Quyết định của tổng thống Philippines mới đây về việc hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận lực lượng viếng thăm Philippines – Mỹ (VFA) dường như là sự đảo ngược 180 độ đầy bất ngờ. Giới chuyên gia cho rằng có ‘yếu tố Trung Quốc’.
Theo báo The Straits Times, có hai yếu tố đã ngăn cản ông Rodrigo Duterte hiện thực hóa những lời đe dọa mà ông nhiều lần đưa ra đối với liên minh Philippines – Mỹ: các mối quan hệ thể chế sâu sắc giữa bộ máy quốc phòng của Washington và Manila, cũng như mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu do sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra, đặc biệt là ở Biển Đông.
Ông Duterte đã đơn phương khởi xướng chấm dứt VFA hồi tháng 2 vừa qua. Kết quả là khả năng gián đoạn của hơn 100 hoạt động tập trận chung giữa Mỹ và Philippines chỉ riêng trong năm nay và sự tê liệt trong hợp tác an ninh song phương nói chung.
Xét cho cùng, VFA đem lại khuôn khổ pháp lý cho binh sĩ Mỹ hiện diện với số lượng lớn và quyền tiếp cận luân phiên tới các căn cứ then chốt trên toàn nước Philippines.
Như bộ trưởng tư pháp Philippines đã cảnh báo, việc chấm dứt VFA có thể khiến liên minh quân sự này trên thực tế trở nên “vô dụng”. Việc chấm dứt VFA được cho là hoàn tất vào tháng 8 sau tiến trình bãi bỏ 180 ngày.
Tuy nhiên, vào ngày 2-6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã tuyên bố rằng theo “chỉ thị của tổng thống”, trước mắt tiến trình chấm dứt VFA sẽ bị đình chỉ.
Ban đầu, Bộ Ngoại giao Philippines đã trích dẫn mơ hồ “những diễn biến chính trị và những diễn biến khác trong khu vực” là cơ sở dẫn đến sự thay đổi chính sách đáng chú ý này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho rằng “một số vấn đề đang xảy ra ngay lúc này ở Biển Đông” có thể đã buộc Tổng thống Duterte phải thay đổi lập trường.
Ngày 11-2, Philippines cho biết đã chính thức thông báo với phía Mỹ về việc chấm dứt VFA giữa quân đội hai nước. Theo đó, việc Philippines rút khỏi thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 180 ngày và không cần sự chấp thuận của Mỹ.
Được ký năm 1998, VFA được coi là khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines và cho phép hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung thường niên cũng như hỗ trợ nhân đạo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định việc chấm dứt VFA với ông là “bình thường” và sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ.
Binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung – Ảnh: AFP
Ngày 12-6, theo báo Asia Times, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana nhân Ngày độc lập của Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đánh giá cao sự thay đổi quyết định của Manila, đồng thời cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh khu vực, gồm cả phát triển vắcxin và phương pháp điều trị COVID-19.
VFA không những có ý nghĩa then chốt đối với sự hợp tác quy mô lớn giữa hai nước chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng nhân đạo và đại dịch COVID-19, mà thỏa thuận này còn là một sự răn đe ngầm đối với hành vi dốc sức xâm chiếm của Trung Quốc bên trong lãnh hải của Philippines.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận hải quân cũng như các cuộc triển khai bán quân sự của nước này nhằm bảo vệ bờ biển trên khắp khu vực Biển Đông.
Trung Quốc không những công bố kế hoạch thành lập hai “khu vực hành chính” mới trên các vùng biển tranh chấp, mà họ còn đâm chìm một tàu cá của Việt Nam và quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trong khu vực này.
Lo ngại trước những hành vi gây hấn thô bạo của Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Philippines đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam sau khi tàu cá của Việt Nam bị các lực lượng của Trung Quốc đâm chìm, đồng thời Bộ Quốc phòng Philippines đã lên án hành vi trước đó của một tàu chiến Trung Quốc khi chĩa súng radar vô cớ và thù địch vào một tàu khu trục của Philippines.
Ngày 2-4, tàu hải cảnh số hiệu 4301 của Trung Quốc đã tấn công đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam khi đang khai thác hải sản tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) với 8 ngư dân trên tàu.
Tổng thống Rodrigo Duterte có thể đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước ông vào Mỹ và tạo dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc gia tăng các hành vi nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu đã khiến bước đi này của ông Duterte không nhận được sự tán thành từ ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất trong khu vực.
Tóm lại, vào thời điểm xảy ra những tình huống bất trắc lớn hiện nay, Tổng thống Duterte, một chính trị gia khôn ngoan và tự xưng là theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, ở một mức độ nào đó vẫn phải cần đến liên minh vốn đã kéo dài cả thế kỷ này với Mỹ.