Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaSự gia tăng Chủ nghĩa dân túy ở Đại Loan: Vấn đề...

Sự gia tăng Chủ nghĩa dân túy ở Đại Loan: Vấn đề quan tâm của giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay

Quan hệ giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan hiện đang ở vào thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, không khí thù địch đang bao trùm và trở nên chủ đạo trong dư luận ở cả Trung Quốc đại lục lẫn Đài Loan. Chính sách đòi tách ra độc lập (“Đài Độc”), hay nói cách khác là “Chủ nghĩa dân túy” của Đài Loan đang thực sự là vấn đề quan tâm của giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay.

Chính quyền Thái Anh Văn, đại diện cho Chủ nghĩa dân túy

Khác với diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2016 vẫn bày tỏ sự tôn trọng đối với sự thực lịch sử của các cuộc đàm phán qua eo biển năm 1992 và nhận thức chung về “cầu đồng tồn dị” giữa Đài Loan và Đại Lục; trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai hôm 20/5, bà Thái Anh Văn đã không đề cập đến “Đồng thuận 1992” trong cuộc thảo luận xuyên eo biển và khẳng định lại Đài Loan không chấp nhận “một quốc gia, hai chế độ”.

Sự thay đổi trong diễn văn nhậm chức của bà Thái Anh Văn, không phải là một lúc mà nên. Trên thực tế, từ năm 2019, với sự cầm quyền của Đảng Dân Tiến (DPP), chủ nghĩa dân túy trên đảo Đài Loan đã liên tục dâng cao, hình thành sự thù địch qua eo biển theo đường xoắn ốc. Bắt đầu từ năm 2020, dưới đại dịch Covid-19, bầu không khí của dư luận “phản Trung kháng Lục” (chống Trung Quốc đại lục) trên hòn đảo liên tục được thúc đẩy tăng nhiệt. Sự phân biệt đối xử đối với sinh viên Đại Lục tại Đại học Trung Nguyên Đài Loan vào đầu tháng 5 là một trường hợp điển hình. Ở một mức độ nào đó, vụ việc này phản ánh thực tế về thái độ của xã hội Đài Loan đối với việc trao đổi qua eo biển, đặc biệt là lạm dụng chủ nghĩa dân túy.

Chủ nghĩa dân túy đã tác động nghiêm trọng đến các hình thức trao đổi qua eo biển và hợp tác kinh tế hiện có. Không chỉ số lượng trao đổi nhân sự giữa hai bên eo biển giảm mạnh xuống mức gần như đình trệ, mà các mô hình trao đổi “mặt đối mặt” và “có đi có lại” ban đầu đã bị thay đổi. Việc tăng cường hợp tác kinh tế xuyên eo biển, phân chia công nghiệp và tổ chức lại các chuỗi công nghiệp xuyên eo biển đã chịu tác động lớn chưa từng có. Tờ Trung Quốc Thời báo của Đài Loan ngày 28/4 đã đăng một bài xã luận nói rằng các cuộc chửi bới và chủ nghĩa dân túy xuyên eo biển hiện nay tiếp tục gia tăng; đường lối “thân Mỹ kháng Trung” đang đâng cao ở Đài Loan, các máy bay quân sự của Trung Quốc và Mỹ liên tục bay vòng quanh Đài Loan mang ý nghĩa cảnh báo mạnh mẽ. Nguy cơ chiến tranh ở Đài Loan cũng đang gia tăng.

Do quán tính chính trị, làn sóng dân túy chống Đại Lục do DPP kích động trong cuộc bầu cử “hai trong một” không thể bị loại bỏ chỉ trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, trong quá trình chống dịch bệnh Covid-19, tâm lý tự bảo tồn của người dân Đài Loan lan truyền qua Internet, quan điểm coi Đại Lục như một “mối đe dọa” đã trở thành “sự đúng đắn chính trị” của Đài Loan. Ngay cả sau khi kết thúc bầu cử, chính quyền Thái Anh Văn vẫn tiếp tục sử dụng dịch bệnh để tiếp tục thực thi chính sách “thân Mỹ kháng Trung”, biến dịch bệnh thành dịp bắt tay hợp tác và là “chất xúc tác” để tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. “Tuyên bố chung Đài Loan – Hoa Kỳ về quan hệ đối tác phòng chống dịch bệnh” được thực hiện dưới cái cớ “chống dịch” và với danh nghĩa “chính phủ với chính phủ’. Tình hình dịch bệnh đã trở thành “hòn đá dò đường” để chính quyền Đài Loan thách thức nguyên tắc “một Trung Quốc” trong cộng đồng quốc tế.

Phản ứng của giới lãnh đạo tại Bắc Kinh

Ngày 22/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo công tác của chính phủ. So với các kỳ họp trước, phần Đài Loan trong Báo cáo lần này thiếu hẳn các cụm từ “Đồng thuận 1992” và “Thống nhất hòa bình”. Bên ngoài cho rằng đây là một tín hiệu có chủ ý từ Bắc Kinh. Mặc dù các cơ quan truyền thông chính thức Đại Lục sau đó giải thích rằng độ dài của Báo cáo bị hạn chế do thời lượng của kỳ họp, nhưng vẫn khó để xua tan những nghi ngờ của bên ngoài. Dù sao, đối lập của “Hòa thống” (thống nhất hòa bình) cũng chính là “Vũ thống” (thống nhất bằng vũ lực).

Cùng ngày, còn có một diễn biến khác là, sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày báo cáo công tác của chính phủ trước Quốc hội, tờ “Nhân dân Nhật báo” cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa tin với tiêu đề “Lý Khắc Cường: Phản đối các lực lượng bên ngoài can thiệp vào Hồng Kông và Ma Cao” trong khi ông Lý Khắc Cường không hề nhắc đến câu này trong báo cáo. Thế giới bên ngoài đã gọi đó là “vụ scandal” của cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, nhưng đằng sau việc này chính là thái độ quyết liệt của Bắc Kinh đối với các vấn đề Hồng Kông và Macao buộc họ phải xem xét phản ứng của Mỹ. Tại cuộc họp báo vào ngày 24/5, khi được hỏi về vấn đề Đài Loan và quan hệ Trung – Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gay gắt nói rằng “Hoa Kỳ đừng thách thức giới hạn của Trung Quốc, không nên đánh giá sai quyết tâm bảo vệ sự thống nhất đất nước của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc”. Ngô Khiêm, người phát ngôn của đoàn đại biểu quốc hội PLA và Cảnh sát Vũ trang ngày 26/5 đã tuyên bố “thiên hạ không thái bình”. Liên quan đến một loạt các vụ bán vũ khí gần đây của Mỹ cho Đài Loan, Ngô Khiêm nhấn mạnh “tìm kiếm độc lập cho Đài Loan là con đường chết; đối kháng vũ trang là tự chuốc diệt vong”. Ông chỉ trích chính quyền đảng DPP “tìm kiếm độc lập bằng vũ lực” và các hành động của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” và các quy định của ba bản Tuyên bố chung Trung-Mỹ. Ngô Khiêm nói: “Tình hình hiện tại của các mối quan hệ xuyên eo biển rất phức tạp và nghiêm trọng. PLA có ý chí kiên định, có đủ niềm tin và khả năng để đánh bại mọi mưu đồ can thiệp của thế lực bên ngoài dưới mọi hình thức và âm mưu ly khai ‘Đài Loan độc lập’; sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, kiên định duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Sáng 29/5, cuộc Hội thảo kỷ niệm 15 năm thực thi Luật chống chia cắt quốc gia đã tổ chức tại Bắc Kinh. Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư đã mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Đài Loan tìm kiếm “độc lập”. Đặc biệt, chỉ huy quân đội Trung Quốc đã thẳng thừng tuyên bố “không loại trừ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan”. Ông Lật Chiến Thư chỉ ra rằng trong thời gian qua, các thế lực ly khai “Đài Loan độc lập” đã đánh giá sai tình hình và tiếp tục kích động, gây tổn hại nghiêm trọng đến tình hình và lợi ích thiết thân của dân chúng ở hai bên eo biển Đài Loan và lợi ích cơ bản của dân tộc Trung Hoa, phá hoại nghiêm trọng hòa bình và sự ổn định của eo biển; thách thức ranh giới bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ, Trung Quốc kiên quyết trừng trị.

RELATED ARTICLES

Tin mới