Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiXung đột biên giới với Trung Quốc khiến Ấn Độ xoay trục...

Xung đột biên giới với Trung Quốc khiến Ấn Độ xoay trục về phía Mỹ?

Xung đột ở biên giới với Trung Quốc có thể trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi trong chiến lược chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ vốn luôn phức tạp. Thời còn là thuộc địa của Anh, Ấn Độ là nơi cung cấp thuốc phiện mà các thương lái nước ngoài buôn bán vào thị trường Trung Quốc, điều sau đó dẫn tới chiến tranh nha phiến giữa Anh và Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh. Sau khi độc lập, quan hệ của Ấn Độ với nước láng giềng cũng bị thử thách bởi nhiều vấn đề như Tây Tạng, Pakistan và đường biên giới chung ở dãy Himalaya.

Đầu tuần này, khu vực biên giới bùng phát xung đột mới, đẫm máu nhất trong 40 năm qua, khiến hơn 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng. Dù chính phủ 2 bên đang nỗ lực giảm căng thẳng, nhưng xung đột vẫn có thể là một cú huých, đẩy trục xoay của Ấn Độ rời khỏi Bắc Kinh và hướng về phía các “đối thủ” truyền thống của Trung Quốc như Mỹ và Nhật Bản, hay một “đối thủ” mới, là Australia.

Nếu muốn đối phó với điều mà nước này xem là sự gây hấn của Trung Quốc, Ấn Độ sẽ phải dựa vào các đồng minh này nhiều hơn bao giờ hết.

Tranh chấp biên giới khiến Ấn Độ xoay trục?

“Sự hy sinh của các binh sỹ sẽ không vô nghĩa. Tính vẹn toàn và lãnh thổ của Ấn Độ là điều quan trọng nhất đối với chúng ta và không ai có thể ngăn chúng ta bảo vệ điều đó. Không ai có thể nghi ngờ, dù chỉ một chút ít, về điều này. Ấn Độ muốn hòa bình. Nhưng khi bị khiêu khích, Ấn Độ cũng sẽ có sự đáp trả phù hợp”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói ngày 17/6.

Trong một bài viết ngày 17/6, tờ Hindustan Times có nhiều ảnh hưởng ở Ấn Độ nói rằng: “Trung Quốc muốn hạn chế quyền lực và tham vọng của New Delhi, họ muốn Ấn Độ chấp nhận vị trí hàng đầu của Bắc Kinh ở châu Á và hơn thế nữa”.

Tờ báo kêu gọi New Delhi cần phải “nỗ lực hơn nữa trong mối quan hệ đối tác với Mỹ, Quad… và trở thành một phần của bất cứ nhóm nào tìm cách kiềm chế quyền lực Trung Quốc”.

“Quad” hay Đối thoại an ninh bốn bên là một diễn đàn chiến lược phi chính thức của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để trao đổi thông tin và tập trận quân sự. Dù không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO, nhưng Quad được xem là một đối trọng tiềm tàng đối với sự gia tăng ảnh hưởng và các hành động gây hấn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Dù Quad chủ yếu nhấn mạnh vào các khía cạnh ôn hòa như hợp tác gần đây đối với đại dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc không thể không chú ý tới tiềm năng bao vây quân sự của các nước thành viên trong nhóm này.

Từ năm 2007, khi cuộc họp đầu tiên của Quad được đề xuất, Trung Quốc đã phản đối chính thức qua kênh ngoại giao đối với tất cả các bên liên quan. Sau đó Australia rút khỏi nhóm do lo ngại làm mếch lòng Bắc Kinh và liên minh này tạm “im ắng”. Năm 2017 các cuộc gặp của Quad được khôi phục chủ yếu là do lo ngại về sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài Quad, Thủ tướng Modi cũng nỗ lực trở lại với Phong trào không liên kết (NAM) khi tham dự một cuộc họp thượng đỉnh vào đầu tháng 5. Đây là lần đầu tiên ông tham gia thượng đỉnh NAM, một nhóm mà ông gần như đã phớt lờ suốt nhiều năm qua.

Mặc dù Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của mình trong các nhóm như RIC (Nga, Ấn, Trung) và BRICS (Brazil, Nga, Ấn, Trung, Nam Phi), vẫn có nhiều câu hỏi về tính thiết thực của các tổ chức này bởi nhiều người cho rằng, cả 2 nhóm vốn hoạt động phần lớn theo mong muốn của Bắc Kinh và không đem lại nhiều giá trị cho New Delhi.

Trong một cuộc điện đàm đầu tháng này giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Mỹ đã mời Ấn Độ tham gia cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của G7. Theo người phát ngôn Nhà Trắng  Kayleigh McEnany, hai bên cũng thảo luận về “tình hình biên giới Trung-Ấn”.

Ông Trump trước đây từng nói muốn mở rộng cuộc họp truyền thống giữa các nước châu Âu và Bắc Mỹ với sự tham dự của các đồng minh của Washington như Australia và Hàn Quốc, đồng thời sử dụng cuộc họp lần này để “thảo luận về tương lai của Trung Quốc”.

Ấn Độ vốn thận trọng trong việc quá thân với Mỹ, muốn tìm cách cân bằng mối quan hệ đó với mối quan hệ tinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức ép ngày càng gia tăng ở biên giới và cùng với mối quan hệ cá nhân khá mạnh mẽ giữa Trump và Modi, đây có lẽ là thời điểm hoàn hảo cho một sự xoay trục như vậy.

Sự tham gia lớn hơn của Ấn Độ cả ở Quad và các liên minh quân sự khác với Mỹ cũng có lợi cho Mỹ, theo nhà phân tích các vấn đề ngoại giao Amrita Jash. Nhà phân tích này cho rằng “dấu ấn mạnh mẽ của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đem lại một sự cân bằng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”.

Cuộc chơi nào cũng phải “trả giá”

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố muốn giảm căng thẳng và duy trì mối quan hệ hòa bình sau đụng độ ở Himalaya, nhưng nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về tính khả thi hay bền vững của điều này.

Mối quan hệ vốn dễ lung lay giữa Bắc Kinh và New Delhi cũng đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi nhiều người ở Ấn Độ đổ lỗi cho Trung Quốc về sự mất kiểm soát ban đầu đối với dịch bệnh trong khi giới chức Trung Quốc tỏ ra thất vọng khi Ấn Độ không bày tỏ sự ủng hộ đối với Bắc Kinh tại WHO và các diễn đàn quốc tế khác.

Dù vậy, bất cứ sự xoay trục đáng kể nào sang Quad hay chỉ riêng Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ diễn ra nếu Ấn Độ tin rằng mối quan hệ với Trung Quốc là không thể hàn gắn, bởi nếu điều đó xảy ra thì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều phải trả cái giá không hề nhỏ.

Dưới thời Thủ tướng Modi, mối quan hệ kinh tế của Ấn Độ với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 17,6% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, thương mại song phương ước tính 84 tỷ USD giai đoạn 2017/2018 vẫn chỉ là một phần nhỏ so với khối lượng thương mại Mỹ-Trung gần 600 tỷ USD.

Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc dần nổi lên như một nhà đầu tư nước ngoài quan trọng ở thị trường Ấn Độ, nhưng xu hướng này đã bị “dập tắt” bởi các quy tắc đầu tư mới mà Ấn Độ thông qua, được xem là nhằm vào các công ty Trung Quốc.

“Hình phạt” kinh tế không phải là điều duy nhất mà 2 bên sẽ phải gánh chịu. Dù Trung Quốc sẽ vô cùng khó chịu khi chứng kiến Ấn Độ thân với Mỹ và Nhật Bản, Bắc Kinh vẫn có thể đáp trả bằng cách gia tăng sự ủng hộ đối với “đối thủ” chính của New Delhi: Pakistan.

Trung Quốc có các mối quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự gần gũi với Pakistan, biến Pakistan trở thành một trong những đồng minh gần gũi nhất trong khu vực. Từ 2008-2017, Islamabad đã mua hơn 6 tỷ USD các loại khí tài Trung Quốc, theo tổ chức CSIS. Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỷ USD vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một phần không thể thiếu trong siêu dự án thương mại và cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc bảo vệ hành lang kinh tế này cũng chính là một trong những yếu tố chính đằng sau đụng độ gần đây ở Himalaya bên cạnh một yếu tố khác là động thái của Ấn Độ với Kashmir, trong đó Trung Quốc ủng hộ Pakitan trong một nỗ lực không thành (chỉ trích Ấn Độ) tại Liên Hợp Quốc.

Tương tự, Trung Quốc cũng đang tiến hành các cuộc “xâm nhập” về ngoại giao và kinh tế ở các nước vốn được xem là nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ như Nepal, Sri Lanka và Bangladesh. Đặc biệt, việc Nepal sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc khiến Ấn Độ lo ngại về sự sắp xếp lại địa chính trị tiềm tàng.

Một phần vấn đề trong khu vực hiện nay là tình trạng tranh chấp và lộn xộn của các đường biên giới chung giữa nhiều nước. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng xấu đi, nó có thể chẳng là gì so với cơn ác mộng của sự phức tạp địa chính trị có thể nổi lên trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương

RELATED ARTICLES

Tin mới