Saturday, December 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCảnh giác trước mưu đồ lập Vùng nhận diện phòng không trên...

Cảnh giác trước mưu đồ lập Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông của Bắc Kinh

Ngày 31/5/2020, báo South China Morning Post đăng bài viết “Các kế hoạch của Bắc Kinh cho vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông bao phủ Pratas (Đông Sa), Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa), một nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho biết”.

Bài báo cho biết Trung Quốc chuẩn bị kế hoạch lập ADIZ trên Biển Đông kể từ năm 2010, cùng thời gian với lập kế hoạch ADIZ trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc chỉ thiết lập ADIZ trên Hoa Đông tháng 11/2013, trong một bước đi được đánh giá là khá hấp tấp để trả đũa Nhật Bản xung quanh vấn đề Senkaku.

Tuy chưa triển khai lập ADIZ trên Biển Đông, nhưng nhiều bài viết đã đề cập đến 2 phương án của Bắc Kinh cho ADIZ trên Biển Đông: một là, chỉ lập ADIZ ở phía Bắc Biển Đông, bao phủ khu vực quần đảo Hoàng Sa và Đông Sa; hai là, ADIZ bao phủ hầu hết Biển Đông, bao gồm Trường Sa. Nhiều bài báo đã phân tích phương án một có vẻ khả thi hơn vì bao phủ một khu vực nhỏ xung quanh Hải Nam và Hoàng Sa, đối tượng khiêu khích trực tiếp chỉ là Việt Nam nên dễ thực thi hơn.

Đối với phương án hai, các ý kiến lúc bấy giờ (từ năm 2011) cho rằng sẽ khó thực thi bởi năng lực kiểm soát của họ khi đó còn hạn chế. Chính vì lẽ đó mà từ năm 2012, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn mới như gây hấn với Philippines để khống chế bãi cạn Scarborough và bồi đắp, mở rộng 7 cấu trúc xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc chiếm đóng thuộc Trường Sa, rồi quân sự hóa biến các cấu trúc này thành các đồn điền quân sự, tăng cường khả năng kiểm soát của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Lu Li-Shih, một cựu giảng viên tại Học viện hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, nói trong bài báo của South China Morning Post rằng việc xây dựng và lắp đặt thiết bị trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong mấy năm gần đây, nhất là các đường băng và hệ thống radar trên các đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đều nằm trong kế hoạch của Bắc Kinh về ADIZ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng về hậu quả chính trị và ngoại giao khi lựa chọn phương án nào. Ngay cả vào lúc này, khi khả năng kiểm soát của Trung Quốc được củng cố với 7 căn cứ quân sự phi pháp và máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay tuần tra biển KQ-200 được triển khai đến đá Chữ Thập thì việc tuyên bố lập ADIZ ở Trường Sa vào thời điểm hiện nay chỉ là “húc đầu vào đá”.

Theo bài viết của South China Morning Post, các nhà quan sát quân sự cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông sẽ làm tăng thêm căng thẳng với Mỹ và gây ra những tổn hại không thể khắc phục trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á. Ông Drew Thompson, nhà nghiên cứu Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng một tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông của Bắc Kinh sẽ làm hư hại nghiêm trọng quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.

Tuy Bắc Kinh luôn hung hăng và táo tợn trong các hành động xâm chiếm lãnh thổ, nhưng họ cũng rất tỉnh táo tính toán kỹ, trong bối cảnh ngày càng bị cô lập, quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng bên bờ của “chiến tranh lạnh”, nếu Bắc Kinh lập ADIZ thì chỉ càng đẩy các nước ven Biển Đông về phía Mỹ.

Thực ra thông tin về ADIZ trong bài báo của South China Morning Post không phải là điều gì mới mẻ, cũng giống như Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan đề cập đến nó trong cuộc điều trần hồi đầu tháng 5. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh muốn thông qua tờ South China Morning Post “ném đá dò đường”, tạo ra sự mơ hồ như một sự đe dọa lơ lửng với các nước ven Biển Đông.

Nói như vậy, không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không lập ADIZ trong tương lai. Mục tiêu xuyên suốt của Bắc Kinh là độc chiếm Biển Đông và việc lập ADIZ trên Biển Đông là một phần trong mưu toan này. Trong bối cảnh tình hình nội bộ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ có hành động phiêu lưu mới ở Biển Đông, kể cả việc lập ADIZ để đẩy những khó khăn nội bộ ra bên ngoài.

Nếu Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với khu vực. Nó sẽ đe dọa những tuyên bố chủ quyền của một số quốc gia ASEAN trên Biển Đông. Thêm nữa, đây là vùng biển rộng lớn, trên đó có bầu trời rộng lớn. Nếu tất cả máy bay đi ngang qua phải xin phép, thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các chuyến bay, ảnh hưởng đến nguyên tắc tự do hàng không.

Đối với Việt Nam, một khi Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông dù với bất cứ phương án nào thì đều ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích của Việt Nam, do vậy ngay từ bây giờ Hà Nội cần triển khai ngay nhiều biện pháp để ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra:

Một là, Việt Nam cần phải kêu gọi các nước khác phản đối Trung Quốc, nhất là phối hợp với ASEAN. Trong đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về COC, Việt Nam cần thuyết phục các nước ASEAN đồng ý về một nội dung là khối này sẽ không chấp nhận một quốc gia đơn phương tuyến bố lập ADIZ trên Biển Đông.

Hai là, dựa trên nguyên tắc đề cao tự do hàng không trên Biển Đông tích cực vận động các nước đưa nội dung “không một quốc gia được đơn phương tuyến bố lập ADIZ trên Biển Đông” vào cuộc họp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Trong bối cảnh, Mỹ vừa gửi công thư lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc chính thức phản đối những yêu sách phi lý và hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời đề nghị chuyển công hàm cho tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam nên tranh thủ cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 để vận động các nước đưa nội dung này vào cuộc họp của ICAO và cả cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp tới. Một số nhà quan sát cho rằng việc Mỹ gửi công thư lên Liên hợp quốc phản đối Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông là nhằm tạo khung pháp lý để đáp trả những hành động quá khích của Trung Quốc trong tương lai, bao gồm cả việc lập ADIZ.

Hiện bà Liễu Phương – người Trung Quốc – đang là Tổng thư ký của ICAO nên sẽ khó khăn cho Việt Nam khi đưa ra nội dung này trong khuôn khổ ICAO. Tuy nhiên, cách hành xử của Bắc Kinh liên quan vấn đề đại dịch Covid-19, nhất là việc Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để gây hấn ở Biển Đông gần đây đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu đi và bị cộng đồng quốc tế lên án. Chắc chắn việc đưa vấn đề ngăn chặn Trung Quốc lập ADIZ ra các cuộc họp của ICAO hay Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều nước.

Ba là, tăng cường giao lưu không quân với các nước, đặc biệt là Mỹ. Những năm gần đây, Việt Nam đã làm khá tốt “ngoại giao hải quân” với việc đón tiếp nhiều tàu chiến Mỹ, đặc biệt là có cả một số tàu sân bay. Theo một số nguồn tin, Mỹ muốn cho máy bay P8 hạ cánh ở một số sân bay của Việt Nam để giao lưu. Việc cho các máy bay quân sự tối tân của Mỹ giao lưu trong vùng trời khu vực Biển Đông cũng tạo ra khả năng răn đe tốt đối với Trung Quốc, góp phần thách thức tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới