Đầu tháng 1/2020, tàu chiến và tàu cá TQ xâm nhập lãnh hải Indonesia ở ngoài khơi bờ biển Natuna. Indonesia bắt đầu cảm nhận trực tiếp về sự bành trướng của TQ trên biển và có những phản ứng quyết liệt. Gần đây, nước này còn chính thức bày tỏ quan điểm phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của TQ tại LHQ.
Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo (giữa) thị sát cuộc tập trận tại đảo Natura đầu năm 2020.
Mỹ thì đã hẳn, là kẻ thù của TQ. Chẳng thế mà đã nổ ra một cuộc chiến thương mại “vô tiền khoáng hậu” giữa hai nền kinh tế khổng lồ làm rung chuyển thế giới bắt đầu từ năm ngoái, vắt sang năm nay.
Chưa hết, nếu cuộc chiến thương mại lúc căng, lúc chùng, thì cuộc “gầm gừ” trên biển Đông giữa hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, thời gian gần đây, lại gia tăng. Mới nhất là việc Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Kelly Craft đã gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guteres công thư bác bỏ yêu sách của TQ tại biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, “kẻ thù” với TQ, trong trường hợp này, không phải Mỹ, mà là Indonesia.
Tại sao vậy ? Lâu nay Indonesia không ghét TQ ? Câu trả lời là: Nếu không ghét thì hẳn cũng không ưa, bởi TQ quá côn đồ, hung hăng, kiêu ngạo. Dù thế, vẻ như lợi ích dân tộc của một quốc gia không có yêu sách chủ quyền biển Đông đã khiến Jakarta kín tiếng, không có động thái làm mếch lòng TQ trong suốt thời gian dài.
Tận cuối năm 2019, chính giới Jakarta vẫn không có phản ứng công khai trước hành động của Bắc Kinh tại biển Đông.
Nhưng gió đảo chiều, đầu tháng 1/2020, các tàu chiến và tàu cá TQ xâm nhập lãnh hải Indonesia ở ngoài khơi bờ biển Natuna, người Indonesia bắt đầu cảm nhận trực tiếp về sự bành trướng của TQ trên biển cũng như cảm nhận rằng: TQ sẽ không từ một ai để thỏa mãn lòng tham.
Gần như tức thì, chính quyền Indonesia lên tiếng phản đối bằng việc nhấn mạnh các quyền không thể lay chuyển đối với quần đảo Natuna; khẳng định không “thảo luận” gì với Bắc Kinh về việc phân chia biên giới tại nơi này (Natura), vì rằng: “mọi thứ đã được phân định từ lâu theo UNCLOS năm 1982”.
Cùng với các phản ứng ngoại giao quyết liệt, chính quyền Jakarta còn có thêm động thái chính trị nhằm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ: Tổng thống Joko Widodo đích thân tới thăm Natura ngày 08/01/2020 và tuyên bố trước báo giới: “Tôi đã nhiều lần nói rằng Natuna là thuộc chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi… Không có gì phải bàn luận, tôi hy vọng điều đó là rõ ràng”.
Một lời tuyên bố mạnh mẽ, đanh thép khiến cộng đồng, dư luận quốc tế ngỡ ngàng. Sự cứng rắn hóa ra “được việc”. Nó khiến Bắc Kinh phải đáp lại một cách nhẹ nhàng qua phát ngôn như một lời thanh minh, vỗ về Jakarta: “không hề có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ” giữa TQ và Indonesia; và rằng: “sẵn sàng tiếp tục xử lý một cách đúng đắn các bất đồng với Indonesia”
Sự vỗ về đầu lưỡi đó không làm Indonesia mất cảnh giác. Hẳn họ chưa quên bài học đắt giá, cay đắng của PLP, vì tin TQ mà để mất bãi cạn Scarborough. Cuối tháng 5 vừa qua, Phái đoàn đại diện thường trực của Indonesia tại LHQ đã gửi tới cho Tổng Thư ký LHQ tài liệu chỉ trích hành động của TQ ở biển Đông, trong đó, bày tỏ quan điểm rằng bản đồ “đường 9 đoạn” của TQ “hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế và vi phạm UNCLOS 1982”; đồng thời, đề cập phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7/2016 như một sự bác bỏ chính thức yêu sách chủ quyền của TQ: “Đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý; việc xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông là bất hợp pháp; các vách đá và rạn san hô của quần đảo Trường Sa không phải là đảo, vì vậy TQ không có quyền tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế xung quanh”.
Dư luận, thêm một lần nữa, ngỡ ngàng về động thái mới của Jakarta. Nhiều người đánh giá: điều này thể hiện thay đổi có tính bước ngoặt về quan điểm, chủ trương ngoại giao của Indonesia trong vấn đề biển Đông.
Đặc biệt, với động thái đó, Indonesia vẻ như chính thức bước vào “liên minh” hiện đang gồm các nước VN, PLP, Malaysia, trong cuộc đấu chống lại yêu sách “đường chín đoạn” ngang ngược của TQ.