Quan hệ Mỹ – Trung leo thang căng thẳng khiến Trung Quốc ngày càng đụng độ gay gắt hơn với Liên minh tình báo lâu đời nhất thế giới do Mỹ đứng đầu: Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes).
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và liên minh tình báo Five Eyes gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand ngày càng gay gắt hơn trong những tháng gần đây, không chỉ do mối quan hệ Mỹ – Trung xuống mức thấp trong nhiều thập kỷ qua mà còn bởi hàng loạt vấn đề về công nghệ, thương mại và ý thức hệ.
Bắc Kinh tố các thành viên Liên minh Five Eyes đã liên thủ với Washington để ngăn chặn Trung Quốc, “nổi đoá” với Úc vì nước này đã dẫn đầu các cuộc kêu gọi điều tra nguồn gốc virus gây bùng phát dịch Covid-19, nổi giận với Canada vì đã bắt giữ giám đốc tài chính một hãng công nghệ cao của Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Vào cuối tháng 5, Bắc Kinh phẫn nộ khi các Bộ trưởng ngoại giao Anh, Úc, Canada và Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung về việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông và bày tỏ lo ngại rằng việc áp dụng luật này sẽ làm mất đi sự tự do và tự trị của thành phố.
Mặc dù New Zealand không tham gia cáo buộc Trung Quốc nhưng Bộ trưởng ngoại giao nước này cũng phát biểu rằng họ “chia sẻ sâu sắc với những mối lo ngại của các quốc gia dân chủ khác”. Bắc Kinh rõ ràng không hài lòng và đã cáo buộc Mỹ dẫn đầu các nước khác để kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhật báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc –hôm 16-6 đã đăng bài viết nói rằng “Mỹ đã đi xa đến mức vận động thành viên liên minh Five Eyes khác chỉ trích chính phủ Trung Quốc vi phạm tuyên bố chung Trung – Anh về Hồng Kông ký năm 1984”.
Liên minh Five Eyes có nguồn gốc từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, được xây dựng dựa trên thỏa thuận giữa Mỹ và Anh để trao đổi thông tin tình báo nước ngoài. Mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo được mở rộng vào năm 1955 khi Chiến tranh Lạnh ngày càng căng thẳng và chính thức bao gồm cả Canada, Úc và New Zealand.
Vào năm 2013, Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã tiết lộ các tài liệu bí mật cho giới truyền thông về các chương trình giám sát toàn cầu được điều hành bởi Five Eyes mà ông mô tả là “một tổ chức tình báo siêu quốc gia không tuân theo luật pháp của chính nước mình”. Các tài liệu rò rỉ có cả thông tin liên lạc của công dân hằng ngày cũng như các nhân vật chính trị như Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Khi Bắc Kinh bắt đầu quyết liệt hơn trên trường thế giới, các quốc gia Five Eyes không chỉ chia sẻ thông tin tình báo với nhau mà còn cùng nhau thực hiện chiến lược đối phó với Trung Quốc. Năm 2018, hãng tin Reuters thông tin rằng liên mình đã chia sẻ thông tin tình báo để hợp tác với Đức và Nhật Bản xây dựng liên minh nhằm chống lại Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh chiến lược leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đã đi kèm với sự gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và các thành viên Five Eyes khác. Nhóm này ủng hộ Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus corona chủng mới và hỗ trợ Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới bất chấp chỉ trích từ Bắc Kinh.
Để đáp trả, Bắc Kinh đã ban bố cảnh báo đối với du lịch và du học sang Úc, đồng thời đã áp đặt những hạn chế đối với nhập khẩu lúa mạch và thịt bò Úc.
Canada, trong khi đó, vẫn đang vướng vào một cuộc tranh cãi với Trung Quốc về vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Văn Chu. Vụ việc 2 người Canada bị bắt giữ ở Trung Quốc sau đó được coi là một động thái trả đũa.
Tài khoản mạng xã hội Xiakedao điều hành bởi ấn bản quốc tế của tờ Nhân Dân nhật báo hôm 12-6 đã có bài viết rằng Mỹ đã sử dụng Liên minh Five Eyes để điều khiển các nước đồng minh và sử dụng họ như cách mà nhóm G7 và NATO đang cố gắng điều khiển thế giới.
“Lúc nào cũng theo sát Mỹ thì cũng có lợi nhưng không có nghĩa là không mất phí gì. Giống như nhà giả kim Faust thời Phục Hưng từng nói, nếu bạn muốn hưởng lợi nhiều hơn khả năng mà bạn có thể kiếm được, bạn phải bán linh hồn cho quỷ… Đối với Canada, Úc và các nước khác, họ cần từ bỏ một ít chủ quyền của họ” – nội dung bài viết ghi.
Mối quan tâm về Bắc Kinh của các nước phương Tây ngày càng tăng. Các chính trị gia từ Úc, Canada, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đức và các nước khác đã lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc vào đầu tháng 6 để phối hợp phản ứng về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh có tên Henry Jackson Society đã cảnh báo trong một báo cáo hồi tháng 5 rằng 5 cường quốc đã và phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc về 831 loại hàng hóa, bao gồm mặt hàng trong các ngành công nghiệp quan trọng như truyền thông, năng lượng, hệ thống giao thông và công nghệ thông tin.
Nhóm này thúc giục 5 cường quốc hãy tách ra khỏi Trung Quốc bằng cách thiết lập các hợp tác kinh tế lớn với các quốc gia tuân thủ luật lệ khác. Nhóm phân tích: “Với cơ sở chia sẻ thông tin tình báo, khả năng tương tác quân sự và quan hệ lịch sử giữa 5 cường quốc, họ có thể mở rộng hợp tác sang những phần khác rộng lớn của thế giới, nơi tồn tại sự chia sẻ văn hoá kinh tế và tài chính”.
Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của Tập đoàn Rand- đơn vị chuyên nghiên cứu chính sách lớn, cho biết Bắc Kinh chủ yếu quan tâm đến việc các nước Five Eyes sẽ thống nhất với nhau về các hạn chế áp dụng với Huewei và điều này nếu xảy ra sẽ có tác động rất lớn lên các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu và trên toàn cầu.
Đáp lại, Trung Quốc đã tìm cách tạo ra sự chia rẽ giữa 5 quốc gia Five Eyes về lập trường của họ đối với Huawei, trong đó Anh và New Zealand là 2 nước có vẻ dễ “lung lay” nhất dù rằng theo ông Health, các chiến thuật của Trung Quốc có thể “phản tác dụng”.
“Chìa khoá ở đây là liệu Five Eyes sẽ thống nhất lập trường về Huewei hay là sẽ bị chia rẽ” – ông nói.
Theo ông Health, dù 5 quốc gia ngày càng lo lắng về các động thái của Bắc Kinh nhưng sự hợp tác của họ hiện chủ yếu dựa vào tình báo thay vì chia sẻ chiến lược chung để chống lại Trung Quốc, và họ cũng ít hỗ trợ cho cuộc chiến thuế quan và thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
“Đối với một số vấn đề thì sẽ có sự liên kết lớn hơn, chẳng hạn như sự nghi ngờ đối với Huewei, sự phản đối các nỗ lực thống trị Biển Đông của Trung Quốc hay sự chỉ trích những hành vi cưỡng chế của Trung Quốc và phong cách ngoại giao “chiến binh sói” của nước này. Tuy nhiên, ngay cả trong những vấn đề này thì không phải lúc nào liên minh cũng có được sự thống nhất về cách tiếp cận tốt nhất để đối phó với những chính sách của Trung Quốc” – ông Health phân tích.