Theo một số nhà phân tích, chính quyền Trung Quốc đang khai thác tình trạng bất ổn trên khắp nước Mỹ để tấn công Hoa Kỳ, chuyển sự chú ý của dư luận ra khỏi vấn đề Hồng Kông, cũng như tuyên truyền cho tính ưu việt của chế độ độc tài toàn trị.
Những ngày qua, các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc tích cực đăng tải thông tin liên quan đến câu chuyện về George Floyd, tạo điều kiện cho dư luận gia tăng chỉ trích về cách xử lý của Mỹ đối với các cuộc biểu tình đang diễn ra, khiến hàng chục thành phố trên khắp nước Mỹ rơi vào tình trạng bạo lực.
Ông Floyd chết vào ngày 25/5 sau khi một sĩ quan cảnh sát ấn đầu gối vào cổ.
Ngay lập tức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 30/5 đã đáp trả lại dòng tweet của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích sự xâm phạm của chính quyền Trung Quốc đối với Hồng Kông bằng cách viết: “Tôi không thể thở” – đây là câu nói của ông Floyd trong video trước khi chết.
Thông điệp của bà Hoa đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ thu hồi những đặc quyền kinh tế dành cho Hồng Kông bởi Luật An ninh quốc gia mới. Ông Trump nói động thái này cho thấy Trung Quốc đã phá vỡ lời hứa cho phép Hồng Kông có quyền tự trị cao khi nước Anh bàn giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.
Bắc Kinh chưa có phản ứng chính thức đối với quyết định của ông Trump, nhưng các cơ quan truyền thông nhà nước đã tăng cường đưa tin về các cuộc biểu tình ở Mỹ, nhanh chóng làm các so sánh về các cuộc biểu tình ở Mỹ với phong trào ủng hộ dân chủ đang diễn ra tại Hồng Kông.
Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo nhà nước hiếu chiến, vào ngày 30/5 đã đăng một bài bình luận với tiêu đề “Hãy nhìn mà xem! ‘Cảnh tượng đẹp’ tại Hồng Kông đang lan rộng khắp nước Mỹ.” Tiêu đề này là để châm chọc lại phát biểu của chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào năm ngoái khi bà nói các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông là “một cảnh tượng đẹp.”
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 31/5 đã gọi đây là “trò chơi khăm” của bà Hoa đối với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói thêm rằng ông thấy sự hả hê trong những dòng tweet của các nhà ngoại giao Trung Quốc khi chứng kiến sự hỗn loạn tại Mỹ.
“Những nước thù địch sẽ tận dụng cuộc khủng hoảng này để gây sự bất hòa và phá hủy nền dân chủ của chúng ta,” ông O’Brien nói với đài ABC.
Đừng bao giờ phí phạm một cuộc khủng hoảng nào!
Theo bà Helle Dale, giảng viên cấp cao về ngoại giao của The Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại Washington, cho biết cuộc khủng hoảng đang xảy ra ở Mỹ là một “món quà tuyên truyền” đối với chế độ cộng sản Trung Quốc, hiện đang bị lên án mạnh mẽ về sự xâm phạm của họ đối với nền tự trị của Hồng Kông.
Bắc Kinh đã “có được tình thế này mà không cần phải bỏ ra công sức gì và họ đang tận dụng tối đa nó,” bà Dale nói với The Epoch Times.
“Họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để thổi bùng lên các vấn đề mà chúng ta đang gặp phải,” bà Dale nhận xét, nói thêm rằng Trung Quốc đang cố gắng lái dư luận thế giới sang việc chống Mỹ, nhân cơ hội này chuyển hướng dư luận trong nước, cũng như kích động căng thẳng về chủng tộc để làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Ông Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc,” (The Coming Collapse of China) nói rằng mặc dù mục tiêu cụ thể của chính quyền Trung Quốc là chuyển dư luận thế giới ra khỏi vấn đề Hồng Kông, nhưng những nỗ lực tuyên truyền của họ là một phần trong chiến dịch kéo dài nhiều thập kỷ nhằm phá hoại nước Mỹ.
Chế độ cộng sản Trung Quốc “đang cố gắng theo sát Hoa Kỳ và làm nhục danh tiếng của chúng ta,” ông Chang nói. “Mục tiêu thực sự của họ là phá hủy nước Mỹ.”
Bà Dale nói rằng Trung Quốc đã chứng tỏ họ “khá nhanh nhạy trong việc tận dụng các sự kiện hiện tại,” và đã đẩy mạnh những nỗ lực tuyên truyền toàn cầu kể từ khi nạn dịch virus Trung Cộng xảy ra. Trong đại dịch, Bắc Kinh đã tìm cách làm chệch sự chú ý về trách nhiệm của mình khi để virus lây lan khắp thế giới bằng cách truyền bá thông tin sai lệch về nguồn gốc virus và tô vẽ chế độ cộng sản như một hình mẫu về ngăn chặn virus.
Vũ khí hóa mạng xã hội
Ông Robert Spalding, giảng viên chính của Học viện Hudson, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt ở Washington và là tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến tàng hình: Trung Quốc đã xâm chiếm như thế nào trong khi giới Tinh hoa của Mỹ ngủ quên,” nói rằng những chế độ độc tài giống như Trung Quốc đang vũ khí hóa các nền tảng mạng xã hội để gây nên sự hỗn loạn và bất hòa tại Hoa Kỳ.
Trung Quốc thường sử dụng hệ thống bot (mạng lưới các máy tính bị chi phối và điều khiển bởi một máy tính khác từ xa) trên Twitter để phát tán rộng các thông điệp nhằm kích động mọi người hoà vào tình trạng bất ổn, ông nói, dẫn chứng nghiên cứu gần đây cho thấy các bot đã đóng vai trò chính trong việc định hình dư luận trong đại dịch.
Các nhà phân tích của Đại học Carnegie Mellon phát hiện 40% các cuộc thảo luận về COVID-19 đến từ các bot. Những tài khoản này chiếm 82% trong số 50 re-tweeter (người tweet lại) có ảnh hưởng hàng đầu, và chiếm 62% trong số 1.000 re-tweeter. Ông Spalding nói rằng việc xem xét các cuộc thảo luận hiện tại về các cuộc biểu tình có thể sẽ dẫn đến các kết quả tương tự.
“Môi trường mạng xã hội cung cấp một nền tảng dễ dàng cho các chủ thể quốc gia kích động nhiều hoạt động hơn [trong các cuộc biểu tình],” ông Spalding nói với The Epoch Times. “Họ đang sử dụng các nền tảng này để gia tăng quy mô các vụ bạo lực.”
Các quan chức Mỹ đã chỉ trích luận điệu của Bắc Kinh nhằm đánh đồng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông với tình trạng bất ổn ở Mỹ. Chính quyền Trung Quốc nhất quyết mô tả những người biểu tình ủng hộ dân chủ của Hồng Kông là “những kẻ nổi loạn” cần phải bị đàn áp.
“Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau,” Ngoại trưởng Pompeo nói với Fox News hôm 31/5. “Chúng ta có pháp quyền. Chúng ta có những người Mỹ tử tế ở khắp đất nước đang gặp rắc rối với những gì đã xảy ra, và họ có cơ hội để cất lên tiếng nói về điều đó một cách tự do. Không có chuyện tương tự xảy ra tại Trung Quốc. ĐCSTQ ngăn chặn kiểu tự do ngôn luận như thế.”
Còn ông O’Brien chỉ ra sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và các thể chế độc tài là: “Khi điều này xảy ra, chúng ta sẽ đi đến tận cùng và chúng ta sẽ giải quyết nó. Sẽ không có sự che đậy. Và điều này không được làm để thay mặt cho Đảng hay nhà nước.”
Bà Dale đã chỉ ra thói đạo đức giả sau một số bình luận của Trung Quốc về các cuộc biểu tình. Bà Hoa vào ngày 1/6 đã viết một dòng tweet: “Tất cả mạng sống đều quan trọng. Chúng tôi kiên quyết đứng cùng những người bạn châu Phi. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và những từ ngữ kích động chủng tộc và thù hận.”
Nghe thì dường như rất “chính diện,” nhưng bà Dale đã chỉ ra những vi phạm nhân quyền của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số, cũng như tai tiếng về sự tàn bạo của lực lượng cảnh sát ở Đại lục.
Trong một diễn biến khác, bà K.T. Macfarland, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia, nói trong chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times rằng tình trạng bất ổn dân sự tại Mỹ đã tạo cho điều kiện cho Trung Quốc truyền tải thông điệp rằng mô hình độc tài của họ ưu việt hơn một nền dân chủ.
“Họ đang tận dụng tất cả những điều này, cho dù đó là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, là đại dịch, là các cuộc biểu tình của người Mỹ, là cướp bóc trên đường phố, là các phiên tòa luận tội,” bà McFarland nói. “Và họ nói rằng, ‘Hãy xem, chúng tôi không có những vấn đề này tại Trung Quốc. Các nền dân chủ có những vấn đề này, các hệ thống thị trường tự do có những vấn đề này’.”
Bà nói thêm rằng, “Nước Mỹ biểu hiện ra càng chia rẽ, và càng có nhiều hình ảnh người Mỹ cướp bóc trên đường phố, tất cả những điều này chỉ tạo điều kiện cho tuyên truyền của Trung Quốc.”