Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÚc muốn thoát Trung: Không dễ?

Úc muốn thoát Trung: Không dễ?

Bộ Giáo dục Trung Quốc đe dọa ngành giáo dục quốc tế hàng tỉ AUD của Úc, sau đó Thủ tướng Scott Morrison nói muốn thoát phụ thuộc.

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 11/6 tuyên bố Úc sẽ không đánh mất các giá trị của mình hay khuất phục trước “sự chèn ép” từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh có dấu hiệu sẽ trả đũa ở lĩnh vực giáo dục.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Sydney 2GB, Thủ tướng Morrison lần đầu tiên dùng từ “sự chèn ép” kể từ khi căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc leo thang. Ông Morrison nhấn mạnh sinh viên Trung Quốc có quyền quyết định đến Úc hay không.

“Úc cung cấp các sản phẩm du lịch và giáo dục tốt nhất trên thế giới và tôi biết điều đó rất hấp dẫn. Chúng tôi là một quốc gia thương mại, mở cửa nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị của mình hay khuất phục trước sự chèn ép từ bất kỳ nước nào” – Thủ tướng Morrison nói.

“Một điều quan trọng là Úc luôn hành động vì lợi ích quốc gia và không dễ dàng bị đe dọa” – ông Morrison nhấn mạnh.

Tuyên bố của Thủ tướng Úc đưa ra sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm 9/6 khuyến cáo sinh viên không nên đến Úc học tập vì tình trạng phân biệt chủng tộc gia tăng xuất phát từ đại dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao Úc ngày 11/6 cũng đã gửi công hàm phản đối đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra, bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng Úc là điểm đến không an toàn cho sinh viên quốc tế.

Bà Vicki Thomson, Giám đốc điều hành của tổ chức Nhóm 8 Đại học Danh tiếng Úc, cảnh báo ngành giáo dục quốc tế “không thể được sử dụng làm con cờ chính trị”.

Các dữ liệu kinh tế cho thấy Úc khó mà “dứt tình” với Trung Quốc bởi sự phụ thuộc của ngành giáo dục quốc tế với nền kinh tế tỷ dân đứng thứ 2 thế giới.

Uc muon thoat Trung: Khong de?
Du học sinh Trung Quốc cầm trên tay văn bản do chính phủ Úc quy định về việc ngưng nhập cảnh.

Từ tháng 5/2019, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, số lượng sinh viên Trung Quốc muốn du học Mỹ đã giảm do lo ngại họ không được cấp thị thực. Thay vào đó, người Trung Quốc muốn chuyển sang du học ở các quốc gia khác như Anh, Canada và Úc.

Úc là điểm đến nằm trong top 3 quốc gia hàng đầu thu hút sinh viên nước ngoài, sau Mỹ và Anh. Khoảng hơn 212.000 sinh viên Trung Quốc theo học ở đây, chiếm khoảng 28% tổng sinh viên quốc tế ở Úc.

Công ty Easy Transfer – chuyên chuyển tiền thanh toán học phí cho du học sinh Trung Quốc ghi nhận, ​​tổng lượng giao dịch đạt 776 triệu USD trong năm 2018. Tuy nhiên, lượng tiền chuyển thanh toán học phí từ Trung Quốc sang Mỹ, chiếm 95% trong năm 2015, đã giảm xuống 50% trong quý I/2019.

Ông Tony Gao, Giám đốc điều hành của Easy Transfer, cho biết: “Xuất hiện xu hướng các sinh viên chọn trường đại học ngoài Mỹ… như Anh, Canada và Úc. Đây cũng là những nơi mà sinh viên Trung Quốc đang quan tâm. Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc cân nhắc các thị trường nước ngoài mới để phát triển”.

Các công ty tư vấn du học cũng chuyển hướng sang các nước có sử dụng tiếng Anh với hệ thống các trường cao đẳng, đại học có chất lượng nổi tiếng. Trong đó, trường cao đẳng King’s Own tại Thủ đô Sydney có quy mô đào tạo hơn 2.400 sinh viên, luôn đi đầu trong số các trường đại học khắp thế giới trong việc thu hút sinh viên Trung Quốc, thay cho lựa chọn du học tại Mỹ.

Là điểm đến của các sinh viên Trung Quốc, Úc không thể tránh khỏi kịch bản phụ thuộc. Du học nước ngoài là một nguồn thu quan trọng cho các trường đại học ở Úc và là một trong những tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Đối với riêng sinh viên Trung Quốc đã đóng góp hơn 8 tỉ USD cho nền kinh tế Úc trong năm 2019.

Đến tháng 2 năm nay, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poors (S&P) ước tính sơ bộ, các trường đại học hàng đầu của Úc có thể bị thiệt hại khoảng 2 tỷ USD vì du học sinh người Trung Quốc không thể trở lại học tập vì virus Corona. 

“Theo dự tính, những thiệt hại nêu trên mới chỉ tính riêng những khoản phí giáo dục đại học. Hậu quả còn hơn thế. Những ngành du lịch, nơi cung cấp chỗ ở, tiêu dùng hàng hóa và các dịch vụ trong nước khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề” – phân tích của S&P cho biết.

Giáo sư Christopher Ziguras ở Đại học RMIT và giáo sư Ly Tran ở Trung tâm Nghiên cứu ảnh hưởng giáo dục thuộc Đại học Deakin (Úc) nhận định dịch virus corona có lẽ là khủng hoảng lớn nhất đối với giáo dục quốc tế của Úc.

Úc là thị trường du học đem lại lượng ngoại hối lớn thứ tư thế giới, trị giá 38 tỷ USD hằng năm, bên cạnh các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác của nước này như thịt bò, hiện đang bị chính quyền Trung Quốc cấm nhập khẩu hoặc áp thuế nặng trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước tăng cao xung quanh việc điều tra sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.

Đây cũng là một trong số các quốc gia đầu tiên lên tiếng yêu cầu điều tra Trung Quốc và sự bùng phát dịch bệnh ở quốc gia tỷ dân. Động thái đầy toan tính chính trị này được cho là được hậu thuẫn rất lớn từ Mỹ, quốc gia hiện đang coi Trung Quốc là đối thủ số 1 trong hàng loạt lĩnh vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới