Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐàm luậnNgoại giao “chiến binh sói” trỗi dậy trên biển Đông

Ngoại giao “chiến binh sói” trỗi dậy trên biển Đông

Theo đài CNN hôm 8-6, một số nhà bình luận quốc tế bày tỏ lo ngại: các tàu hải cảnh của Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật ngày càng manh động, liều lĩnh. Những động thái này có nguy cơ gây ra xung đột mới với các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia.

Mặc dù Bắc Kinh không ngớt tô vẽ cho những hành động gây rối, rằng họ đang tiến hành “các hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán”, nhưng sự thật thì tàu Trung Quốc luôn có những hành động chèn ép, xua đuổi tàu nước khác đang thăm dò tài nguyên một cách hợp pháp ở biển Đông.

Theo ông Greg Polling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), tàu Trung Quốc đang mở rộng hiện diện ở biển Đông nhờ các đảo nhân tạo trái phép mà họ tôn bồi. Các đá vốn là đá chìm bất ngờ mọc lên từ những vụn san hô khoét sâu đáy biển, nay trở thành căn cứ trên biển của tàu Trung Quốc. Từ đây Malaysia và Indonesia bị biến thành các quốc gia tiền tuyến. Ngày nào cũng có hàng chục tàu hải cảnh Trung Quốc lượn lờ quanh quần đảo Trường Sa (Việt Nam) và hàng trăm tàu cá sẵn sàng ra khơi.

Tưởng đâu cái “Đường lưỡi bò ” do Trung Nam Hải tự vẽ ra trong một cơn hoang tưởng không còn giá trị gì sau phán quyết của Tòa án quốc tế tại Lahaye, năm 2016, thế nhưng, nước này vẫn phớt lờ, ngang nhiên bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và gia tăng các hoạt động quân sự hóa. Bắc Kinh đã xây dựng một đội tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc triển khai ở biển Đông, chủ yếu nhằm quấy rối các tàu nước khác trong khu vực. Trong đại dịch Covid-19 các hoạt động khiêu khích càng leo thang.

Một nhận định đáng chú ý khác, ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), cho rằng: Trung Quốc không ngừng tuyên truyền, Mỹ đã “biết điều”, tự rút khỏi vị trí cường quốc toàn cầu, do vậy đây là thời cơ để Bắc Kinh củng cố vai trò, ảnh hưởng trong khu vực.

Cuộc đối đầu với Malaysia và Indonesia không phải là hành động gây hấn đầu tiên của Trung Quốc trong khu vực trong năm 2020.

Đầu tiên là cuộc đối đầu ở quần đảo Natuna thuộc cực nam của biển Đông, hiện do Indonesia quản lý, nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền bằng cái “Đường lưỡi bò” thối rữa mà chưa chôn. Tàu thuyền của cả hai nước đã buộc phải can dự vào cuộc đối đầu, khởi phát khi các tàu cá Trung Quốc bất ngờ xuất hiện và “ở lì” trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Để tỏ thái độ, Indonesia đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 và tàu hải quân. Đích thân Tổng thống Joko Widodo đã bay tới khu vực này, trong một động thái phô diễn diễn sức mạnh khác thường.

Chuyện Bắc Kinh liên tục quấy rối tàu của các quốc gia khác ở biển Đông (chủ yếu là Việt Nam và Philippines và đôi khi là Malaysia và Indonesia) đã có lịch sử lâu dài, một lịch sử tệ hại và đáng buồn. Các nhà ngoại giao Trung Quốc dùng phép “vừa đấm vừa xoa” đối với các bên bị quấy rầy, “xoa” bằng những lời nói hợp tác, hữu nghị viển vông và nhử bằng ngoại tệ. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã khiến cho ngoại giao “chiến binh sói” của Bắc Kinh trỗi dậy. Đòn ngoại giao này đã loại bỏ các “áp- tô- mát” (giúp ngắt mạch điện khi quá tải) trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Trung Quốc luôn mong muốn các nước Đông Nam Á nhận rõ sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy giảm và cam kết của nền kinh tế đứng đầu thế giới đối với khu vực đang suy yếu. Và Bắc Kinh muốn chứng tỏ với các láng giềng rằng, những vấn đề kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt sẽ không ảnh hưởng đến chính sách bành trướng của họ trên biển Đông.

Bắc Kinh thừa biết, kế hoạch của họ đối mặt không ít rủi ro. Rõ nhất là các hành động của Mỹ, tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông, đồng thời nỗ lực hỗ trợ trực tiếp các quốc gia Đông Nam Á ở biển Đông. Hải quân Malaysia hồi tháng 5 đã nhận được lô máy bay không người lái giám sát đầu tiên từ Mỹ.

Biết rõ việc lấn lướt các nước khác, “cả vú lấp miệng em” là không dễ trong thời thế giới phẳng, thế nhưng âm mưu lâu dài để thực hiện giấc mơ Trung Hoa thì không thể từ bỏ. Và “chiến binh sói” Bắc Kinh hễ có thời cơ là lao vào con mồi. Không bắt được mồi hôm nay thì ngày mai, ngày kia, chưa muộn! Điều này khiến những đối tượng được “làm bạn” với “sói” vô cùng ngột ngạt và phải luôn cảnh giác.

RELATED ARTICLES

Tin mới