Sunday, December 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaIndonesia thể hiện thái độ kiên quyết cứng rắn trên vấn đề...

Indonesia thể hiện thái độ kiên quyết cứng rắn trên vấn đề Biển Đông

Indonesia không phải là bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song do những hoạt động khiêu khích của Trung Quốc nhằm vào Indonesia hồi cuối tháng 12/2019 và đầu tháng 1/2020 (Trung Quốc cho tàu hải cảnh hỗ trợ tàu cá Trung Quốc xâm nhập đánh bắt trái phép trong vùng biển xung quan khu vực quần đảo Natuna của Philippines), nhất là những hành động gây hấn của Trung Quốc giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành đã khiến Indonesia tỏ thái độ kiên quyết và cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông.

Ngày 26/5/2020, Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên hợp quốc gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc công hàm số 126/POL-703/V/2020 nêu rõ quan điểm của Indonesia trên vấn đề Biển Đông. Công hàm của Indonesia đề cập đến 3 công hàm trước đó của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc. Nội dung công hàm của Indonesia có những điểm chính sau:

(i) Indonesia tái khẳng định một lần nữa rằng Indonesia không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ Biển Đông; (ii) Indonesia lưu ý rằng lập trường của mình liên quan tới quyền được có trên biển của các thực thể trên biển được phản ánh trong công hàm năm 2010 của Indonesia và đã được công nhận bởi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc; (iii) Indonesia nhấn mạnh bản đồ “đường lưỡi bò” ngầm thể hiện yêu sách chủ quyền lịch sử là rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và mang mức độ nghiêm trọng tương đương với việc vi phạm UNCLOS. 

Công hàm nêu rõ quan điểm trên của Indonesia đã được công nhận bởi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài rằng bất kỳ quyền lịch sử nào Trung Quốc có thể có đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật đều bị bác bỏ bởi giới hạn về vùng biển xác định theo UNCLOS; đồng thời khẳng định dưới tư cách một quốc gia tham gia UNCLOS, Indonesia nhất quán trong việc kêu gọi cho một sự tuân thủ đầy đủ đối với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia gửi công hàm lên Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông. Nhưng điểm mới nhất trong công hàm lần này là Indonesia chính thức khẳng định giá trị phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông sau gần 4 năm. Đây cũng là lần đầu tiên một nước láng giềng của Philippines trong khối ASEAN đứng lên thể hiện rõ sự ủng hộ và tôn trọng đối với chiến thắng của Manila trong vụ kiện chống lại Trung Quốc.

Từ trước tới nay, chính sách Biển Đông của Indonesia vốn bắt nguồn từ sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài giúp củng cố hơn nữa lập trường này của Indonesia. Ngay sau phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài, Thứ trưởng Hàng hải Indonesia Havas Oegroseno lúc bấy giờ đã từng nhấn mạnh phán quyết là đã trở thành một trong những căn cứ để Indonesia công bố bản đồ quốc gia mới vào tháng 7/2017.

Trong thời gian qua, hàng loạt thuật ngữ như “quyền đánh bắt truyền thống” hay “quyền tài phán tại các vùng biển liên quan” liên tục được Trung Quốc sử dụng để hợp pháp hóa các đòi hỏi vô lý của Trung Quốc tại khu vực bao trùm cả Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia. Điều này buộc Indonesia phải đề cập đến phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài La Haye trong các tuyên bố công khai và các kháng nghị ngoại giao hồi đầu năm nay sau khi một nhóm tàu đánh cá của Trung Quốc, được các tàu tuần duyên hộ tống, đánh bắt cá trái phép trong EEZ của Indonesia tại khu vực phía Bắc quần đảo Natuna.

Các chuyên gia phân tích quốc tế đều đánh giá cao việc Indonesia đề cao giá trị pháp lý phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài La Haye. Ông Gregory Poling, chuyên gia Mỹ về luật biển cho rằng thông điệp được Indonesia đưa ra trong công hàm gửi Liên hợp quốc hôm 26/5/2020 là “một quả bom ngoại giao”. Còn Tiến sĩ Piotr Tsvetov, chuyên gia Nga về Biển Đông thì coi những thông điệp trong công hàm của Indonesia là “loại hình vũ khí ngoại giao khá nhẹ nhàng; với bản thông điệp đó, Jakarta vừa ném đá vào khu vườn chính sách đối ngoại của Trung Quốc”.

Nhằm phản hồi công hàm ngày 26/5/2020 Indonesia gửi lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, Trung Quốc đưa ra đề nghị đàm phán với Indonesia nhưng đã bị bác bỏ thẳng thừng. Trong văn bản gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc hôm 02/6/2020, Trung Quốc thừa nhận, Indonesia và Trung Quốc không có tranh chấp lãnh thổ, tuy nhiên hai nước có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở một vài khu vực trên Biển Đông;phía Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các yêu sách chủ quyền chồng chéo thông qua đàm phán với Indonesia.

Trước đề nghị đàm phán của Trung Quốc, ngày 05/6/2020, ông Damos Agusman, Tổng Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố: “dựa trên UNCLOS, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc nên không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về phân định ranh giới trên biển”.

Ông Damos Agusman nhấn mạnh rằng, trong Tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Indonesia vào đầu tháng 1/2020, Indonesia đã khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã bác bỏ thuật ngữ về “vùng biển liên quan” của Trung Quốc, một khái niệm không có trong luật pháp quốc tế.

Trong một cuộc họp báo tại Jakarta ngày 05/6/2020, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi tái khẳng định quan điểm nhất quán của Indonesia về vấn đề Biển Đông và với các yêu sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới EEZ của nước này; nhấn mạnh, Indonesia tuân thủ UNCLOS, Công ước đã có 168 quốc gia thành viên đã tham gia, bao gồm cả Trung Quốc.

Nhằm thực hiện mục tiêu thống trị, độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật biến khu vực không tranh chấp của các nước láng giềng ven Biển Đông thành khu vực tranh chấp. Sau khi sử dụng chiêu thức này đối với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, giờ là lúc họ áp dụng biện pháp này đối với Indonesia.

Lời đề nghị “đàm phán” của Trung Quốc tỏ vẻ rất “thiện chí”, song chứa đựng một âm mưu, thủ đoạn rất sảo quyệt. Họ đang biến những vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS hoàn toàn không có tranh chấp của các nước ven Biển Đông thành những khu vực tranh chấp để đòi “cùng khai thác” theo yêu cầu của Trung Quốc.

Indonesia hết sức tỉnh táo và nhận thức rõ thủ đoạn xảo quyệt này của Bắc Kinh nên đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị đàm phán của Bắc Kinh. Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng lời kêu gọi đàm phán của Trung Quốc là phi lý bởi lẽ những tuyên bố của Indonesia là dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi những yêu sách của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và Indonesia không có lý do gì phải đàm phán với Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, các nước Malaysia, Philippines và Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách phi lý và lên án những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Với việc gửi công hàm lên Liên hợp quốc hôm 26/5 và bác bỏ lời đề nghị đàm phán của Trung Quốc, Indonesia cũng đã bước vào hàng ngũ các nước phản kháng tích cực trên vấn đề Biển Đông. Đây là một dấu hiệu tốt cho việc chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông vì Indonesia là một nước lớn có tiếng nói quan trọng trong ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới