ không từ bỏ các mục tiêu về vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ chắc chắn sẽ triển khai nhiều lực lượng hơn nữa đến các vùng biển trong khu vực. Tình hình Biển Đông nói riêng và vùng biển trong khu vực nói chung sắp tới sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.
Trong một động thái đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc cho biết tàu sân bay Sơn Đông vừa rời cảng Đại Liên mà không mang theo bất kỳ máy bay nào. Đây là chuyến đi đầu tiên sau 140 ngày tàu sân bay này bảo dưỡng ở cảng Đại Liên kể từ tháng 1/2020. Hiện, chưa có thông báo chính thức nào từ Hải quân Trung Quốc về hoạt động của con tàu này, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự Bắc Kinh, máy bay chiến đấu J-15 và trực thăng Z-8 đã là biên chế “cứng” của tàu sân bay Trung Quốc, do đó không có lý do gì để con tàu này rời cảng đi hoạt động mà không mang theo bất kỳ một máy bay nào. Có 3 khả năng cho hoạt động của con tàu này:
Thứ nhất, tàu Sơn Đông rời cảng để tham gia diễn tập cùng với các lực lượng khác ở Vịnh Bột Hải. Theo thông báo của Cục quản lý hàng hải Trung Quốc, từ ngày 14/5-31/7, Quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập quy mô lớn ở khu vực cảng Đường Sơn và Kinh Đường, tại vịnh Bột Hải. Các học giả Trung Quốc dự đoán rằng cuộc tập trận này diễn ra với thời gian dài, trên khu vực rộng lớn, nhiều quân binh chủng tham gia; tiến hành nhiều khoa mục quân sự thực binh như: đổ bộ xuyên chiến khu, chống đổ bộ, và phòng không chống tên lửa. Trong bối cảnh bà Thái Anh Văn vừa tổ chức lễ nhậm chức lãnh đạo chính quyền Đài Loan nhiệm kỳ mới vào ngày 20/5, sự xuất hiện của tàu Sơn Đông trong cuộc diễn tập này sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe.Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng, với sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông, Hải quân Trung Quốc sẽ có thể tiến hành nhiều hoạt động hiệp đồng tác chiến như đổ bộ đường không và đường biển, phòng không chống tên lửa, đối kháng điện tử… để đảm bảo rằng một khi chính quyền Đài Loan vượt qua “ranh giới đỏ” của “Luật chống ly khai”, Trung Quốc “sẽ quyết tâm và có khả năng giải quyết vấn đề Đài Loan bằng biện pháp không hòa bình”. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Lý Kiệt cho biết, trong bối cảnh Mỹ đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Loan và cũng có ý định bán vũ khí cho Đài Bắc, cuộc tập trận lần này với sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông chủ yếu là để đối phó với hành động mạo hiểm có thể có của Mỹ chống lại Trung Quốc.
Thứ hai, tàu sân bay Sơn Đông sẽ hành trình đến cảng Thanh Đảo, sau đó cùng tiến hành diễn tập với trung đoàn máy bay đang đồn trú ở đây, khả năng này là rất lớn, vì nếu không có máy bay thì một con tàu sân bay sẽ chỉ là “đồ trang trí”. Trong khi đó, Trung đoàn máy bay biên chế trên tàu sân bay hiện đang đồn trú tại Thanh Đảo đã tiến hành nhiều cuộc huấn luyện để phù hợp với việc cất hạ cánh trên tàu Sơn Đông.
Thứ ba, con tàu này sẽ tập hợp cùng biên đội tàu hộ tống ở Thanh Đảo sau đó di chuyển xuống căn cứ ở đảo Hải Nam, để tiến hành huấn luyện và chính thức biên chế hoạt động cho Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc. Theo chuyên gia Lý Kiệt, không loại trừ khả năng, tàu Sơn Đông sau khi đến Hải Nam sẽ tiến hành hoạt động huấn luyện cất hạ cánh trong điều kiện khắc nghiệt ở Biển Đông. Đây sẽ là tiền đề để con tàu này tham gia vào cuộc tập trận đổ bộ lớn trên Biển Đông tới đây với kịch bản giả tưởng là “đổ bộ lên quần đảo Đông Sa” vào tháng 8 tới.