Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaSức mạnh tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở...

Sức mạnh tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong nửa đầu năm 2020

Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã 04 lần điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Khu trục hạm Mỹ USS Mustin (28/5) vừa tiến hành tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm và đảo Đá Tháp, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin được Hải quân Mỹ đóng mới từ năm 1998, bắt đầu được sử dụng tỏng biên chế từ năm 2003 và có cảng chính nằm tại Yokosuka, Nhật Bản. Đây là một trong số 67 khu trục hạm lớp Arleigh Burke đang được Hải quân Mỹ sử dụng.

Tàu có độ giãn nước 9200 tấn, dài 155 mét và lườn rộng 20 mét. Khu trục hạm Mustin của Hải quân Mỹ có trang bị 4 động cơ cùng hai trục dẫn động, cung cấp sức mạnh tối đa 100.000 mã lực, cho phép nó di chuyển được với tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ.

Tàu USS Mustin thuộc phiên bản nâng cấp Flight IIA với nhiều cải tiến về hệ thống cảm biến và hỏa lực. USS Mustin được nâng cấp hệ thống chiến đấu Aegis, cải tiến cột ăng ten để giảm mặt cắt radar, nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống trao đổi thông tin và hệ thống phân phối thông tin chiến thuật chung. Hệ thống chiến đấu Aegis được nâng cấp với khả năng phòng thủ tên lửa. Bộ vi xử lý của radar AN/SPY-1D được cải tiến để nhận biết mục tiêu tốt hơn ở các khu vực lộn xộn ven biển. Cụm phóng ngư lôi chống ngầm Mk 46 được chuyển lên boong trước, thay vì ở giữa thân tàu của phiên bản cũ. DDG-89 chỉ mang theo một hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS, trong khi các tàu từ DDG-84 trở về trước được trang bị 2 CIWS. DDG-89 phóng tên lửa chống ngầm RUM-139 trong một cuộc tập trận. Một chi tiết khá thú vị là các tàu từ DDG-85 trở về sau, bao gồm DDG-89 không được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon.Các tàu thuộc Flight IIA trở đi tập trung chủ yếu cho nhiệm vụ tấn công mặt đất và phòng thủ tên lửa đạn đạo. Hải quân Mỹ dự định trang bị hệ thống phòng thủ laser cho các tàu thuộc Flight IIA từ năm 2021. Tàu có thể mang theo 96 tên lửa các loại trong ống phóng thẳng đứng Mk41 với 64 ở boong trước và 32 ở boong sau.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52, 29/4) thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

USS Barry (DDG-52) là tàu khu trục lớp Arleigh Burke, được đưa vào hoạt động năm 1992. Đây là tàu hải quân Mỹ thứ 4 được đặt tên theo “cha đẻ” của hải quân nước này, Thiếu tướng John Barry (1745-1803). USS Barry (DDG-52) đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó 3 lần nhận Battenberg Cup danh giá cho các năm 1994, 1996 và 1998. Đặc biệt, USS Barry (DDG-52) từng tham gia chiến dịch quân sự tấn công Libya năm 2011. Khi đó, tàu đã phóng 55 tên lửa hành trình Tomahawk. Hệ thống phòng không tầm gần Phalanx (CIWS) trên chiến hạm này có khả năng bắn 4.500 viên đạn 20mm mỗi phút, hữu hiệu khi đánh chặn tên lửa hành trình diệt hạm. Ngoài ra, tàu còn được trang bị một khẩu pháo chuyên diệt các tàu nhỏ muốn tiếp cận. Ngoài pháo hạm 127mm dùng để tấn công các mục tiêu trên biển, pháo cỡ nòng 120m được sử dụng linh hoạt, có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau với các hệ thống phức tạp làm việc đồng thời để ngắm bắn, theo dõi và khai hỏa.

Tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Bunker Hill (29/4) đã thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

USS Bunker Hill (CG-52) là tàu mang tên lửa dẫn đường thuộc lớp Ticonderoga của Hải quân Hoa Kỳ, dài 173m, rộng 16,8m, trang bị 4 động cơ tua-bin khí GE LM 2500 cho tốc độ tối đa khoảng 60km/h. USS Bunker Hill hạ thủy vào ngày 20/9/1986, có cự ly hoạt động tối đa 11.000km, thủy thủ đoàn gồm 30 sĩ quan và 300 binh sĩ. Tàu được trang bị hệ thống rađa và cảm biến đa dạng, hiện đại, bao gồm rađa tìm kiếm trên không, rađa điều khiển hỏa lực, rađa tìm kiếm bề mặt cùng các thiết bị chiến tranh điện tử, sonar chủ động và sonar thụ động. USS Bunker Hill là tàu tuần dương lớp Ticonderoga đầu tiên được trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng Mark 41, có khả năng bắn tên lửa RGM-109 Tomahawk, cũng như có thể phóng 122 tên lửa các loại, bao gồm cả tên lửa tấn công và tên lửa đánh chặn. Phần đuôi tàu được bố trí 2 bệ phóng tên lửa chống tàu Harpoon, cơ số 8 quả đạn cùng pháo hạm cỡ lớn. Phần mũi tàu cũng được trang bị 1 pháo hạm tương tự. Ngoài ra tàu còn có ống phóng ngư lôi và súng máy phòng không hạng nhẹ.

Tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery (25/1) đã tiến hành tuần tra tự do hàng, di chuyển gần Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

USS Montgomery có lượng giãn nước 2.637 tấn, trang bị 2 động cơ tuốn bin khí LM2500 cho phép đạt tầm hoạt động khoảng 8.000km và vận tốc lên tới 40 hải lý/giờ; tàu dài 119 m, mớn nước 4 m. Tàu chiến USS Montgomery có thể hoạt động ở tốc độ thấp phù hợp với các chiến dịch ven biển hoặc di chuyển nhanh để tránh hoặc truy đuổi tàu nhỏ, tàu ngầm. USS Montgomery sử dụng động cơ phản lực nước thay chân vịt, giúp tàu có thể di chuyển về một phía, xoay vòng và tiến vào những không gian chật hẹp. Tàu được sử dụng để rà phá mìn, dò tàu ngầm và chiến đấu trên mặt biển. Hải quân Mỹ có ý định sản xuất 55 chiếc LCS với nhiều nhiệm vụ hỗ trợ khác nhau nhằm duy trì vị thế thống trị ở các vùng ven biển và các nút giao thông đường biển.

Để tăng thêm sức mạnh cùng cải thiện khả năng phòng thủ tầm xa cho tàu chiến lớp LCS, Hải quân Mỹ cũng dự kiến tích hợp tên lửa Hellfire. Tên lửa Longbow Hellfire được thiết kế để đối phó với đội hình tập kích của các máy bay tấn công nhanh và tàu tốc độ cao của đối phương nhắm vào tàu chiến ven biển Mỹ. Phiên bản tên lửa Hellfire trên tàu LCS được thiết kế khác một chút so với phiên bản gắn trên trực thăng và máy bay không người lái (UAV). Theo chuyên gia quân sự Kris Osborn, tên lửa phóng từ tàu LCS sử dụng công nghệ dẫn đường/dò tìm “sóng mm”, một hệ thống khóa mục tiêu có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Thời gian tới, tên lửa này sẽ được thiết kể để tích hợp vào hệ thống chiến đấu và máy tính trên tàu LCS. Một phần của thiết kế tên lửa Hellfire lắp trên tàu LCS là giúp phối hợp và kết nối khóa mục tiêu với các trực thăng Mk-60 của hải quân Mỹ hoạt động ngoài đường chân trời. Trong tương lai, tên lửa Hellfire sẽ được sử dụng bên cạnh các pháo 30 mm và 57 mm, đồng thời sẽ được kết nối với các UAV cất hạ cánh thẳng đứng phóng từ tàu LCS. Nền tảng tình báo, trinh sát và giám sát này có thể giúp phát hiện mục tiêu và truyền video theo thời gian thực tới trung tâm chỉ huy và kiểm soáy mục tiêu trên tàu. Việc tích hợp tên lửa Hellfire cho tàu LCS đã được triển khai trong nhiều năm và được xem là một yếu tố then chốt trong chiến lược “triển khai sức mạnh” của hải quân Mỹ nhằm trang bị tốt hơn các vũ khí phòng thủ và tấn công cho hạm đội tàu mặt nước.

Mục đích của Mỹ

Được biết, Hải quân Mỹ đã thực hiện 9 đợt hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông trong năm 2019, số lượng nhiều nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi lấp đảo nhân tạo trái phép vào năm 2014. Cụ thể, Hải quân Mỹ đã thực hiện 5 hoạt động tự do hàng hải trong năm 2018, 6 trong năm 2017, năm đầu tiên Tổng thống Trump điều hành đất nước. 3 lần trong năm 2016, 2 lần trong năm 2015 và không có lần nào trong năm 2014.

Giới truyền thông quốc tế nhận định, hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump là nỗ lực mới nhất nhằm chống lại hành động phi pháp và ngăn cản tự do hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Reuters cho rằng động thái mới nhất của Mỹ có thể khiến Trung Quốc tức giận trong thời điểm hai nền kinh tế đang căng thẳng trong quá trình đạt được một thỏa thuận thương mại. Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế. Hải quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại vùng biển này và kêu gọi các quốc gia khác thực hiện các hành động tương tự.

Việc Mỹ liên tục tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông là nhằm phục vụ một số mục đích: Thứ nhất, gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. Hoạt động tuần tra lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc mới đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 về tranh chấp thương mại.

Thứ hai, đảm bảo lợi ích của Mỹ. Biển Đông là một tuyến vận chuyển đường biển quốc tế quan trọng và chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú. Trung Quốc đã đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích của Biển Đông. Đối với Mỹ, Biển Đông là một tuyến đường quan trọng trong tuyến vận chuyển đường biển quốc tế: ba trong mười tuyến đường vận chuyển biển của Mỹ đi qua khu vực Tây Thái Bình Dương và vùng eo biển Malacca. Do đó, dù thời chiến hay thời bình, tuyến giao thông đường biển ở Tây Thái Bình Dương bao gồm cả Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Về mặt an ninh – quân sự, trong tuyến “phòng thủ” từ xa hình vòng cung của Mỹ, tuyến chiến lược eo biển Đài Loan là tuyến chủ yếu của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc. Theo quan điểm của Mỹ, bất cứ một quốc gia thù địch nào đối với Mỹ kiểm soát được Biển Đông sẽ đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của cả Mỹ và Nhật (hơn 70% vận chuyển dầu của Nhật Bản qua vùng này). Với tầm quan trọng như vậy, tự do hàng hải tại Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ và tranh chấp về Trường Sa là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ. Có thể thấy khu vực Đông Á đã, đang trở thành hạt nhân và chỗ dựa trong chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, là một trong hai cơ sở để Mỹ dựa vào khống chế lục địa Á – Âu và là khu vực có hai đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Mỹ là Nga và Trung Quốc. Qua hoạt động tập trận, Mỹ vừa tăng cường hoạt động chống khủng bố, duy trì an ninh biển, đặc biệt là hoạt động hàng hải qua eo Malacca lại trấn áp được Nga và Trung Quốc cũng như phòng tránh xu hướng ly tâm của hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc và đảm bảo cho Mỹ giành quyền chủ đạo ở khu vực, tiến tới tạo chỗ dựa cho địa vị bá chủ của Mỹ. Biển Đông chứa đựng những tiềm năng đáng kể về dầu khí cùng các tài nguyên biển khác ở đây và với ưu thế đứng đầu thế giới về vốn, công nghệ thăm dò khai thác dầu ngoài khơi, các công ty dầu lửa Mỹ đã xâm nhập vào Biển Đông và ngày càng quan tâm đến vùng biển này. Giá trị kinh tế của Biển Đông đối với Mỹ còn liên quan tới sự phát triển kinh tế năng động ở Châu Á – Thái Bình Dương khiến cho khu vực ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với sự phát triển kinh tế của Mỹ.

Thứ ba, duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016); thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. Đá Gaven và Đá Gạc Ma là một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo. Ngoài ra, theo phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như các quy định của UNCLOS, Đá Gaven và Đá Gạc Ma bãi đá nửa chìm nửa nổi, chính vì vậy đá này chỉ được phép có vùng biển an toàn không quá 500m, thay vì một vùng biển chủ quyền 12 hải lý. Việc Mỹ tuần tra tự do hàng hải quanh khu vực 12 hải lý của đá Đá Gaven và Đá Gạc Ma cho thấy Mỹ không xem các bãi đá nửa chìm nửa nổi là đảo dù cho Trung Quốc có bồi đắp và xây dựng trên đó các cơ sở có quy mô lớn thế nào đi chăng nữa. Do đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma. Hành động như vậy sẽ gửi đi thông điệp rằng, Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược của mình chỉ vì hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cần được tôn trọng và thực thi.

RELATED ARTICLES

Tin mới