Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết...

ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông

ASEAN đã giữ vững đoàn kết, thống nhất, thể hiện lập trường tại nhiều hội nghị, diền đàn trong khu vực và trên thế giới, đề cao tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, thượng tôn luật pháp quốc tế.

Vai trò quan trọng của ASEAN

Hòa bình và ổn định, đoàn kết và thống nhất, thịnh vượng và bền vững tiếp tục là mục đích, là bản sắc và cũng là mục tiêu phấn đấu của Cộng đồng ASEAN nhằm tạo dựng vị thế, hình ảnh, vai trò mới với tinh thần chủ động đóng góp có trách nhiệm cho đối thoại và hợp tác trên “sân chơi” toàn cầu. ASEAN đã giữ vững đoàn kết, thống nhất, thể hiện lập trường tại nhiều hội nghị, diền đàn trong khu vực và trên thế giới, đề cao tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, thượng tôn luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, nhấn mạnh kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, những thách thức về an ninh vẫn đang tồn tại. Các nước đều phải dồn sức vào chống dịch, kể cả đóng cửa biên giới với nhau. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của ASEAN, như việc không thể tổ chức các cuộc họp theo lịch, hay tham vấn, giao lưu theo cách thông thường. Tuy nhiên, hòa bình và an ninh vẫn luôn là nghị sự ưu tiên và quan trọng hàng đầu của ASEAN. Đây là điều kiện cho hợp tác, liên kết, phát triển và xây dựng lòng tin ở khu vực. Mặt khác, khu vực vẫn đang phải đối diện với các thách thức về an ninh, cả về truyền thống và phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh.

Vấn đề Biển Đông hay bán đảo Triều Tiên vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Do đó, trong mọi trường hợp, ASEAN vẫn phải đồng thời tiếp tục tham vấn và đóng góp vào hoà bình an ninh ở khu vực bằng nhiều nỗ lực khác nhau, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác, đối thoại, liên kết, củng cố các diễn đàn của ASEAN, tạo ra những nguyên tắc ứng xử chung và xây dựng các cấu trúc khu vực dựa trên vai trò trung tâm của ASEAN.

Đáng chú ý, vừa qua, ASEAN đã triệt để sử dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy tham vấn ở các cấp và các kênh bằng trực tuyến, đặc biệt trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động chủ trì các tham vấn thường xuyên trong và ngoài ASEAN, trong đó có kênh chuyên môn y tế. Việt Nam cũng đã triệu tập một loạt các hội nghị quan trọng về vấn đề này, như Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng Điều phối ASEAN, các Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19. ASEAN có những nguyên tắc, những tuyên bố về những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực. Khi có vấn đề gì xảy ra phải có những tham vấn, dựa trên luật pháp quốc tế và ASEAN đã liên tục trao đổi với nhau. ASEAN vẫn duy trì được mối quan hệ với các đối tác của mình, cùng đóng góp vào xây dựng hòa bình an ninh, ổn định ở khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, duy trì hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông luôn là quan tâm ưu tiên của ASEAN. ASEAN đã có những nguyên tắc rất quan trọng về Biển Đông và các nguyên tắc này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trong khu vực và trên thế giới. ASEAN đã và sẽ luôn kiên trì những nguyên tắc cơ bản đó. Trước hết, đó là phải đảm bảo cho được hoà bình, ổn định, an ninh trong đó có an ninh an toàn và tự do hàng hải. Thứ hai, tất cả các nước phải tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, bao gồm cả việc tôn trọng vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển. Thứ ba, các nước phải thực hiện đúng cam kết trong thoả thuận của ASEAN cũng như ASEAN-Trung Quốc về thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không được có những hành vi hoặc những việc làm làm gia tăng căng thẳng. Cuối cùng là các nước có trách nhiệm đóng góp vào việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy những nguyên tắc chuẩn mực ở khu vực, thực hiện DOC và xây dựng COC.

Trên tinh thần đó, việc Trung Quốc vừa qua có những hoạt động như xâm phạm vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước; công bố thành lập cái gọi là “quận đảo Tây Sa và Nam Sa” xâm phạm chủ quyền Việt Nam, hay trái phép công bố các “danh xưng tiêu chuẩn” áp dụng cho “25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông”, là trái với luật pháp quốc tế, trái với mong đợi của khu vực về duy trì hòa bình ổn định và xây dựng lòng tin. ASEAN và từng nước thành viên đều cần phải có tiếng nói, cần phải khẳng định thêm nữa việc tôn trọng các nguyên tắc chung và luật pháp quốc tế.

Thách thức của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN

Những thách thức lớn đối với Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lan rộng, chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn cũng như diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) với sự tham gia của các nước lớn như Nga và Mỹ, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt vai trò lần này.

Bên cạnh đó, Việt Nam với kinh nghiệm kiểm soát COVID-19 sẽ có cơ hội tốt để cùng các nước thảo luận về cách ứng phó với đại dịch. Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội nghị mở rộng với sự tham gia của các nước lớn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn góp phần ổn định môi trường an ninh khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Với việc duy trì chính sách ngoại giao cởi mở, chú trọng liên kết với các nước trong khối, đồng thời tranh thủ và thu hút các nước lớn, Việt Nam có thể tận dụng vai trò nước Chủ tịch ASEAN năm 2020 để thúc đẩy các lợi ích của mình cũng như an ninh khu vực.

Ngoài ra, năm 2020 sẽ là thời điểm để các nước trong khối ASEAN tái khẳng định vai trò của “tính trung tâm của ASEAN” cũng như sự “độc lập” và “tự chủ”. Việt Nam hoàn toàn có thể thành công trong việc triển khai chính sách ngoại giao “đậm chất ASEAN”.

ASEAN cần thúc thể hiện vai trò hơn nữa

Sắp tới, ASEAN sẽ tiếp tục có các cuộc họp của mình, trong đó có các Hội nghị cấp cao ASEAN, dự kiến vào tháng sáu, chắc chắn Biển Đông sẽ trong nghị sự và ASEAN sẽ có tiếng nói về vấn đề này.

Để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ASEAN đã và sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng. Trước hết, thúc đẩy hợp tác tại các kênh trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác nhằm thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực này. Thứ hai, thông qua các kênh tham vấn, bao gồm cả với Trung Quốc và với các nước đối tác khác, nhấn mạnh các nguyên tắc, việc tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác xây dựng lòng tin. Thứ ba, khi có những vấn đề nảy sinh, ASEAN tham vấn, đưa ra quan điểm của mình, nhấn mạnh các nguyên tắc về tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, bảo đảm hòa bình an ninh, xây dựng lòng tin và không làm phức tạp thêm tình hình. Khi khu vực và ASEAN có tiếng nói chung như vậy, chắn chắn sẽ được thế giới, các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ, từ đó càng nhân lên sức mạnh của công lý và áp lực dư luận vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Đồng thời, ASEAN có nhiều cơ chế có thể phát huy hơn nữa tiếng nói và đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.

Đáng chú ý là các khuôn khổ hợp tác trong ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác như với Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước khác. Tiếp đó là các cơ chế như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Thông qua các diễn đàn, cơ chế đó ASEAN vừa phát huy được vai trò trung tâm của mình ở khu vực, vừa thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông. Thông qua các cơ chế đó, ASEAN cũng có thể góp phần vào thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, trung gian hòa giải, tìm cách tháo gỡ bất đồng, làm giảm căng thẳng bao gồm cả về chính trị, an ninh, hay tranh chấp trên biển.

Nhìn chung, để bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực này trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, cũng như tuân thủ, thì đây là nguyên tắc, lợi ích chung, tất cả các nước cần phải có tiếng nói. Khi có tranh chấp, các bên có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, các quy tắc ứng xử như đã nêu trong DOC và tham gia vào xây dựng lòng tin.

RELATED ARTICLES

Tin mới