Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCSIS: Ảnh hưởng của TQ tại Đông Nam Á gia tăng, dự...

CSIS: Ảnh hưởng của TQ tại Đông Nam Á gia tăng, dự đoán sẽ vượt Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đang phải cố bắt kịp ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại Đông Nam Á, và khoảng cách này dự kiến sẽ ngày càng lớn hơn trong thập kỷ tới, theo CSIS.

Báo cáo của nhóm chuyên gia cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, dựa trên cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái – trước khi virus corona xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc, và lan rộng trên toàn cầu.

Cuộc khảo nói trên nhắm vào các chuyên gia phi chính phủ ở khắp Đông Nam Á và những người có quan hệ quốc tế. Tổng cộng, 188 chuyên gia như vậy từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đã trả lời khảo sát.

”Kết quả của cuộc khảo sát vẽ ra bức tranh về ảnh hưởng rõ rệt của Trung Quốc ở Đông Nam Á, cũng như quan điểm phức tạp và khác biệt của các nước trong vùng về Trung Quốc, và mối quan ngại sâu sắc về cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, cũng như tác động của nó đối với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),” theo báo cáo của CSIS, công bố hôm thứ Tư.

Báo cáo được đưa ra khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang leo thang hơn nữa. Hai gã khổng lồ kinh tế đã tranh cãi về một loạt các vấn đề, bao gồm việc Trung Quốc xử lý đại dịch virus corona và sự siết chặt của Bắc Kinh đối với Hong Kong, một lãnh thổ Trung Quốc bán tự trị, có mối quan hệ thương mại đặc biệt với Hoa Kỳ.

Các tác giả của báo cáo cho biết đại dịch virus corona có thể đã ảnh hưởng sự chuyển đổi ở Đông Nam Á và cách người tham gia cuộc thăm dò ý kiến suy nghĩ về các vấn đề được đề cập trong cuộc khảo sát. Tuy nhiên, báo cáo đưa ra một cơ sở so sánh để đánh giá các xu hướng trong khu vực sau đại dịch, các tác giả cho biết.

Dưới đây là một số điều cuộc khảo sát rút ra:

Về quyền lực chính trị hiện giờ, khoảng 94,5% người tham dự nói Trung Quốc là một trong ba quốc gia có quyền lực và ảnh hưởng chính trị nhất ở Đông Nam Á hiện nay, trong khi 92% chọn Hoa Kỳ là một trong những quốc gia như vậy;

Nhưng khi được hỏi về quyền lực chính trị trong 10 năm tới, 94,5% trả lời rằng Trung Quốc là một trong ba quốc gia sẽ nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng chính trị nhất trong khu vực 10 năm kể từ giờ, so với chỉ 77% chọn Hoa Kỳ;

Về sức mạnh kinh tế ngày nay: 98% số người được hỏi nói Trung Quốc là một trong ba quốc gia nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng kinh tế nhất ở Đông Nam Á hiện nay, trong khi 70,6% nói như thế về Hoa Kỳ.

Trong khi đó, được hỏi về sức mạnh kinh tế trong 10 năm tới: Khoảng 96% xếp Trung Quốc là một trong ba quốc gia có sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế nhất trong khu vực 10 năm kể từ giờ, so với chỉ 56,7% chọn Hoa Kỳ;

Tương lai chính trị của Trung Quốc: Những chuyên gia từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia là những người lạc quan nhất về sức mạnh và ảnh hưởng chính trị trong tương lai của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc hơi vượt Hoa Kỳ về ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á, những người được hỏi có nhận thức khác nhau về Bắc Kinh. Đa số, 53%, cho rằng vai trò của Trung Quốc trong khu vực ”rất có lợi hay hơi có lợi,” cho khu vực so với 46% cho rằng ”hơi bất lợi hoặc rất bất lợi.”

Singapore dẫn đầu với tỷ lệ cao nhất trong số những người được hỏi cho là Trung Quốc có lợi cho khu vực, tiếp theo là Malaysia. Đáng chú ý, những người được hỏi từ Việt Nam và Philippines – hai quốc gia có tranh chấp lãnh thổ hàng hải quan trọng nhất với Trung Quốc – có cái nhìn tiêu cực nhất về vai trò của Bắc Kinh tại Đông Nam Á, theo báo cáo của CSIS.

Tầm quan trọng chiến lược của Đông Nam Á

Kết quả khảo sát của CSIS lặp lại kết quả của các cuộc điều tra khác gần đây.

Một cuộc khảo sát tương tự được công bố vào đầu năm nay bởi viện ISEAS-Yusof Ishak Institute của Singapore cũng cho thấy Trung Quốc là cường quốc kinh tế và chính trị có ảnh hưởng nhất trong khu vực.

Nhưng phần lớn những người tham gia cuộc khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak – những người thuộc cả khu vực công và tư nhân – tỏ ra lo lắng về ảnh hưởng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực. Đồng thời, hầu hết cũng quan sát rằng sự tham gia của Hoa Kỳ với Đông Nam Á đã giảm xuống dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Đông Nam Á là nơi sinh sống của hơn 650 triệu người và một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Vị trí gần với Biển Đông – một tuyến vận chuyển thương mại quan trọng, nơi hàng nghìn tỷ đôla thương mại của thế giới đi qua – làm tăng thêm tầm quan trọng chiến lược của khu vực.

Hoa Kỳ trong nhiều năm có sự hiện diện quan trọng trong khu vực thông qua nhiều cam kết cả về kinh tế lẫn an ninh. Nhưng kể từ khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017, Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – một hiệp ước thương mại lớn bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á – và các quan chức chính phủ hàng đầu của Mỹ đã vắng mặt tại một số hội nghị thượng đỉnh quan trọng trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới