Một số chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông thống nhất cho rằng Trung Quốc đã tập hợp đủ nguồn lực để lập ADIZ ở Biển Đông, tuy nhiên nếu Trung Quốc tuyên bố sẽ ngay lập tức gây ra phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế, khu vực và các nước lớn khác khó có thể chấp nhận.
Qua nghiên cứu chiến lược, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy, Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập Vùng Nhận dạng Phòng không – ADIZ trên Biển Đông từ 2010 và chỉ chờ cơ hội tuyên bố. ADIZ dự kiến bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cùng quần đảo Đông Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát. Năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh và Tokyo tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Trung Quốc đã bị Nhật, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới chỉ trích quyết liệt.
Nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông và những hành động trên thực địa của Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, cho thấy, Trung Quốc thể hiện ngày một rõ ý định công bố ADIZ ở Biển Đông, sau nhiều năm xây dựng chiến lược và thảo luận.
Những nhân tố cơ bản để Bắc Kinh xúc tiến kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông
Điều kiện đầu tiên để Trung Quốc tuyên bố ADIZ là có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết ở các đảo nhân tạo. Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – PLAAF và Hải quân Trung Quốc – PLAN đã có hoặc sẵn sàng triển khai thiết bị và nhân lực để kiểm soát ADIZ, dù chỉ ở mức độ giới hạn. PLAAF đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các nhiệm vụ, từ bảo vệ không phận thuộc lãnh thổ sang các hoạt động tấn công và phòng thủ. Lực lượng này cũng liên tiếp tăng cường năng lực cảnh báo sớm chiến lược, không kích và lập kế hoạch chiến lược. Một loạt trang thiết bị hiện đại được liệt kê gồm oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ J-20, J-10, J-16, phi cơ Y-20, máy bay cảnh báo KJ-500 v.v… Với PLAN, nguồn ngân sách khổng lồ giúp lực lượng này dần từ bỏ chiến lược phòng thủ ven bờ và hướng tới xây dựng lực lượng biển xanh có phạm vi hoạt động ngày càng lớn. Sau khi biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc đã đưa Sơn Đông, tàu sân bay nội địa đầu tiên vào diễn tập vào tháng 5/2020. PLAN có kế hoạch sở hữu 4 – 6 tàu sân bay. Ngoài ra, thời gian qua, Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng như nhà chứa máy bay, đường băng ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Đây là những bãi đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Với các hệ thống hạ tầng này, Bắc Kinh có thể điều động các loại máy bay tiêm kích J-11, J-15 đến 3 bãi đá trên. Bên cạnh đó, máy bay J-10 và J-11 cũng từng hiện diện ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Khi triển khai các loại máy bay tiêm kích J-10, J-11 hay J-15 ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa thì Bắc Kinh có thể hình thành mạng lưới máy bay tiêm kích có tầm bay bao quát toàn bộ Biển Đông để kiểm soát ADIZ. Bên cạnh lực lượng máy bay tiêm kích, ở đảo Phú Lâm và các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn còn có các hệ thống tên lửa HQ-9 do Bắc Kinh triển khai. Được xem là hệ thống tên lửa phòng không S-300 phiên bản Trung Quốc, HQ-9 có tầm bắn khoảng 250 km với tốc độ tối đa gấp 4 lần vận tốc âm thanh. Hệ thống HQ-9 cho phép theo dõi và tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu, và có tầm bắn lên đến hơn 200 km. Đây được coi là hạt nhân trong các nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của PLAN nhằm cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng với hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương cũng như trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, Bắc Kinh có đủ nguồn lực lập ADIZ do nước này đã quân sự hoá các đảo nhân tạo ở quy mô lớn, một số được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không và các tổ hợp sân bay lớn. PLAAF cũng triển khai ngắn hạn chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm. Bắc Kinh có thể tuyên bố ADIZ nếu thấy cần thể hiện rằng Trung Quốc không hài lòng về cách hành xử của các nước cùng có tranh chấp. Do vậy, Bắc Kinh sẽ tăng cường điều chiến đấu cơ đến các đảo đá nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong tương lai gần để triển khai ADIZ.
Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng hơn, không chỉ ở Biển Đông, mà còn trong vấn đề với Đài Loan, Hong Kong và khu vực biên giới giáp với Ấn Độ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể cảm thấy đây là lúc dùng sức mạnh quân sự để thúc đẩy các yêu sách của Bắc Kinh. Trung Quốc gần đây gia tăng áp lực với Đài Loan, đe dọa Đài Bắc sẽ phải trả giá nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Bên cạnh các tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo, Trung Quốc còn tiến hành các cuộc diễn tập không quân, hải quân quy mô lớn xung quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế như tiêm kích đa năng Su-35S, máy bay tàng hình J-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và tàu sân bay Liêu Ninh. Trung Quốc cuối tháng 5/2020 đã thông qua luật an ninh Hong Kong, tuyên bố nhằm giúp duy trì vững chắc chính sách một quốc gia, hai chế độ cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Hong Kong. Luật cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố. Cuộc đối đầu giữa lực lượng biên phòng Trung Quốc với Ấn Độ ở vùng Ladakh từ đầu tháng 5/2020 đến nay vẫn căng thẳng, dù hai bên đều tuyên bố quyết tâm giải quyết bất đồng thông qua kênh đối thoại quân sự và ngoại giao. Quân đội Trung Quốc ngày 01/6/2020 tăng cường lực lượng dự bị tại các căn cứ gần Đường Kiểm soát Thực tế – LAC giáp vùng Ladakh ở miền bắc Ấn Độ. Bắc Kinh triển khai nhiều hệ thống pháo binh, xe chiến đấu bộ binh và trang thiết bị quân sự hạng nặng. Để đối phó, quân đội Ấn Độ cũng điều thêm binh sĩ và pháo binh đến gần LAC, trong khi không quân liên tục triển khai máy bay giám sát khu vực.
Trung Quốc lợi dụng tình hình ở Mỹ. Khi bị phân tâm và chia rẽ do Covid-19 và biểu tình, Washington ít có khả năng thực hiện hành động phản đối đáng kể nào. Bắc Kinh có thể cho rằng Washington sẽ phàn nàn về ADIZ ở Biển Đông nhưng quan hệ hai bên sẽ không xấu hơn được mức hiện nay. Mỹ đang phải đối phó khủng hoảng kép khi tình hình dịch bệnh chưa được cải thiện, có trên 1,7 triệu ca nhiễm hơn 100.000 người chết tính đến ngày 3/6/2020, người dân ở khắp nước Mỹ xuống đường biểu tìnhđể phản đối vụ một người da màu bị cảnh sát ghì chết. Với những bất đồng về Covid-19, vấn đề Hong Kong, Đài Loan, quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc các thế lực chính trị ở Washington đẩy quan hệ với Bắc Kinh đến bờ vực Chiến tranh Lạnh, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên tìm cách thay đổi Trung Quốc.
Việc lập ADIZ phù hợp với tuyên bố của các quan chức thuộc Hạm đội Nam Hải công bố trên tạp chí của PLAN năm 2017. Theo đó, họ cho rằng PLAN nên tiếp cận các cuộc chiến theo hướng bền bỉ, kiên nhẫn; dùng mặt trận dân sự làm tiền tuyến và kiềm chế không nổ súng trước. Theo cách gọi của Mỹ, đây là kiểu chiến tranh vùng xám Trung Quốc đã áp dụng ở Biển Đông một thập kỷ nay.
Có một số dự báo rằng Trung Quốc muốn chiếm quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát vào tháng 10/2020, do đó việc lập ADIZ sẽ hỗ trợ kế hoạch này. Bắc Kinh có thể không cho các nước đi vào ADIZ vì lý do an toàn và chặn đường tiếp cận Đông Sa từ phía nam. Có thể Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông vào đầu tháng 8/2020, nhân ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân PLA. Trung Quốc dự kiến tập trận đổ bộ vào tháng 8/2020 ngoài khơi đảo Hải Nam, mục tiêu giả định của cuộc tập trận là quần đảo Đông Sa, nằm ở phía Đông Bắc Biển Đông, hiện do lực lượng phòng vệ Đài Loan kiểm soát. Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ, đơn vị phụ trách tác chiến trên Biển Đông, được cho là sẽ triển khai lực lượng với quy mô lớn chưa từng có, bao gồm tàu đổ bộ, trực thăng, tàu đổ bộ đệm khí và hải quân đánh bộ. Đông Sa là địa điểm có vai trò quan trọng chiến lược với tham vọng mở rộng hoạt động của Bắc Kinh, do quần đảo Đông Sa nằm trên tuyến di chuyển của lực lượng hải quân Trung Quốc đóng tại đảo Hải Nam ra Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cho thấy thời điểm Trung Quốc công bố ADIZ ở Biển Đông có thể phụ thuộc vào tranh luận trong nội bộ của nước này, tính toán của Bắc Kinh về lộ trình, năng lực quân sự, các yếu tố chính trị. Trung Quốc cũng có thể lợi dụng hành động nào đó của nước khác làm cái cớ để tuyên bố ADIZ. Trung Quốc từng biến tính toán sai của nước khác thành lợi thế của mình.
Các hệ quả khi Trung Quốc lập ADIZ
Bắc Kinh sẽ theo dõi được máy bay, kể cả dân sự và quân sự, của các nước đi qua Biển Đông, với hệ thống radar có tầm quan trắc lớn và các chiến đấu cơ ở các đảo nhân tạo. Dù ADIZ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của một số nước ASEAN cùng có tranh chấp với Trung Quốc, Bắc Kinh âm mưu buộc các nước này dần chấp nhận Bắc Kinh sở hữu không phận trên thực tế. Tuyên bố ADIZ là động thái khiêu khích của Trung Quốc khi yêu sách của họ không được công nhận ở khu vực này.
Trung Quốc muốn có căn cứ pháp lý cho các yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, khi yêu cầu các nước báo cáo về các máy bay đi qua Biển Đông. Trung Quốc không chỉ đi ngược lại phán quyết năm 2016 do Tòa trọng tài thường trực – PCA đưa ra, về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, mà còn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước khác ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ sẽ gây ra nguy cơ xung đột khi các nước không chấp nhận phải báo cáo với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, xu hướng quân sự hoá ở Biển Đông cũng có thể gia tăng, khi các nước trong và ngoài khu vực tăng cường hiện diện quân sự và hợp tác nâng cao năng lực trên biển.
Nhiều nước sẽ quan ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước. Trung Quốc có thể trở nên quyết đoán hơn trong yêu sách ở Biển Đông. So sánh với ADIZ ở Hoa Đông, vùng nhận dạng ở Biển Đông sẽ khó kiểm soát hơn nhiều lần vì quy mô vùng này lớn hơn Hoa Đông. Trên thực tế, Trung Quốc ít có hành động áp dụng ADIZ ở Hoa Đông, dù tuyên bố từ 2013.
Tuy nhiên, với tham vọng của mình, Trung Quốc sẽ không từ hành động nào để từng bước kiểm soát Biển Đông. Vì vậy, để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, trước hết các nước cần chuẩn bị phương án đối phó và cho Bắc Kinh thấy hậu quả của việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không.