Bất chấp sự phản đối của người dân Hong Kong, Mỹ và nhiều nước phương Tây, Quốc hội Trung Quốc (28/5) đã thông qua nghị quyết về xây dựng luật an ninh quốc gia với Hong Kong.
Trung Quốc thông qua Nghị quyết về Luật an ninh mới
Quốc hội Trung Quốc (28/5) đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết “Nghị quyết NPC về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong để Bảo đảm An ninh” với 2.878 phiếu ủng hộ, trong khi chỉ có 1 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Sau phiên bỏ phiếu, luật an ninh Hong Kong sẽ được soạn thảo chi tiết và có thể bắt đầu có hiệu lực trong vài tuần tới. Dự luật an ninh Hong Kong được trình lên quốc hội Trung Quốc trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội tại Bắc Kinh hôm 22/5. Dự luật này cấm các hoạt động ly khai, lật đổ cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của đặc khu. Dự luật được cho là có thể mở đường để Trung Quốc đại lục lập các cơ quan an ninh tại Hong Kong.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường (28/5) cho biết luật an ninh Hong Kong được xây dựng để “duy trì vững chắc chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Hong Kong”; cho biết mô hình “một quốc gia, hai chế độ” và mức độ tự chủ cao từ lâu đã là một phần quan trọng trong chính sách của Trung Quốc và được thực hiện đầy đủ ngay từ đầu; khẳng định luật an ninh Hong Kong không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đã từ bỏ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” với đặc khu Hong Kong, mà nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài cho mô hình này.
Phản ứng của các nước
Mỹ, Anh, Canada và Australia ra tuyên bố chung “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đại lục quyết định áp luật an ninh mới đối với Hong Kong”. Theo tuyên bố, luật mới sẽ “cắt giảm quyền tự do của người Hong Kong, làm xói mòn đáng kể quyền tự trị của Hong Kong cũng như chế độ khiến thành phố trở nên phồn thịnh. Quyết định áp luật an ninh mới với Hong Kong của Trung Quốc đại lục mâu thuẫn trực tiếp với các nghĩa vụ quốc tế của nước này theo các nguyên tắc mang tính ràng buộc pháp lý trong Tuyên bố chung Trung – Anh đã được đăng ký với Liên Hợp Quốc. Dự luật an ninh sẽ làm suy yếu mô hình một quốc gia, hai chế độ”. Bên cạnh đó, Mỹ, Anh, Canada và Australia cho rằng trong lúc thế giới tập trung vào đại dịch toàn cầu, đòi hỏi phải tăng cường niềm tin vào chính phủ và hợp tác quốc tế, động thái rủi ro chưa từng có của Bắc Kinh gây tác động ngược lại; đồng thời “kêu gọi chính phủ Trung Quốc hợp tác với chính quyền đặc khu và người dân Hong Kong để tìm ra dàn xếp thỏa đáng, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung – Anh”.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Chính phủ Anh cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự luật an ninh Hong Kong; nhấn mạnh Anh quan ngại sâu sắc về dự luật an ninh của Trung Quốc, khẳng định dự luật an ninh này có nguy cơ làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”; nhấn mạnh “các bước do chính phủ Trung Quốc thực hiện đe dọa trực tiếp đến tuyên bố chung Trung – Anh”. Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết, Anh sẵn sàng cấp hộ chiếu hải ngoại cho 300.000 người Hong Kong nếu Trung Quốc không rút dự luật an ninh. Chính phủ Anh cho rằng, dự luật an ninh mới này vi phạm quyền tự do, tự chủ của người Hong Kong, vi phạm các cam kết quốc tế. Hộ chiếu hải ngoại Anh cho phép người sở hữu hộ chiếu lưu trú ở Anh trong vòng 6 tháng. Ngoại trưởng Raab cho biết, nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi luật an ninh với Hong Kong, chính phủ Anh có thể thay đổi một số quy định liên quan đến hộ chiếu hải ngoại dành cho người Hong Kong, trong đó gồm việc gia hạn thời gian lưu trú, cho phép người sở hữu hộ chiếu được học tập và làm việc tại Anh trong 12 tháng, mở đường để cấp quốc tịch trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo sẽ có hành động mạnh mẽ với Trung Quốc. Phát biểu với các phóng viên hôm qua, Tổng thống Trump nói: “Ngày 29/5, chúng tôi sẽ công bố điều mà chúng tôi sẽ làm với Trung Quốc”; cho biết Washington “không hài lòng với Trung Quốc”, song không nêu chi tiết kế hoạch đáp trả mà ông sắp đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong tuần này đã thông báo lên quốc hội rằng, Hong Kong không còn tự chủ với Trung Quốc và điều này có thể mở đường cho việc Washington tước quyền ưu đãi đặc biệt về kinh tế, thương mại dành cho Hong Kong.
Biện pháp trừng phạt
Giới truyền thông nhận định, Washington đang vạch ra nhiều phương án trừng phạt Trung Quốc về vấn đề dự luật an ninh Hong Kong. Các phương án này bao gồm lệnh trừng phạt, mức thuế quan mới và lệnh hạn chế với các công ty Trung Quốc. Theo Reuters, một trong những đòn trừng phạt đầu tiên của Mỹ có thể là nhằm vào các quan chức, chính phủ, thực thể an ninh và công ty Trung Quốc liên quan tới việc thực thi dự luật an ninh quốc gia.
Trong khi đó, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, cho biết các đòn trừng phạt của Mỹ có thể liên quan tới kinh tế và vấn đề thị thực; nhấn mạnh các biện pháp này sẽ được điều chỉnh để giảm bớt tác động lên người dân Hong Kong và các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại đặc khu. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (27/5) cho rằng “Hong Kong không còn duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục và không còn đủ điều kiện được đối xử theo cách luật Mỹ đã áp dụng cho Hong Kong trước tháng 7/1997”, thời điểm thành phố được bàn giao cho Trung Quốc.
Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu Hong Kong bị Mỹ rút lại “vị thế đặc biệt”, kim ngạch thương mại ước tính trị giá 38 tỷ USD giữa Hong Kong và Mỹ có thể sẽ “xuống dốc”. Chuyên gia Kevin Lai tại tổ chức Daiwa Capital Markets nhận định về lâu dài, mọi người sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về việc kiếm tiền hay làm ăn kinh doanh tại Hong Kong. Trong khi đó, Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS tại Đại học London, cho rằng việc hủy bỏ “vị thế đặc biệt” với Hong Kong là “lựa chọn đường cùng” và là “bước khởi đầu cho sự ra đi của một Hong Kong mà chúng ta từng biết”.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng Mỹ có lý do để không gây xáo trộn tình hình quá nhiều. Đặc khu hành chính Hong Kong mở ra cho các công ty Mỹ một lối đi tương đối an toàn để tiếp cận thị trường Trung Quốc và kết nối với hệ thống tài chính Mỹ. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ trong năm 2018 là Hong Kong, với số tiền lên tới 31,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, khoảng 290 công ty Mỹ đang đặt trụ sở khu vực tại Hong Kong và 434 công ty khác đặt văn phòng khu vực tại đây. Bất kỳ thiệt hại nào cũng ảnh hưởng chung tới cả Mỹ và Hong Kong.
Được biết, tình trạng đặc biệt của Hong Kong giúp đặc khu hưởng những ưu đãi như được mua các công nghệ nhạy cảm, đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng đô Mỹ và đôla Hong Kong, đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư độc lập với Bắc Kinh. Trạng thái đặc biệt còn giúp cư dân Hong Kong tránh các hạn chế về thị thực áp dụng cho cư dân Trung Quốc đại lục. Tổng thống Donald Trump sẽ là người quyết định có tước ưu đãi Hong Kong đang được hưởng hay không. Trump trước đó cảnh báo Mỹ sẽ có phản ứng mạnh mẽ với dự luật an ninh của Trung Quốc và sẽ công bố biện pháp trong tuần này.
Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn dự luật “Dân chủ và nhân quyền Hong Kong” được quốc hội Mỹ thông qua. Theo luật này, Ngoại trưởng Mỹ có trách nhiệm xác nhận ít nhất một năm một lần rằng, Hong Kong vẫn duy trì đủ quyền tự trị khỏi Bắc Kinh để được hưởng quy chế ưu đãi về thương mại mà Mỹ dành cho đặc khu. Dự luật của Mỹ bao gồm việc đánh giá quyền tự chủ của Hong Kong bị chính quyền Trung Quốc làm xói mòn tới mức độ nào, thậm chí có thể trừng phạt các quan chức bị cho là lạm dụng nhân quyền hoặc gây tổn hại cho quyền tự chủ của Hong Kong.