Căng thẳng biên giới giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân dịu bớt sau khi tướng lĩnh hai bên gặp nhau. Tuyên bố được phát đi từ New Delhi khẳng định Trung Quốc và Ấn Độ sẽ “giải quyết hòa bình” các căng thẳng ở biên giới.
Hãng thông tấn AFP dẫn thông cáo của Chính phủ Ấn Độ ngày 7-6 cho biết hai bên đã nhất trí giải quyết vấn đề theo các thỏa thuận song phương từ trước đến nay. Động thái diễn ra sau một cuộc đối thoại quân sự cấp cao một ngày trước đó tại khu vực Chushul-Moldo.
Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên từ sau vụ ném đá khiến nhiều binh sĩ Trung – Ấn bị thương tại bang Sikkim hôm 9-5.
Trước đó, có tin phái đoàn Ấn Độ tham gia cuộc gặp đã yêu cầu khôi phục hiện trạng ở tất cả các khu vực nhạy cảm dọc đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) và yêu cầu Trung Quốc rút quân.
Cũng theo truyền thông Ấn Độ, các sĩ quan New Delhi không đặt kỳ vọng quá nhiều vào cuộc gặp lần này và chỉ xem đây là một bước đệm để hai bên tiến tới giảm căng thẳng, đối thoại bằng đường ngoại giao.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai cường quốc hạt nhân có chung 3.500km biên giới, đã bột phát trong những tuần gần đây.
Sau vụ cãi vã dẫn tới ném đá giữa các binh sĩ tại một thung lũng ở bang Sikkim phía đông Ấn Độ, căng thẳng nhanh chóng chuyển sang khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước ở phía bắc Ấn Độ.
Hàng ngàn binh sĩ cùng nhiều khí tài đã được hai bên đưa về sát vùng biên giới, khiến giới quan sát lo ngại những tính toán sai lầm có thể thổi bùng xung đột.
Truyền thông Trung Quốc khi đó đưa tin Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận ban đêm đồng thời đưa thêm quân, xe tăng, máy bay chiến đấu và lựu pháo tới Tây Tạng. Đáp lại, New Delhi cũng công khai kế hoạch đưa 5.000 quân tới Ladakh.
Tình hình chỉ có dấu hiệu giảm nhiệt vào đầu tháng 6 này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi đó xác nhận Bắc Kinh vẫn duy trì các kênh liên lạc ngoại giao và quân sự cho các vấn đề biên giới với Ấn Độ.
Quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh chứng kiến một loạt cuộc xung đột, đối đầu quân sự tại biên giới trong các năm 1962, 1967 và 1987. Năm 2017, hai nước còn bị lôi kéo vào cuộc đối đầu kéo dài hơn 2 tháng tại cao nguyên Doklam của Bhutan.