Monday, January 13, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBáo Hồng Công: Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập ADIZ trên...

Báo Hồng Công: Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập ADIZ trên Biển Đông từ năm 2010 và đang chờ thời điểm thích hợp để công bố

Tờ “Bưu điện Hoa nam buổi sáng” của Hồng Công ngày 31/5 dẫn nguồn tin quân đội Trung Quốc cho hay nước này đã lên kế hoạch lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông từ năm 2010 và chỉ chờ thời điểm thích hợp để công bố. Giới chuyên gia cho rằng nếu Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ toàn bộ hoặc một phần của Biển Đông sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực.

Theo đó, ADIZ được đề xuất bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và cơ quan chức năng Trung Quốc đang chờ thời điểm công bố. Kế hoạch được lập vào cùng thời điểm Bắc Kinh lên kế hoạch về ADIZ ở biển Hoa Đông. ADIZ trên biển Hoa Đông được Trung Quốc đơn phương công bố vào năm 2013 dẫn đến việc nhiều nước bác bỏ và cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt. Trước đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân từng ngang nhiên cho rằng, Trung Quốc “có quyền thành lập một ADIZ trong vùng biển của Bắc Kinh”. Cựu Đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Khanh từng tuyên bố Bắc Kinh có quyền lập ADIZ ở Biển Đông.

Chuyên gia Lu Li-Shih, từng là giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan, cho biết việc Bắc Kinh ngang ngược xây dựng, phát triển các đảo nhân tạo, cụ thể là đường bay và hệ thống radar trên các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn của Việt Nam trong thời gian qua đều nằm trong kế hoạch lập ADIZ. “Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) điều các máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay trinh sát săn ngầm KQ-299 đến đá Chữ Thập”, ông nhắc, đề cập đến hình ảnh của công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (Israel) và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ).

Chuyên gia này cho rằng các cơ sở có điều hòa được xây dựng phi pháp cho thấy Trung Quốc có thể sớm điều các tiêm kích đến: “Một khi các tiêm kích của PLA đến, chúng có thể tham gia với các máy bay cảnh báo sớm và săn ngầm tiến hành chiến dịch tuần tra ADIZ”. Chuyên gia hải Lý Khiết, sĩ quan PLA về hưu, cho rằng các nước thường chờ đến khi có đủ các thiết bị phát hiện cần thiết, năng lực chiến đấu và hạ tầng đầy đủ trước khi thông báo lập ADIZ. Nhưng nếu có thời cơ, Bắc Kinh có thể thông báo sớm hơn, ông nhận định. “Bắc Kinh công bố ADIZ ở biển Hoa Đông dù PLA vẫn chưa đủ năng lực phát hiện, theo dõi và đẩy đuổi các máy bay khác”, ông phân tích.

Một nguồn tin khác cho rằng Bắc Kinh hiểu rõ Biển Đông lớn hơn nhiều so với biển Hoa Đông nên cần nhiều nguồn lực hơn để tuần tra. Theo đó, Bắc Kinh chần chừ chưa tuyên bố ADIZ ở Biển Đông do nhiều lý do về kỹ thuật, chính trị và ngoại giao. “Nhưng vấn đề thực tế nhất là PLA trước đây không có năng lực điều các tiêm kích ngăn chặn máy bay khác ở Biển Đông, có kích thước gấp nhiều lần biển Hoa Đông, và chi phí cho ADIZ là rất lớn”, nguồn tin này tiết lộ. Vào năm 2010, giới chức Trung Quốc thông báo với một phái đoàn Nhật Bản đến thăm Bắc Kinh về việc cân nhắc lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Theo báo cáo năm 2017 của CSIS, Bắc Kinh nói rằng vấn đề này cần thảo luận vì kế hoạch chồng lấp với vùng phòng không của Nhật.

Thông tin này khiến Tokyo tức giận và đáp trả bằng cách lập ADIZ, bao phủ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp. Căng thẳng tiếp tục leo thang sau khi Tokyo mua Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân vào tháng 9.2012, khiến Bắc Kinh đơn phương thông báo ADIZ vào tháng 11/2013 mà theo ông Lý là sớm hơn dự kiến, dù Mỹ và Nhật đều bác bỏ ADIZ của Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự cho rằng nếu ngang ngược thông báo ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng với Mỹ và gây ra những tổn hại không thể sửa chữa được trong mối quan hệ với các nước Đông Nam Á.

 Giới chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ khiến tình hình Biển Đông mất kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực, ảnh hưởng đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra các vụ va chạm quân sự giữa các nước có lợi ích ở Biển Đông với Trung Quốc. ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng. Các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định và khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ. Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp phạt khác.

Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông. Trong đó có Điều 3 (quy định “các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”) và Điều 5 (quy định về việc các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định của khu vực). Hành động của Bắc Kinh cũng sẽ vi phạm các quy định về tự do hàng không trong UNCLOS. Cụ thể, tại Điều 56, 76 đều quy định chung về quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình và Điều 58 quy định, “trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển… được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm”, khẳng định “khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước…”. Ngoài ra, thiết lập ADIZ ở Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế, một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới