Nếu Trung Quốc đơn phương lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ với Hoa Kỳ và tính chính danh của Trung Quốc trong luật pháp quốc tế?
Những ngày gần đây, tin đồn về một kế hoạch lập ADIZ của Bắc Kinh bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại nổi lên, xuất phát từ một bài báo của South China Morning Post đặt ở Hong Kong.
Cần nhắc lại, ngày 23/11 năm 2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông tạo ra phản đối từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vùng ADIZ này bao trùm lên quần đảo Senkaku do Nhật đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư Đài.
Nó cũng bao trùm vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và vùng biển mà Hoa Kỳ xem là hải phận quốc tế.
Theo định nghĩa chính thức của chính phủ Việt Nam, vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là “vùng trời đặc biệt được thiết lập có kích thước xác định trong đó tàu bay phải tuân theo các phương thức báo cáo hoặc nhận dạng đặc biệt ngoài các phương thức liên quan đến việc cung cấp dịch vụ không lưu”.
Khi đi vào vùng ADIZ của một quốc gia, các máy bay được yêu cầu thông báo nhận dạng, kế hoạch bay và vị trí của máy bay.
Từ Trường Luật Koguan, Đại học Giao thông Thượng Hải, Tiến sĩ Matthias Vanhullebusch nói với BBC News Tiếng Việt rằng sẽ có tranh cãi là liệu bước đi tiềm năng này của Trung Quốc có phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Ông Matthias Vanhullebusch nhận bằng tiến sĩ ở trường School of Oriental and African Studies, Đại học London năm 2011.
Ông giảng dạy tại Trường Luật Koguan, Đại học Giao thông Thượng Hải từ cuối năm 2012 tới nay.
Ông Matthias Vanhullebusch giải thích: “Trung Quốc xem vụ kiện của Philippines lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là khiêu khích và vi phạm Đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).”
“Trong quá khứ, Bắc Kinh cũng chỉ xem Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) là văn bản chính trị, không phải pháp luật có tính ràng buộc quốc tế.”
“Có lẽ Trung Quốc sẽ xem một vùng ADIZ ở Biển Đông không phải là vi phạm quy tắc ứng xử, mà là một cam kết chính trị.”
Còn từ U.S. Naval War College, Hoa Kỳ, Giáo sư về Luật biển Quốc tế James Kraska nói mặc dù kế hoạch ADIZ ở Biển Đông chưa chính thức được xác nhận, nhưng “gần như chắc chắn” là Trung Quốc đã xem xét khả năng này.
Liên quan vùng ADIZ mà Trung Quốc đơn phương đặt ra ở Biển Hoa Đông từ 2013, Trung Quốc yêu cầu mọi máy bay, khi bay trong vùng ADIZ của Trung Quốc sẽ phải – dù quá cảnh hay đến Trung Quốc -báo cáo về lịch trình bay, duy trì liên lạc hai chiều, hồi đáp với yêu cầu nhận dạng của Trung Quốc.
Giáo sư James Kraska, đang dẫn dắt Trung tâm Stockton về Luật Quốc tế, U.S. Naval War College, nói với BBC News Tiếng Việt rằng một vùng ADIZ ở Biển Đông sẽ không có ảnh hưởng thực tế tới Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Nguyên do là vì Hoa Kỳ đã tiếp tục cho bay máy bay quân sự ở Biển Hoa Đông bất chấp ADIZ của Trung Quốc, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm như vậy ở Biển Đông.”
U.S. Naval War College, đặt ở Newport, Rhode Island, là nơi đào tạo sinh viên phục vụ quân đội và chính phủ Hoa Kỳ.
Giáo sư James Kraska nói tiếp: “Nhưng vùng ADIZ ở Biển Đông có thể thành cớ sử dụng vũ lực cho Trung Quốc chống lại máy bay quân sự của các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Indonesia hay Philippines.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Matthias Vanhullebusch chỉ ra rằng trên thực tế, “đa số hãng hàng không đều đã tuân thủ nhiệm vụ thông báo” với Trung Quốc khi đi qua vùng ADIZ này ở Biển Hoa Đông.
“Vì thế, một vùng ADIZ tương lai ở Biển Đông sẽ không có hậu quả tức thời cho việc đi lại của máy bay.”
Tiến sĩ Matthias Vanhullebusch dự đoán: “Trung Quốc sẽ phải phân biệt rõ lý do thiết lập vùng ADIZ ở Biển Đông, tách nó ra khỏi cuộc tranh chấp biển đảo để không gây hại cho niềm tin của các quốc gia.”
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc sử dụng lợi ích an ninh quốc gia do hành vi của Hoa Kỳ để làm lý do lập vùng ADIZ.”
“Vì Hoa Kỳ đã làm mất lòng nhiều nước ven biển, Trung Quốc có thể hy vọng tìm ủng hộ miễn là lý do lập vùng ADIZ không liên quan tranh chấp Biển Đông.”
Ông Matthias Vanhullebusch giải thích, theo cách nhìn của Trung Quốc, việc yêu cầu nhận dạng với máy bay trên một vùng ADIZ ở Biển Đông có thể là “cách để tránh hiểu nhầm”.
“Logic này đã được dùng khi Trung Quốc yêu cầu nhiệm vụ thông báo tương tự với các chuyến tàu đi trên biển, mà Hoa Kỳ đang thách thức dọc đường đi gần các đảo tranh chấp.”
“Liệu vùng ADIZ có đổ thêm dầu vào lửa sẽ phụ thuộc các nước ven Biển Đông phản ứng thế nào về sự có mặt của Hoa Kỳ.”
“Vì thế, mọi thông báo về ADIZ sẽ phải đi sau các cuộc nói chuyện ngoại giao với các bên liên quan trong vùng để kế hoạch không trượt khỏi hiệu ứng mà Trung Quốc muốn, đó là tách Hoa Kỳ ra khỏi khu vực, duy trì niềm tin và ủng hộ của các quốc gia ven biển,” Tiến sĩ Matthias Vanhullebusch dự đoán.
Còn từ Hoa Kỳ, Giáo sư James Kraska nói về rủi ro có thể xảy ra nếu Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông.
“Có rủi ro là việc này dẫn tới xung đột quân sự nếu Trung Quốc định thực thi ADIZ với máy bay quân đội nước ngoài.”
“Tuy nhên, Trung Quốc đã ít khi làm thế ở Biển Hoa Đông, nên hiện tại xung đột sẽ không xảy ra.”
Nhưng ông kết luận với nhận định về “rủi ro lớn nhất”.
“Rủi ro lớn nhất của vùng ADIZ Biển Đông là nó sẽ phục vụ như lý lẽ bổ sung cho đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc.”
“Như thế, ảnh hưởng lớn nhất sẽ mang tính chất địa chính trị chứ không phải quân sự,” giáo sư James Kraska phân tích.