Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã triển khai nhiều vũ khí tân tiến tới khu vực biên giới nhằm phô diễn khả năng và gửi cảnh báo tới Ấn Độ.
Bộ chỉ huy quân đội Tây Tạng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây thực hiện các cuộc tập trận vào ban đêm, có bao gồm bắn đạn thật ở dãy núi Tanggula có độ cao 4.700m ở Tây Tạng, theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm nay 4.6. Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc đợt căng thẳng biên giới Ấn-Trung mới bùng phát từ ngày 5.5. khi binh sĩ hai bên đụng độ nhau ở một thung lũng nằm giữa khu Ladakh trong vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát và khu Aksai Chin do Trung Quốc quản lý.
Cuộc căng thẳng mới nhất đã thúc hai bên tiếp tục tăng cường binh sĩ và vũ khí để củng cố tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại những khu vực biên giới có tranh chấp. Hiện nay vẫn chưa có xác nhận chính thức về số lượng binh sĩ mà mỗi bên đã triển khai, nhưng có nhiều thông tin cho rằng PLA đã triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến và chiến đấu cơ đến cao nguyên Tây Tạng, theo SCMP.
Kể từ cuộc đối đầu của binh sĩ hai nước ở khu vực cao nguyên Doklam hồi năm 2017, PLA triển khai xe tăng Type 15, trực thăng Z-20, máy bay tấn công không người lái GJ-2 và lựu pháo tiên tiến PCL-181 đến cao nguyên Tây Tạng, theo Hoàn Cầu thời báo. Ngoài ra, những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy binh sĩ Trung Quốc bắt đầu mở rộng một căn cứ không quân ở khu Ngari Gunsa thuộc Khu tự trị Tây Tạng, cách Ladakh khoảng 200 km. PLA cũng đã điều chiến đấu cơ đa nhiệm J-16 đến khu vực.
“J-16 được cho là đã được triển khai tới Ngari Gunsa để tham gia các cuộc huấn luyện, nhưng J-11 và những chiến đấu cơ khác đóng tại đó vì căng thẳng. Không quân Ấn Độ đã triển khai thêm nhiều máy bay đến khu vực biên giới nên PLA cần điều J-16, tiên tiến hơn chiến đấu cơ Su-30 MKI của Ấn Độ”, SCMP dẫn một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ.
Lựu pháo PCL-181 nằm trong số khí tài quân sự được Trung Quốc triển khai đến cao nguyên Tây Tạng Chụp màn hình SCMP |
Chuyên gia quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh nhận định việc Trung Quốc tung các clip về hoạt động quân sự năm 2017 và trong tuần này là nhằm gửi cảnh báo đến quân đội Ấn Độ rằng PLA đang gia tăng các khả năng. “Trung Quốc tiếp tục triển khai vũ khí, trong đó có trực thăng, máy bay như Z-20, J-10C và J-11 lên độ cao đến 5.000 trên cao nguyên Tây Tạng để huấn luyện và thử nghiệm. Nhưng động thái này chỉ nhằm cảnh báo, thể hiện khả năng của PLA, thật sự không nhằm gây chiến tranh với binh sĩ Ấn Độ vì Bắc Kinh nhận ra Ấn Độ không phải là kẻ thù thật sự của Trung Quốc dù Mỹ đang cố kéo Ấn Độ vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống Trung Quốc”, ông Châu nhận định với SCMP.
Tranh cãi về quân số
Chuyên gia Châu cho rằng PLA duy trì quân số khoảng 70.000 dọc biên giới dài 3.488 km giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong khi quân số của Ấn Độ lên tới 400.000. Tuy nhiên, nhà phân tích Rajeswari Rajagopalan thuộc Tổ chức nghiên cứu giám sát ở New Delhi cho rằng Ấn Độ có chưa tới 225.000 binh sĩ đóng dọc biên giới. “Theo ước tính gần nhất từ các chuyên gia thuộc MIT [Viện nghiên cứu Massachusetts], Trung Quốc có 230.000-250.000 binh sĩ ở Chiến khu miền Tây [bao gồm Tây Tạng]”, bà Rajagopalan cho hay. “Cần lưu ý rằng nhiều lực lượng Ấn Độ hiện không đối mặt với Trung Quốc và phần lớn trong số đó thực hiện nhiệm vụ chống nổi loạn. Binh sĩ Ấn Độ thật sự không đóng trú ở biên giới và Ấn Độ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai lực lượng đến khu vực biên giới vì địa hình núi”, bà Rajagopalan nhận định.
Lính Trung Quốc tham gia tập trận tại Tây Tạng Chụp màn hình SCMP |
Chuyên gia quân sự Lương Quốc Lượng ở Hồng Kông cho rằng bình thường có chưa tới 40.000 binh sĩ Trung Quốc đóng tại khu vực biên giới giáp với Ấn Độ, nhưng khi cần chi viện, binh sĩ có thể được điều động từ các tỉnh Thanh Hải và Cam Túc hoặc thậm chí Tân Cương và Tứ Xuyên. Cũng theo ông Lương, Bắc Kinh đã triển khai ít nhất 9 lữ đoàn hỗn hợp chuyên về tác chiến miền núi, phòng không, hóa học và hạt nhân, cũng như tác chiến điện tử tới Bộ chỉ huy quân đội Tây Tạng.
Chuyên gia quốc phòng Rajeev Ranjan Chaturvedy ở New Delhi cho rằng căng thẳng giữa hai nước xuất phát từ sự nghi ngờ của Ấn Độ về việc Trung Quốc gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng gần khu vực biên giới có tranh chấp. “Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ngày càng lớn và tốt hơn. Khi phát triển và liên tục cải thiện những lối vào chiến lược của mình, Trung Quốc không muốn nước khác làm như thế. Tuy nhiên, Ấn Độ quyết tâm cải thiện khả năng tiếp cận các khu vực biên giới và không cần sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh trong việc phát triển cơ sở hạ tầng biên giới của mình”, ông Chaturvedy nhấn mạnh, theo SCMP.