Công bố chiến lược không gian quốc phòng đầu tiên ngày 17-6, Bộ Quốc phòng Mỹ xác định Nga và Trung Quốc là hai đối thủ chính khi ‘vũ trang hóa vũ trụ’, ‘thách thức quyền tự do hoạt động trong không gian’ của Mỹ.
Đây là chiến lược vũ trụ đầu tiên của Mỹ được công bố kể từ khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh thành lập Lực lượng không gian – quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ.
Tài liệu được Lầu Năm Góc công bố gọi Nga và Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Mỹ” khi liên tục phát triển, thử nghiệm và triển khai các hệ thống chống vệ tinh ngoài không gian.
“Trung Quốc và Nga đều đang vũ trang hóa vũ trụ như một cách để kiềm tỏa năng lực quân sự của Mỹ và đồng minh, thách thức quyền tự do hoạt động trong không gian của nước Mỹ”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh đang đổ hàng tỉ USD vào không gian và ồ ạt đưa vệ tinh lên vũ trụ. Năm 2007, Trung Quốc đã sử dụng một tên lửa đất đối không để bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo. Trong khi đó, Nga đang có kế hoạch đưa tên lửa đẩy hạng nặng Angara vào hoạt động trước cuối năm nay song song với việc phát triển tên lửa xuyên lục địa thế hệ mới có tên Sarmat.
Một viễn cảnh được nhắc đến trong chiến lược là các đối thủ của Mỹ sẽ đưa vũ khí hạt nhân ra ngoài vũ trụ. Việc kích nổ một quả bom hạt nhân ngoài không gian có thể dẫn đến việc phá hủy hoàn toàn mạch điện các vệ tinh gần trung tâm vụ nổ.
Chiến lược vũ trụ đầu tiên của Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh để đối phó lại các thách thức từ Nga, Trung Quốc và duy trì ưu thế trong không gian. Đáng chú ý, tài liệu có đoạn cam kết Mỹ sẽ “chia sẻ gánh nặng với các nước đồng minh và đối tác”.
Ưu tiên trước mắt, theo Lầu Năm Góc, là bảo vệ các vệ tinh thuộc hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Không chỉ quân đội Mỹ, các dịch vụ khẩn cấp, vận tải và tài chính đều phụ thuộc vào những vệ tinh này.
Mỹ đang cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga. Hồi tháng trước, tàu vũ trụ Crew Dragon của Tập đoàn SpaceX đã đưa hai phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế (ISS) thành công, chấm dứt một thập kỷ Mỹ phụ thuộc vào tàu vũ trụ Nga nếu muốn đưa người lên ISS.
Trước tham vọng xây dựng cứ địa trên Mặt trăng của Trung Quốc, Washington cũng lên kế hoạch đưa người trở lại Mặt trăng trước năm 2024 và xa hơn là sao Hỏa.