Monday, January 13, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII của TQ:...

Bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII của TQ: Thăng trầm trong những quyết sách quan trọng

Sáng 28/5, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, kỳ họp thứ ba Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIII đã bế mạc sau một tuần làm việc.

Phiên họp nhiều vấn đề nóng

Tham dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư, Chủ tịch Chính Hiệp Uông Dương cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác và gần 3.000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc. 

Kỳ họp năm nay đã xem xét và thông qua nhiều nghị trình quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của Trung Quốc. Trong đó, đáng chú ý là việc thông qua Bộ luật Dân sự, quyết định của Quốc hội về xây dựng kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế chấp hành an ninh quốc gia bảo vệ Đặc khu Hành chính Hong Kong. Bên cạnh đó, Kỳ họp đã biểu quyết thông qua một số dự thảo nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về Báo cáo công tác Chính phủ, Nghị quyết về Dự toán ngân sách trung ương và địa phương 2020; Nghị quyết Báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Nghị quyết về Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân Tối cao…

Phát biểu tại phiên bế mạc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư đã đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu tại kỳ họp lần này, cam kết thúc đẩy thực thi luật pháp và dân chủ xã hội chủ nghĩa, vì sự phát triển của đất nước Trung Quốc.

Đáng chú ý, phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập các vấn đề liên quan giữ cho nền kinh tế không đi chệch quỹ đạo và ổn định, nhằm thực hiện cho được mục tiêu 100 năm lần thứ nhất với việc đưa toàn dân Trung Quốc chính thức thoát nghèo và xây dựng toàn diện xã hội khá giả; đảm bảo quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không bị “tách rời” trước hàng loạt sóng gió và tăng cường hợp tác với các nước xung quanh trong bối cảnh tình hình toàn cầu biến động khó lường… Theo ông Lý Khắc Cường, quan hệ Trung – Mỹ quan trọng với cả hai nước và thế giới. Đây vốn là mối quan hệ phức tạp, đầy rẫy mâu thuẫn, bất đồng nhưng cũng “tồn tại lợi ích chung rộng rãi”. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi hai bên “tôn trọng lợi ích cốt lõi và quan ngại lớn của nhau, tìm kiếm hợp tác cùng thắng”, bởi “tách rời” hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không có lợi cho bất cứ bên nào và gây tổn hại cho cả thế giới. Về hợp tác với các nước xung quanh trong khu vực châu Á, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh, “trong các Hội nghị cấp cao Đông Á năm ngoái, lãnh đạo 15 quốc gia đã cùng cam kết, năm năm sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đúng thời hạn. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng cam kết này sẽ không trở thành hư không…. Với việc tham gia CPTPP, Trung Quốc giữ thái độ tích cực cởi mở”. Trong vấn đề điều tra nguồn gốc Covid-19, Thủ trướng Trung Quốc cho biết, nước này đã tham gia Nghị quyết về vấn đề này vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua mới đây, đồng thời cho rằng, việc truy tìm nguồn gốc một cách khoa học sẽ giúp phòng chống dịch tốt hơn. Với nền kinh tế Trung Quốc, ông cho biết, hiện nước này vẫn còn tới 600 triệu người thu nhập hàng tháng chỉ ở mức 1000 nhân dân tệ (hơn 3,3 triệu đồng), do vậy đảm bảo việc làm cho 900 triệu người lao động là việc làm cấp bách lúc này của chính phủ Trung Quốc, nhằm hoàn thành mục tiêu xóa nghèo cho hơn 5 triệu dân còn lại đúng thời hạn và giữ vững ổn định kinh tế, xã hội.

Luật An ninh mới đẩy Trung Quốc vào thế khó

Trung Quốc đã thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong với tỷ lệ 2.878 phiếu thuận và 1 phiếu chống tại kỳ họp thường niên ở Bắc Kinh, trong đó có 6 người vắng mặt. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định quyết định ban hành luật này là nhằm đảm bảo “việc thực hiện ổn định chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’, cũng như duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hong Kong”.

Trong khi đó, Mỹ, Anh, Australia và Canada đã ra Tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về đạo luật này; cho rằng việc áp đặt trực tiếp luật an ninh quốc gia của chính quyền Trung ương Trung Quốc lên Hong Kong thay vì qua thể chế của riêng Hong Kong theo Điều 23 Luật Cơ bản sẽ làm giảm sự tự do của người dân Hong Kong”.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết người dân Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại có thể được nước này cấp quyền công dân. Những người có hộ chiếu này, gồm khoảng 300.000 người ở Hong Kong có thể đến Anh trong 6 tháng mà không cần xin cấp thị thực. Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm này và khẳng định sẽ tìm cách cấp quyền công dân cho người Hong Kong sở hữu BNO nếu Bắc Kinh không rút luật an ninh.Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định quyền lợi của người dân Hong Kong trong Luật Cơ bản và chính sách “một quốc gia, hai chế độ” phải được duy trì, cho biết lập trường trong thông báo này là quan điểm chung của Liên minh châu Âu. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã ban hành một tuyên bố cho biết “Nhật Bản quan ngại sâu sắc” về quyết định của Trung Quốc với Hong Kong, cho rằng “Hong Kong là một đối tác vô cùng quan trọng của Nhật Bản”; đồng thời cho biết chính sách lâu dài của nước này gắn với tầm quan trọng to lớn của việc duy trì một hệ thống mở và tự do mà Hong Kong đang được hưởng cũng như sự phát triển dân chủ và ổn định của Hong Kong theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

Đáp trả sự quan ngại của các nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng các nỗ lực can thiệp vào việc Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia cho Hong Kong; cho rằng “bằng việc yêu cầu một cuộc họp về vấn đề này tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ đã can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức ngừng các mưu đồ chính trị này”, đồng thời cảnh báo “nếu Mỹ cứ nhất quyết can thiệp, Trung Quốc sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp đối phó cần thiết”. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong cần được thi hành ngay lập tức.Chính quyền Hong Kong cũng đưa ra cảnh báo việc Mỹ hủy bỏ quy chế đặc biệt của đặc khu hành chính này có thể là “con dao hai lưỡi” làm tổn hại lợi ích của cả hai bên đồng thời kêu gọi Mỹ dừng can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh (29/5) đã lên tiếng phản đối Tuyên bố chung của Mỹ, Anh, Australia và Canada. Theo nội dung đăng tải trên trang thông tin chính thức, Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh gọi Tuyên bố chung của Ngoại trưởng 4 nước là “can thiệp công việc của Hong Kong và nội bộ của Trung Quốc”, do vậy Bắc kinh bày tỏ sự “không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối”, đồng thời hối thúc các quốc gia ngừng “nhúng tay” vào công việc của Hong Kong và can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc. Người phát ngôn cho rằng, mục tiêu cuối cùng và nội dung cốt lõi của Tuyên bố chung Trung Quốc – Anh là Trung Quốc thu hồi lại Hong Kong, trong đó không có bất cứ từ ngữ hay điều khoản nào trao cho Anh việc phải chịu trách nhiệm về Hong Kong sau khi trở về với Trung Quốc. Bất cứ quốc gia nào cũng không được dùng Tuyên bố này làm cái cớ để can thiệp vào công việc của Hong Kong và công việc nội bộ của Trung Quốc. Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh, việc Quốc hội nước này ra quyết định xây dựng luật an ninh quốc gia là kịp thời, cần thiết, do các hoạt động ly khai, khủng bố bạo lực ngày càng gia tăng tại Hong Kong, thế lực bên ngoài cấu kết với lực lượng “chống Trung Quốc gây rối Hong Kong”, lợi dụng đặc khu này để tiến hành các hoạt động gây nguy hại đến an ninh quốc gia của Trung Quốc, thách thức nghiêm trọng chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển của nước này. Cũng theo tuyên bố này, việc xây dựng luật bảo vệ an ninh quốc gia là quyền lập pháp quốc gia của Trung Quốc. Việc lập pháp Điều 23 trong Luật Cơ bản Hong Kong chưa hoàn thành đã gây nên tình trạng “không phòng bị” của Hong Kong trong bảo vệ an ninh quốc gia. Với vai trò cơ quan quyền lực tối cao, Quốc hội Trung Quốc đã thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình. Tuyên bố cũng cho rằng, bảo vệ an ninh quốc gia là ý nghĩa cốt yếu và nền tảng sống còn của nguyên tắc “một đất nước hai chế độ” và việc làm này của Quốc hội Trung Quốc có lợi cho việc duy trì sự tự trị cao độ của Hong Kong cũng như sự tự do thực thi quyền lợi của người dân đặc khu này. Đây là phản ứng đầu tiên của Trung Quốc đưa ra sau tuyên bố của một số nước về luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.

Trong khi đó, người dân Hong Kong phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của Bắc Kinh. Hàng nghìn người dân đã đổ xuống đường biểu tình, làm tê liệt giao thông nhiều tuyến phố. Gần 400 người biểu tình quá khích và tàng trữ vũ khí đã bị bắt giữ.

Đài Loan dễ bùng nổ

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết sẽ khuyến khích người dân Đài Loan phản đối việc đòi độc lập và thúc đẩy thống nhất với Trung Quốc; nhấn mạnh Trung Quốc “kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi hoạt động ly khai, đòi độc lập của Đài Loan”; khẳng định Trung Quốc sẽ cải thiện các chính sách và biện pháp để khuyến khích trao đổi và hợp tác trên eo biển Đài Loan, đồng thời bảo vệ sự thịnh vượng của người dân Đài Loan.

Trong khi đó, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc) Lật Chiến Thư (29/5) tuyên bố Bắc Kinh muốn “thống nhất hòa bình” với Đài Loan nhưng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn sự độc lập của Đài Loan. Tuy nhiên ông Lật cũng nói các hành động “không hòa bình” chỉ là giải pháp sau cùng cho vấn đề Đài Loan. Trước đó, Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc Lưu Kết Nhất cho biết nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và “thống nhất hòa bình” là cách tốt nhất để thống nhất Đài Loan với Trung Quốc; khẳng định rằng các nỗ lực của nước ngoài nhằm cản trở “sự thống nhất” giữa hai bờ eo biển Đài Loan nhất định sẽ thất bại.

Đáng chú ý, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Lý Tác Thành cho biết một khi không còn cách nào khác để ngăn Đài Loan độc lập, Bắc Kinh sẽ chọn cách tấn công quân sự. Ông Lý khẳng định “nếu khả năng thống nhất hòa bình không còn nữa, lực lượng vũ trang nhân dân của cả nước, bao gồm cả người dân Đài Loan, sẽ thực hiện tất cả các bước đi cần thiết để kiên quyết đập tan mọi âm mưu hay hành động ly khai”; đồng thời “không hứa sẽ bỏ qua việc sử dụng vũ lực và bảo lưu việc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để làm ổn định và kiểm soát tình hình ở eo biển Đài Loan”.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không sử dụng từ”hòa bình” khi đề cập đến mong muốn “thống nhất” Đài Loan của Bắc Kinh, khác với ngôn từ tiêu chuẩn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng ít nhất 4 thập kỷ qua khi nói trước quốc hội về vấn đề Đài Loan.

Đài Loan là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của Trung Quốc. Vùng lãnh thổ này được coi là một phần không thể tách rời của “một Trung Quốc”. Năm 2005, Quốc hội Trung Quốc ban hành Luật Chống ly khai và đặt cơ sở cho các hành động quân sự để ngăn chặn và dập tắt nỗ lực đòi độc lập của chính quyền Đài Bắc. Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã căng thẳng hơn từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử vị trí lãnh đạo vùng lãnh thổ này từ năm 2016. Gần đây, căng thẳng càng leo thang khi Trung Quốc ngăn cản Đài Loan tham gia vào các hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chống COVID-19 và tăng cường tập trận gần vùng lãnh thổ này.

Tình hình càng nghiêm trọng khi Mỹ cũng tăng cường giúp đỡ cho Đài Loan, đặc biệt trong vấn đề vũ khí, quân sự. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều lần lên xuống thất thường và bị gián đoạn bởi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Mỗi lần Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì nước này đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc từng tạm ngưng các quan hệ quân sự với Mỹ và đe dọa dùng đòn trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới