Chính phủ Nhật Bản mới đây gửi công hàm phản đối Bắc Kinh sau khi 4 tàu hải cảnh Trung Quốc bị phát hiện hoạt động gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm 17.6.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần và bên trong vùng biển Nhật Bản tuyên bố có chủ quyền xung quanh Senkaku/Điếu Ngư trong 65 ngày liên tiếp. Đây là thời gian hoạt động lâu nhất kể từ tháng 9.2012, khi căng thẳng Nhật-Trung leo thang sau khi chính phủ Nhật mua và quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư, theo tờ South China Morning Post tối 19.6.
“Chúng tôi cho rằng những hoạt động này tiếp tục diễn ra là cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ phản ứng một cách cứng rắn và bình tĩnh đối với phía Trung Quốc”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh, nhưng không nói rõ các tàu hải cảnh Trung Quốc làm gì trong vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Ông Suga đưa ra tuyên bố trên khoảng 5 tuần sau khi tàu tuần duyên Nhật can thiệp ngăn chặn một nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối một tàu cá Nhật hoạt động gần một hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Nhóm tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực sau khi tàu Nhật phát cảnh báo qua sóng vô tuyến.
Tàu tuần duyên Nhật tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Reuters |
“Bắc Kinh không ngừng cố tìm kiếm cơ hội để khai thác những điểm yếu của Nhật xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đây là một phần trong chiến lược lâu dài của họ”, theo giáo sư quan hệ quốc tế Stephen Nagy thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế ở Tokyo. Ông Nagy cho rằng mục tiêu của Trung Quốc đưa tàu vào vùng biển tranh chấp là chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với Senkaku/Điếu Ngư còn yếu vì Tokyo không thể thực hiện việc kiểm soát hành chính đối với khu vực, theo South China Morning Post.
Tương tự, giáo sư Yoichi Shimada thuộc Đại học tỉnh Fukui (Nhật Bản) cho rằng Trung Quốc có tham vọng lâu dài đối với Senkaku/Điếu Ngư và cách duy nhất Nhật có thể ngăn chặn các động thái của Trung Quốc đối với quần đảo này là thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Mỹ.