Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNguyên nhân của cuộc xung đột biên giới Ấn - Trung

Nguyên nhân của cuộc xung đột biên giới Ấn – Trung

Sau hơn 4 thập kỷ xảy ra một cách nhỏ lẻ và rời rạc, các cuộc đụng độ ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ một lần nữa dẫn đến chết người.

Ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ đẫm máu với binh sỹ Trung Quốc ngày 15/6 ở thung lũng Galwan, gần Aksai Chin, một khu vực cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền nhưng hiện do Trung Quốc kiểm soát. Vẫn chưa rõ phía Trung Quốc có binh sỹ nào thiệt mạng hay không.

Hai nước hiện đều đang nỗ lực nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng, dù một số thành phần “hiếu chiến” ở cả 2 bên đều đang kêu gọi cần cứng rắn hơn nữa. Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố đã đưa binh sỹ và vũ khí tới khu vực trong khi Ấn Độ “kín tiếng” về sức mạnh quân sự của nước này tại đây.

Trung Quốc tuyên bố Aksai Chin là một phần của Tân Cương, trong khi Ấn Độ tuyên bố khu vực này là Ladakh. Đây là khu vực lạnh lẽo, không có người ở, quanh năm tuyết phủ và nhiệt độ dưới 0 độ C ngay cả trong mùa hè. Nằm ở trên dãy Himalaya, với độ cao trung bình 4.200 mét – gần gấp đôi độ cao có thể gây bệnh cho con người, đồng nghĩa với việc bất cứ ai ở trong khu vực Aksai Chin cũng sẽ gặp phải các căn bệnh như mệt mỏi, giảm thích nghi khí hậu hoặc bị đau đầu, chóng mặt, nôn mửa.

Độ cao và nhiệt độ đóng băng có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới con số thiệt mạng hôm 15/6 của Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ ban đầu xác nhận 3 người thiệt mạng, nhưng sau đó công bố thêm 17 binh sỹ “bị phơi nhiễm nhiệt độ dưới 0 độ C ở địa hình cao khiến họ không chịu nổi các vết thương”.

Trong một cuốn sách về khu vực này, nhà sử học người Anh Neville Maxwell từng mô tả đây là “vùng đất không có một bóng người và thậm chí cả cây cối”. Dù vậy, Ấn Độ và Trung Quốc đã từng đi đến chiến tranh vì khu vực này năm 1962 khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở cả 2 phía.

Kể từ sau cuộc chiến năm 1962 cho tới trước cuộc đụng độ hôm 15/6, khu vực này đã chứng kiến nhiều cuộc giao tranh rời rạc, nhỏ lẻ giữa lực lượng bảo vệ biên giới 2 bên, kéo theo những tuyên bố gay gắt từ cả Bắc Kinh cũng như New Delhi cáo buộc đối phương tìm cách vượt qua đường biên giới.

Vậy vì sao khu vực này lại quan trọng với cả Trung Quốc và Ấn Độ?

Lãnh thổ tranh chấp

Đường kiểm soát thực tế (LAC), một định nghĩa mơ hồ, được phân định từ cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962.

Như Maxwell viết trong cuốn sách “Chiến tranh Trung Quốc của Ấn Độ” (India’s China War), chủ quyền đối với khu vực Aksai Chin cũng luôn là điều không rõ ràng.

Từ thế kỷ 19, Himalaya đã là tâm điểm của sự đối đầu chính trị, quân sự giữa Nga, Anh và Trung Quốc và cả 3 đều tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực khác nhau trong vùng. Việc phi thực dân hóa chỉ càng đem lại sự khó hiểu và rối rắm, đặc biệt là sau khi Pakistan tách khỏi Ấn Độ.

Aksai Chin là một phần thuộc khu vực Kashmir rộng lớn hơn. Sau cuộc chiến đẫm máu giữa Pakistan và Ấn Độ năm 1947 dẫn tới việc chia tách khu vực này, biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại trở nên mơ hồ.

Ấn Độ tuyên bố Aksai Chin là Ladakh, một vùng lãnh thổ miền núi xa xôi ở phía Đông thung lũng Kashmir. Cho tới cuối năm 2019 khu vực này vẫn là một phần của bang Jammu and Kashmir nằm trong sự kiểm soát của Ấn Độ nhưng có quy chế bán tự trị, một phần của khu vực tranh chấp rộng hơn vốn nằm trong quyền kiểm soát của Ấn Độ sau chiến tranh 1947 với Pakistan.

“Trong khi Ấn Độ thừa nhận cái gọi là ‘đường McMahon’, Trung Quốc lại chưa bao giờ chính thức thừa nhận điều này, mà thay vào đó lại lựa chọn ‘các đường biên giới theo tập quán’ vốn đã tồn tại trước đó giữa những người sống sát cạnh nhau suốt hàng thập kỷ trước”, nhà phân tích Larry Wortzel viết trong một báo cáo quân sự Mỹ,

Điều này tạo nên một hiện trạng không rõ ràng tồn tại cho đến ngày nay, cho dù không bên nào hoàn toàn đồng ý về đường biên giới và vẫn thường xuyên cáo buộc nhau vượt qua biên giới hoặc tìm cách mở rộng lãnh thổ của mình.

Chất xúc tác xung đột

ly giai nguon con xung dot bien gioi trung-an hien nay hinh 2

 

Lý do cho cuộc khủng hoảng hiện nay, theo Harsh V. Pant – giáo sư về quan hệ quốc tế tại King’s College, ở London, Anh, có thể xuất phát một phần từ động thái của Ấn Độ cuối năm 2019 hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với Jammu và Kashmir, và việc chia tách bang cũ của Ấn Độ làm 2 vùng lãnh thổ.

Theo giáo sư Pant, quyết định của Ấn Độ gây khó khăn cho Trung Quốc. “Khu vực này kết nối Trung Quốc tới Pakistan, nơi họ có hành lang kinh tế. Họ đã lo ngại về việc Ấn Độ hủy bỏ quy chế đặc biệt cũng như Ấn Độ đang nhìn nhận Ladakh một cách chiến lược. Họ cũng lo ngại về việc xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Pant nói.

Cuộc khủng hoảng lớn gần đây nhất trong khu vực, liên quan tới lãnh thổ tranh chấp Doklam năm 2017, cũng liên quan tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Trước đó, Trung Quốc thường là bên xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng giờ Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng dọc đường biên giới”, Pant nói thêm.

Bất cứ sự mở rộng nào của Ấn Độ cùng các động thái của New Delhi trong khu vực đều có thể đe dọa mục tiêu địa chiến lược của Trung Quốc ở Trung Á, theo Happymon Jacob, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm chính trị quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi.

“Trung Quốc đã đầu tư hơn 60 tỷ USD vào hành lang kinh tế với Pakistan”, ông nói, đồng thời cho biết thêm, đây là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển và thương mại Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Năm 2019, Ấn Độ đã hoàn tất một con đường mới có thể vận hành trong mọi điều kiện thời tiết, chạy gần tới LAC. Mục đích của con đường này là hỗ trợ binh sỹ dọc biên giới, cho phép họ được tiếp vận bởi tuyến đường từ Daulat Beg Oldi, sân bay cao nhất thế giới (so với mặt nước biển). Đây sẽ là sự trợ giúp quan trọng nếu Ấn Độ có ý định củng cố thêm các vị trí của mình hoặc xây dựng các chốt quân sự trên biên giới.

“Các tín hiệu cho thấy, sự điều động của Trung Quốc gần đây là một phản ứng đối với con đường mới [của Ấn Độ], điều mà họ coi là một sự thay đổi trong hiện trạng ở LAC”, Aidan Milliff, một chuyên gia về bạo lực chính trị và Nam Á tại Viện Kỹ thuật Massachusetts, nói.

“Hiện trạng là điều có thể chịu đựng được đối với cả 2 nước – hoặc ít nhất, sự “khó chịu” của 2 bên đối với hiện trạng cũng không nhiều tới mức họ sẽ chấp nhận cái giá không nhỏ để thay đổi nói”, theo Milliff.

Khó xảy ra xung đột quân sự

Nhiều người lo ngại về việc điều động binh sỹ tiềm tàng ở cả 2 phía. Tuy nhiên, bất cứ cuộc xung đột quân sự nào trong khu vực cũng sẽ đặc biệt khó xảy ra.

Nơi xảy ra cuộc đối đầu mới nhất, thung lũng Galwan, là một cao nguyên tương đối thấp, nơi các binh sỹ có thể di chuyển dễ dàng hơn. Đây cũng là vị trí của cuộc xung đột dẫn đến chiến tranh năm 1962.

Các điều kiện trong mùa đông – lạnh gay gắt và tuyết rơi dày – có thể khiến cho một khu vực như vậy trở nên rất khó tiếp cận, tuy nhiên nó cũng đồng nghĩa với việc điều động quân sự cũng rất khó khăn. Ngay cả trong mùa hè, dù các điều kiện tốt hơn, thì độ cao, thời tiết và nhiệt độ có thể khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn, ngay cả với việc điều động đơn giản hay tiếp vận, chứ chưa nói đến một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.

“Cả Quân đội Ấn Độ và Quân đội Trung Quốc đều nhận thức rõ việc hoạt động ở độ cao trên 4.000 mét có thể làm thay đổi  gần như mọi khía cạnh trong tác chiến. Các binh sỹ sẽ mất nhiều ngày để thích nghi khí hậu ở bất cứ độ cao nào trên 2.400 mét, vì thế tỷ lệ  mà quân tăng viện đến có thể chậm hơn so với tốc độ của các phương tiện vận chuyển của họ”, Milliff, chuyên gia MIT viết trong tác phẩm “Cuộc chiến trên cao độ” (War on the Rocks) đầu tháng này.

Rủi ro của việc di chuyển lên độ cao quá nhanh cũng có thể vô cùng khủng khiếp, ngay cả đối với các binh sỹ trẻ khỏe, như tổn thương phổi hay phù nề não.

“Trong chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962, một số đơn vị Ấn Độ đã bỏ qua quá trình thích nghi khí hậu và tiến thẳng tới tầm cao đáng kể ở Kashmir và Sikkim. Gần 15% binh sỹ trong các đơn vị đó đã bị phù nề phổi dẫn tới tử vong”, Milliff viết.

Ở độ cao tới 4.000 mét, mọi thứ cũng đều khó vận hành chứ không chỉ riêng vấn đề sức khỏe. Các động cơ diesel sẽ khó vận hành, trực thăng phải giảm trọng tải, và khối lượng tiếp vận cũng khó được đảm bảo. Ngay cả việc bắn súng cũng trở nên khó khăn hơn, khi mà pháo và súng cầm tay đều cần phải có tầm nhìn đặc biệt trong không khí loãng.

“Cho dù tầm cao không phải là một vấn đề, thì địa hình dọc biên giới Trung-Ấn vẫn gây phức tạp cho các chiến dịch quân sự. Himalaya không bằng phẳng như các mặt trận trung tâm ở châu Âu hay có địa hình cần thiết khả quan cho xe tăng như các sa mạc ở Iraq hay dọc biên giới phía Tay Ấn Độ với miền nam Pakistan”, Milliff nói.

Với việc Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm cách khôi phục các thỏa thuận giảm căng thẳng, sự chú ý giờ sẽ chuyển hướng sang các nhà lãnh đạo ở New Delhi và Bác Kinh và liệu họ có thể tránh được một cuộc đụng độ nhỏ hiện nay vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành một cuộc xung đột khó khăn và tốn kém hay không.

RELATED ARTICLES

Tin mới