Anh, Pháp, Đức và Ý đang bắt tay với Mỹ trong kế hoạch cải tổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với niềm tin rằng nếu có thể kéo tổ chức này ra xa Trung Quốc, Mỹ có thể suy nghĩ lại việc đoạn tuyệt với WHO và tiếp tục bơm tiền tài trợ.
Các quan chức y tế châu Âu giấu tên cho biết việc thảo luận giữa các bên vẫn đang ở cấp độ kỹ thuật. Mục tiêu mà châu Âu hướng tới là “đảm bảo sự độc lập của WHO” – điều mà Hãng tin Reuters nhận định là sự ám chỉ rõ ràng việc tổ chức này nghiêng về Trung Quốc trong thời gian qua.
“Chúng tôi đang thảo luận về cách tách bạch các cơ chế quản lý và phản ứng trong tình trạng khẩn cấp của WHO khỏi sự ảnh hưởng của bất kỳ quốc gia nào”, một quan chức châu Âu tiết lộ.
Các ý tưởng cải cách khác bao gồm hệ thống tài trợ cho WHO. Tổ chức này hiện đang hoạt động với ngân sách cho mỗi hai năm, điều mà châu Âu cho rằng có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của WHO trong trường hợp cần huy động tiền cho tình huống khẩn cấp.
Do đó, cần tính đến việc cho WHO một khoản ngân sách có thể được sử dụng dài hơi hơn con số hai năm như hiện tại.
WHO đã bị chỉ trích chậm chạp trong việc tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tổng giám đốc hiện tại của tổ chức này cũng bị lên án là xa rời khoa học và “chơi bài chính trị” khi liên tục kêu gọi các nước mở cửa để người dân được tự do đi lại trước khi công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Mỹ, nước chỉ trích gay gắt nhất, cho rằng cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc đã nghiêng về Trung Quốc trong đại dịch, điều mà Tổng thống Donald Trump nói đã góp phần khiến thiệt hại vì đại dịch tăng khủng khiếp.
Ông Trump đã tuyên bố “đoạn tuyệt” với WHO và ngừng tài trợ cho tổ chức này, một quyết định gây tranh cãi. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì nếu mất đi nhà tài trợ lớn nhất là Mỹ, các hoạt động nhân đạo của WHO tại những nước nghèo có thể phải ngừng lại hoặc thu hẹp.
Reuters nhận định trong bối cảnh đó, các nước châu Âu đã tìm cách tăng ảnh hưởng khi vừa cố gắng giữ Mỹ ở lại, vừa tham gia quá trình cải tổ WHO.
Tài trợ từ châu Âu chiếm 11% trong ngân sách 5,6 tỉ USD của WHO cho giai đoạn 2018 – 2019. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất với 15%, trong khi Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, chỉ góp 0,2%, Reuters cho biết thêm.