Sunday, September 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ tận dụng Israel như thế nào trong chiến tranh lạnh Mỹ...

TQ tận dụng Israel như thế nào trong chiến tranh lạnh Mỹ – Trung?

Mỹ hiện nay đang lo ngại về sự hợp tác sâu giữa Trung Quốc và Israel trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ, khiến vị thế của Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng.

Áp lực lên Israel khi Mỹ và Trung Quốc thêm mâu thuẫn

Đại dịch Covid-19 đã đào thêm hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và Trung Quốc, đẩy mối quan hệ này tới một dạng Chiến tranh Lạnh mới. Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump tin rằng việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh mềm trên toàn cầu thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các công ty ở hải ngoại tạo ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Từ đó, chính quyền Trump đã gây sức ép với các đồng minh và đối tác phải hạn chế đầu tư của Trung Quốc ở nước họ. Đối với Trung Quốc, chính sách của chính quyền Trump hiện nay chỉ “toàn gậy” mà không có “củ cà rốt” nào.

Israel nằm trong số các đồng minh của Mỹ đối mặt với áp lực gia tăng về việc phải hạn chế đầu tư của Trung Quốc.

Việc công ty IDE Technologies của Israel mới đây giành được hợp đồng xây nhà máy khử muối cho nước Sorek2 trước công ty Hutchison Water (trụ sở ở Hong Kong) của nhà tỷ phú người Hoa Lý Gia Thành là một minh chứng rõ ràng về việc Israel nghe theo các mối quan ngại và áp lực từ Washington.

Trên thực tế, Mỹ đã nêu với Israel các mối quan ngại của họ về đầu tư của Trung Quốc vào cảng Haifa và về các công nghệ có thể sử dụng cho 2 mục đích. Giới chức Mỹ lo ngại Tập đoàn Hải cảng Quốc tế Thượng Hải của Trung Quốc quản lý cảng nói trên có thể đe dọa an ninh Hạm đội 6 của hải quân Mỹ neo đậu tại các cảng của Israel. Họ cũng lo lắng về việc các hãng của Trung Quốc có được năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua các khoản đầu tư dân sự, từ đó tạo ra một thế hệ vũ khí Trung Quốc mới.

Israel và Trung Quốc đã đầu tư chéo vào nhau. Nhiều công ty quốc doanh của Trung Quốc đã nhảy vào thị trường Israel. Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến công nghệ Israel. Ảnh: TV7 Israel News.

Trung Quốc đầu tư mạnh vào Israel

Quan hệ Israel-Trung Quốc đã cải thiện dần từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013, mức độ hợp tác kinh tế giữa 2 bên đã tăng vọt. Thương mại song phương tăng từ mức “khiêm tốn” 50 triệu USD vào năm 1992 lên 5 tỷ USD vào năm 2010 rồi 15,3 tỷ USD vào năm 2018. Israel cung cấp cho Trung Quốc các công nghệ tiên tiến.

Ban đầu Trung Quốc tìm kiếm kiến thức chuyên môn sâu của Israel về công nghệ năng lượng mặt trời, robot, xây dựng, quản lý nông nghiệp và nguồn nước, và công nghệ khử muối khỏi nước biển. Hai nước đã ký 2 thỏa thuận hợp tác tài chính vào năm 1995 và 2004 để thúc đẩy thương mại song phương. Vào năm 2010, Israel có xấp xỉ 1.000 hãng hoạt động ở Trung Quốc.

Đại dự án Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gắn nền kinh tế của Trung Quốc với nền kinh tế của 60 nước. Theo đó, đầu tư của Trung Quốc vào Israel đã mở rộng đáng kể để “che phủ” gần như hầu hết các khu vực kinh tế. Thí dụ, trong lĩnh vực thực phẩm, Tập đoàn Bright Food mua 77,7% cổ phần trong công ty thực phẩm lớn nhất Israel – Tnuva. Trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực vận tải, công ty China Civil Engineering Construction Corp (của Trung Quốc) là nhà thầu phụ cho Carmel Tunnel và là đối tác của công ty Tanya Cebus Ltd. của Israel trong xây dựng đường hầm Gilon. Tập đoàn Hầm Đường sắt Trung Quốc liên kết với Sohel Boneh của Israel để xây tuyến đường sắt hạng nhẹ Red Line ở Tel Aviv (Israel). Còn Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải đang xây dựng một ga mới tại cảng Haifa với quyền vận hành trong 25 năm. Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc giành được hợp đồng xây một cảng mới ở Ashdod. Công ty CRRC Changchn Railway Vehicles Co. Ltd. (cũng của Trung Quốc) giành được gói thầu cung cấp toa xe cho tuyến tàu Red Line ở Tel Aviv. Đáng chú ý, tất cả các công ty này đều thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Gã khổng lồ viễn thông Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc cũng đang đầu tư vào Israel. Ảnh: Times of Israel.

Đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp Israel đã được đẩy mạnh nhờ vào việc công ty Trung Quốc Chemchina mua lại Adama với giá 3,8 tỷ USD. Sau thương vụ này là các hội thảo chuyên đề ở cấp độ chính quyền địa phương, như là về hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, công nghệ nhà kính, sử dụng phân bón… trong đó nông nghiệp hiện đại được thảo luận trong mối quan hệ với công nghệ tiên tiến quốc tế.

Trong lĩnh vực học thuật, một số trường đại học Israel đã mở các cơ sở chung với các đối tác Trung Quốc. Đại học Tel Aviv (Israel) và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đi tiên phong theo hướng này với việc lập ra Trung tâm R&D XIN. Theo website của trung tâm này, nó có mục tiêu thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ, và giáo dục quốc tế…

Hai nước cũng thiết lập các khu công nghiệp kết nối các chính quyền địa phương với các công ty thuộc các lĩnh vực từ y học, đến nông nghiệp, rồi thực phẩm, tài chính, linh kiện ô tô… Công viên Thường Châu ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) giờ đã trở thành một nhân tố không thể thiếu đối với Bộ Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc. Tương tự, sự quan tâm của 2 nước vào hợp tác đổi mới và công nghệ đã dẫn tới việc thiết lập Quan hệ đối tác Đổi mới toàn diện.

Trung Quốc thèm khát công nghệ của Israel

Đầu tư của Trung Quốc vào Israel rõ nhất là trong địa hạt công nghệ.

Theo một nghiên cứu của công ty RAND, ngành công nghệ của Israel trong giai đoạn 2011-2018 đã nhận được đầu tư từ Trung Quốc là nhiều nhất, cả về giá trị tiền (5,7 tỷ USD) và số lượng công ty (54 trong tổng số 87 vụ đầu tư). Sự đầu tư này chủ yếu do các công ty khổng lồ của Trung Quốc thực hiện, các công ty này có mối quan hệ với quân đội và chính phủ Trung Quốc. Việc đầu tư đó ít nhiều đều tập trung vào các công ty và các startup (khởi nghiệp), với hoạt động có thể tái định hướng để tăng cường an ninh và công nghệ lưỡng dụng. Chẳng hạn, các công ty Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Huawei, Tencent… đã đầu tư vào các công ty Israel với công nghệ có thể sử dụng để thực hiện điều khiển vệ tinh, gián điệp kinh tế, truyền thông số, an ninh mạng, lưu trữ đám mây, trí tuệ nhân tạo, và máy học.

Thủ tướng Israel Netanyahu phát biểu với các doanh nhân trong một chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: GPO.

Bên cạnh đó, đầu tư của Trung Quốc ở Israel còn hướng mạnh vào lĩnh vực công nghệ-tài chính, với mục tiêu rõ ràng là tạo ra các hệ sinh thái tài chính toàn diện kết hợp các ngành tài chính, y tế, xã hội, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, và dịch vụ.

Theo một báo cáo của công ty đầu tư Israel Viola Group, lĩnh vực công nghệ tài chính ở Israel nhận được gần 1 tỷ USD đầu vào năm 2018, gần gấp đôi con số của năm 2017. Dự kiến Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa thị phần thương mại điện tử của họ ở Israel và làm thu hẹp thị phần của Mỹ.

Tham vọng phục hưng dân tộc Trung Hoa, tận dụng Israel một cách toàn diện

Như vậy có thể khẳng định đầu tư của Trung Quốc vào Israel thông qua các công ty nhà nước hoặc có liên kết với nhà nước là mang tính hệ thống và chiến lược. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực “phục hưng” dân tộc trong kỷ nguyên mới. Tư tưởng về phục hưng dân tộc này đã ngự trị Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017. Tư tưởng của Tập Cận Bình về kỷ nguyên mới dựa trên việc xây dựng sức mạnh tổng thể của Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, và quân sự và nâng vị thế của nước này trong các vấn đề toàn cầu. Và Israel là một khía cạnh chính yếu trong kỷ nguyên mới của Trung Quốc hướng tới vị trí đại cường quốc và siêu cường.

Trung Quốc đang cố lấy lòng Israel. Trong ảnh, người Trung Quốc đang mang theo biểu ngữ với nội dung “Trung Quốc yêu Israel”. Ảnh: JISS.

Chiến lược của Trung Quốc ở Israel là đa chiều. Israel là mô-đun lõi cho dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc, vượt qua cả sự quan tâm của nước này vào việc đầu tư ở Trung Đông.

Israel cung cấp cho Trung Quốc một nơi đầu tư và buôn bán ổn định, màu mỡ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở châu Á và là đối tác thứ ba thế giới của Israel sau Mỹ và EU. Một số nhà quan sát tin rằng thương mại của Israel với Trung Quốc có thể vượt cả thương mại của Israel với Mỹ, đặc biệt là sau khi phát hiện ra trữ lượng dầu khí lớn ở vùng đất Israel cạnh Địa Trung Hải.

Israel mang lại cho Trung Quốc thế đứng địa chính trị ở Trung Đông. Israel là nước quan trọng để sáng kiến Vành đai và Con đường phát triển, trong đó Israel đóng vai trò là một đầu mối vận tải sang Đông Á, châu Phi, châu Âu, và bán đảo Arab. Đặc biệt, Israel cung cấp cho Trung Quốc công nghệ tiên tiến bao gồm công nghệ liên lạc, internet, và lưỡng dụng.

Thực tế này được cho là tạo ra mối nguy an ninh lớn cho Mỹ vì đã giúp Trung Quốc trở thành một nước đi tiên phong về công nghệ tiên tiến, cho cả mục đích thương mại và quân sự, từ đó có khả năng tiềm tàng làm giảm ưu thế toàn cầu của Mỹ và trật tự quốc tế do Mỹ tạo ra.

Washington đặc biệt lo ngại về sự đầu tư của Trung Quốc vào mạng 5G, Internet Plus, và công nghệ lượng tử. Đúng là Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc về lĩnh vực vi tính lượng tử nhưng đầu tư khủng của Trung Quốc vào công nghệ lượng tử có thể giúp Trung Quốc ở vào vị trí có lợi hơn Mỹ trong tương lai gần. Bước nhảy vọt về công nghệ này cũng sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia tiên phong về thương mại điện tử và ngân hàng số, thay thế Mỹ làm đầu tàu công nghệ tài chính.

Một điều không kém quan trọng nữa là Israel mang lại cho Trung Quốc cánh cổng vào châu Âu, tăng cường không chỉ thương mại của Trung Quốc với châu Âu mà còn cả ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở lục địa này. Israel là đầu mối vận tải chính sang châu Âu thông qua cảng Piraeus ở Hy Lạp và cảng Trieste ở Italy – cả hai cảng này đều đã trở thành cứ điểm đẩy nhanh hàng hóa Trung Quốc vào vùng lõi châu Âu. Hiện nay, các nước châu Âu không có biển như Hungary, Serbia, Áo, Slovakia, Slovenia, Thụy Sĩ, và Cộng hòa Séc có thể sẽ ưa thích việc buôn bán với Trung Quốc do họ gần cảng thương mại Trieste.

Tất nhiên Israel ý thức được những mối lo ngại này của Mỹ. Israel đã thực hiện các biện pháp giám sát và kiểm tra các khoản đầu tư của Trung Quốc được cho là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia của cả Israel và Mỹ.

Tháng 10/2019, chính phủ Israel đã thiết lập một cơ chế theo dõi đầu tư nước ngoài và việc mua các công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm. Tuy nhiên các cơ chế như thế này vẫn không được như kỳ vọng của Mỹ vì vẫn mang tính tư vấn nhiều hơn là can thiệp ngăn ngừa thực sự.

Israel hiện đang bị căng ra theo 2 lực hút, từ Mỹ và từ Trung Quốc trong bối cảnh 2 cường quốc này đang đối đầu nhau. Israel có thể bị chia làm 2 phe, một phe (bao gồm quân đội) thích củng cố quan hệ với Mỹ, và một phe thích cách tiếp cận cân bằng với cả hai nước lớn

RELATED ARTICLES

Tin mới