Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMục đích, ý đồ của Bắc Kinh khi công bố kế hoạch...

Mục đích, ý đồ của Bắc Kinh khi công bố kế hoạch biến đảo Hải Nam thành Hong Kong thứ hai

Trung Quốc công bố gói chính sách đặc biệt cho Hải Nam để biến hòn đảo thành “khu vực thương mại tự do” tương tự Hong Kong. Kế hoạch được Bắc Kinh đưa ra hôm 1/6 cho hòn đảo rộng 35.000 km2 bao gồm giảm thuế thu nhập cho một số cá nhân và công ty nhất định xuống 15%, nới lỏng yêu cầu thị thực cho du khách và doanh nhân; miễn thuế một số hàng hóa bao gồm thiết bị sản xuất, các phương tiện, tàu, máy bay, nguyên liệu thô và hàng tiêu dùng.

Hải Nam là tỉnh cực Nam của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Năm 2018, Hải Nam là tỉnh đông thứ hai mươi tám về số dân, đứng thứ hai mươi tám về kinh tế Trung Quốc với 9,1 triệu dân, GDP danh nghĩa đạt 483,2 tỉ NDT (73 tỉ USD) tương ứng với Myanmar. Tỉnh gồm nhiều đảo, trong đó đảo lớn nhất được gọi là đảo Hải Nam. Tỉnh lỵ là thành phố Hải Khẩu. Đảo Hải Nam là đảo lớn nhất dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc (đảo Đài Loan lớn hơn nhưng nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc). Hải Nam có vị trí nằm ở Biển Đông, ngoài hải khơi và ngăn cách với bán đảo Lôi Châu của tỉnh Quảng Đông tại phía bắc bởi eo biển Quỳnh Châu. Về phía tây của đảo Hải Nam là vịnh Bắc Bộ. Ngũ Chỉ Sơn (1.876 m) là ngọn núi cao nhất đảo. Từ năm 1988, Hải Nam tách khỏi tỉnh Quảng Đông, trở thành tỉnh riêng, đồng thời là một đặc khu kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc còn dự định xây dựng “dòng thuế nhập khẩu thứ hai” cho những sản phẩm vận chuyển từ Hải Nam lên đất liền, qua đó miễn thuế cho những sản phẩm đã bị đánh 30% thuế giá trị gia tăng trên đảo. Quá trình phê duyệt đầu tư tại tỉnh đảo sẽ được đơn giản hóa. Công dân nước ngoài sẽ được phép làm đại diện pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước, quy định vốn không tồn tại trên đất liền. Hải Nam dự kiến được hưởng các quyền tự do về thương mại, đầu tư, dòng vốn và việc di chuyển của người dân vào năm 2035, khi trở thành một trung tâm “có tầm ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ”. Theo tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, dự án trên nhằm biến Hải Nam thành trung tâm thương mại, mua sắm và vận chuyển tại khu vực, “đã được Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân lên kế hoạch, điều chỉnh và thúc đẩy”. Tháng 4/2018, ông Tập từng tuyên bố Hải Nam sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất đất nước.

Kế hoạch của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế hai bên tách khỏi nhau. Thêm vào đó, Tổng thống Donald Trump quyết định bắt đầu quá trình tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong vì cho rằng dự luật an ninh mới của Bắc Kinh khiến đặc khu không còn đủ mức độ tự trị để hưởng các ưu đãi và có thể khiến Hong Kong mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu. Dù không đề cập đến Hong Kong, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc rõ ràng đang cố gắng áp dụng những chính sách làm nên thành công của đặc khu với Hải Nam. Phạm vi những chính sách đề xuất cho tỉnh đảo này cũng đi xa hơn nhiều so với chiến lược hiện nay của Bắc Kinh tại các khu vực thương mại tự do khác như Thâm Quyến hay Thượng Hải. Giám đốc Viện nghiên cứu SOAS tại London (Anh) Steve Tsang đánh giá kế hoạch xây dựng Hải Nam của ông Tập có thể bị cản trở bởi bầu không khí quốc tế hiện nay, cũng như tình trạng thực thi pháp luật lỏng lẻo trên hòn đảo, nói thêm rằng Hải Nam “không thể biến thành Hong Kong thứ hai”.

Hồi năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin Chính quyền đảo Hải Nam đã nhận được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc để thiết lập các địa điểm giải trí thâu đêm tại các khu vực du lịch quan trọng và cho rằng động thái này sẽ giúp phát triển tỉnh đảo thành một trung tâm du lịch, tiêu dùng quốc tế và mở ra Biển Đông. Trung Quốc lên kế hoạch phát triển Hải Nam thành một điểm đến du lịch toàn cầu lớn vào năm 2035, theo kế hoạch do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia ban hành vào tháng 12/2018. Các quán bar và địa điểm vui chơi thâu đêm sẽ được phép hoạt động tại các khu vực trung tâm ở Hải Nam.Tuy nhiên, biện pháp này mâu thuẫn với các quy định hiện hành của Trung Quốc về quản lý các địa điểm giải trí, quy định rằng họ “sẽ không mở cửa cho doanh nghiệp từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng mỗi ngày”.Để cải thiện du lịch và tiếp tục mở cửa ngành, cơ quan văn hóa và du lịch tỉnh đã nộp đơn cho Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho phép các địa điểm giải trí vẫn mở suốt đêm ở một số khu vực, gần đây đã được Bộ phê duyệt.Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Hải Nam xây dựng các trung tâm thương mại tập trung vào người tiêu dùng quốc tế và giúp tỉnh cung cấp nhiều lựa chọn ẩm thực, lưu trú, du lịch, mua sắm và giải trí và tạo ra một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới.

Trong những năm qua, cùng với các hoạt động quân sự hóa, mở rộng bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành du lịch biển, đảo nhằm thúc đẩy hoạt động này vươn ra Biển Đông, thậm chí là tới các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp. Trong những toan tính và hành động đó, Hải Nam được xác định là cửa ngõ và chủ công đưa “du lịch” ra Biển Đông của Trung Quốc. Ngày 06/2/2017, Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã khai trương trái phép chi nhánh tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người dân thanh toán và sử dụng dịch vụ tại đây. Trước đó vào tháng 6/2016, Công ty phát triển vận tải quốc tế Tam Á đã công bố kế hoạch mua từ 5 đến 8 tàu du lịch chở khách mới trong vòng 5 năm tới, đồng thời xây dựng thêm 4 bến tàu ở Tam Á, trên đảo Hải Nam. Hiện nay các tàu xuất phát từ cảng biển trên hòn đảo nhân tạo Phoenix gần thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Ngày 19/4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/5/2018. Quy định mới cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Theo Tân hoa xã, quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm.

RELATED ARTICLES

Tin mới