Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTăng cường hợp tác Ấn Độ - Australia là nhân tố quan...

Tăng cường hợp tác Ấn Độ – Australia là nhân tố quan trọng cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông

Ngày 04/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiến hành cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến do Thủ tướng Australia Scott Morrison không thể thực hiện chuyến thăm Ấn Độ trong bối cảnh bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc với những hành động hung hăng trên Biển Đông và lan rộng ra khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương đã trở thành một mối quan ngại cho cả Ấn Độ và Australia. Trong khi Ấn Độ lo ngại về các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và sự hiện diện ngày càng tăng của nước này ở Ấn Độ Dương thì Australia lo ngại Trung Quốc thông qua “vành đai con đường” tăng cường hiện diện quân sự, mở rộng ảnh hưởng ở các quốc đảo nhỏ Tây Thái Bình Dương – khu vực sân sau của Australia lâu nay. Cả Ấn Độ và Australia đều không muốn thấy sự xuất hiện của một trật tự do Trung Quốc lãnh đạo ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đây chính là yếu tố thúc đẩy sự gắn kết giữa Ấn Độ và Australia.

Ấn Độ và Australia đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược kể từ năm 2009, và mối quan hệ chiến lược song phương này luôn phát triển ổn định cho đến nay. Hai nước đã có sự trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao kể từ năm 2014. Một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược là việc thông qua dự luật chuyển giao hạt nhân dân sự sang Ấn Độ của Lưỡng viện Australia vào tháng 11/2016.

Virus corona xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan ra toàn cầu đẩy cả thế giới vào thảm họa và cả Ấn Độ lẫn Australia đều trở thành nạn nhân của đại dịch; tiếp theo là việc Trung Quốc lợi dụng trong lúc các nước đang bận đối phó với dịch bệnh để hung hăng, dồn dập tiến hành các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ và Australia càng thấy cần phải gia tăng hợp tác để ứng phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Sự gia tăng hợp tác giữa Ấn Độ và Australia là nhân tố hết sức quan trọng cho việc duy trì hòa bình ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông bởi lẽ:

Một là, cả Ấn Độ và Australia đều có lợi ích lớn trong việc duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông và tuyến đường hàng hải quan trọng qua Biển Đông, nơi ¼ lượng trao đổi hàng hóa toàn thế giới đi qua. Trong thời gian qua, cả Australia và Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng ở Biển Đông, nhiều lần tàu chiến của Australia và Ấn Độ tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông. Australia và Ấn Độ đã cùng với Mỹ, Nhật hoặc một số nước ven Biển Đông tiến hành diễn tập song phương hoặc đa phương ở Biển Đông. Đây là những yếu tố thuận lợi để hai nước tiếp tục phát huy vai trò ở Biển Đông khi tăng cường hợp tác với nhau. Gần đây nhất, Australia đã cử tàu chiến đến cùng 3 tàu chiến Mỹ tiến hành diễn tập ở Biển Đông gần khu vực mà tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 và nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc đang gây hấn, uy hiếp hoạt động dầu khí của Malaysia.

Hai là, cả Ấn Độ và Australia có quan hệ hợp tác chăt chẽ với các nước ven Biển Đông nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, đều là đối tác quan trọng của ASEAN. Cả hai nước đều tích cực tham gia các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +); Diễn đàn an ninh khu vực ARF; Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Tại các diễn đàn này, khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, cả Ấn Độ và Australia đều có chung một quan điểm phê phán những hành vi hung hăng, hiếu chiến, bắt nạt các nước láng giềng. Khi Australia và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh sẽ đóng góp được nhiều hơn cho các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có an ninh ở Biển Đông.

Ba là, cả Ấn Độ và Australia đều đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ủng hộ hòa bình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, phản đối cường quyền; ủng hộ các quốc gia ven biển thực thi những quyền lợi trong các vùng biển hợp pháp được xác định theo UNCLOS 1982; ủng hộ việc duy trì cục diện dựa trên pháp luật ở Biển Đông; lên án, phản đối những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế. Hai nước đều ủng hộ, kêu gọi các bên tuân thủ và thực thi phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông; ủng hộ việc sử dụng các biện pháp pháp lý giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, trong đó phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là một án lệ quan trọng.

Bốn là, Ấn Độ và Australia là 2 trong số “Bộ tứ kim cương” (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở do Mỹ phát động. Ấn Độ và Australia không chỉ chia sẻ những giá trị chung trong quan hệ song phương mà còn có những lợi ích chiến lược tương đồng từ các sáng kiến kết nối khu vực. Hai quốc gia đều nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy hòa bình, trật tự và ổn định, bảo đảm an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; nhấn mạnh các mục tiêu chung về hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ và Australia đã thiết lập các cơ chế đối thoại như cuộc đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng (đối thoại “2+2”), các cuộc gặp ba bên với Nhật Bản và Mỹ, và cả Nhóm “Bộ tứ kim cương”. Sự hợp tác giữa New Delhi và Canberra, hai mắt xích quan trọng của các sáng kiến kết nối khu vực, sẽ góp phần thiết thực cho sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà trong đó Biển Đông luôn có một vị trí quan trọng.

Năm là, Ấn Độ và Australia đều nhận thức sâu sắc rằng họ sẽ không được hưởng lợi từ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nếu Trung Quốc “thống trị”; có mối lo ngại chung về sự phát triển của Trung Quốc và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đại Hán với mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình sẽ là mối hiểm họa cho nhân loại, đe dọa hòa bình, ổn định của thế giới; phản đối mưu toan thôn tính độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ấn Độ – Australia cũng có nhiều lợi ích từ việc chia sẻ các đánh giá chiến lược và thông tin tình báo về hành vi của Bắc Kinh. Do vậy, phát triển khả năng tương tác giữa Ấn Độ và Australia, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chiến tranh chống tàu ngầm và hợp tác để cạnh tranh tốt hơn với các dự án kết nối và cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ “Vành đai, con đường” hay “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc là điều cần thiết để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng, hiếu chiến trên biển.

Trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc ngày càng xấu đi trong con mắt cộng đồng quốc tế vì những hành vi đê tiện của họ giữa lúc đại dịch (hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông, cấm vận hàng hóa nông sản Australia, khuyên khách du lịch và học sinh Trung Quốc không đến Australia, đưa vũ khí, quân đội lên biên giới Trung – Ấn uy hiếp), Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Australia trở thành điểm sáng với những thỏa thuận mang nghĩa lịch sử đối với khu vực và Biển Đông, cụ thể là:

Sau Hội nghị trực tuyến, hai bên đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần chung Ấn Độ – Australia và Thỏa thuận triển khai công nghệ và khoa học quốc phòng. Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc phòng bằng việc mở rộng quy mô và nâng cao độ phức tạp của các cuộc tập trận quân sự và các hoạt động hợp tác khác để phát triển những cách thức mới đối phó các thách thức an ninh chung. Cả hai bên nhất trí tăng cường khả năng phối hợp tác chiến quân sự thông qua các cuộc tập trận phòng thủ trong khuôn khổ thỏa thuận Hỗ trợ hậu cần tương hỗ.

Tuyên bố chung sau hội nghị nhấn mạnh, cả hai nước “cùng chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, toàn diện và tôn trọng luật pháp, để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như các hoạt động sử dụng vùng biển một cách hòa bình và hợp tác”. Theo các thỏa thuận trên, hai nước cam kết củng cố hơn nữa hội nhập quân sự thông qua các cuộc diễn tập chung và cấp phép trong việc thăm viếng các căn cứ để phục vụ hỗ trợ hậu cần. Các thỏa thuận được ký kết và Tuyên bố chung sau hội nghị trực tuyến được coi là “bước đầu tiên trong lộ trình củng cố quan hệ quốc phòng” cũng như cam kết nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Trong bối cảnh căng thẳng quân sự trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông, những động thái mới tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và Australia, nhất là hợp tác quân sự trên biển trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước giúp cả Ấn Độ và Australia phát huy vai trò ngày càng lớn hơn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Narendra Modi tiến hành một cuộc họp song phương trực tuyến với lãnh đạo các nước với những kết quả cụ thể tích cực. Điều này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Ấn Độ trong việc củng cố quan hệ với Australia và trong việc triển khai chính sách hướng Đông của Ấn Độ với phạm vi mở rộng đến Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, Thủ tướng Scott Morrison đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông và trong khu vực.

Với vị thế của hai nước lớn trong khu vực, sự tăng cường, củng cố quan hệ giữa Ấn Độ – Australia không chỉ quan trọng với hai quốc gia mà còn có ý nghĩa với cả khu vực và trở thành nhân tố hết sức quan trọng cho việc duy trì hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới