Việc Trung Quốc cưỡng ép thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông đã khiến quan hệ Trung – Anh trở nên tồi tệ hơn. Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố sẽ cung cấp Hộ chiếu Quốc tế Anh (BNO) cho khoảng 3 triệu người Hồng Kông để tạo điều kiện cho họ cư trú tại Anh, đồng thời tích cực thúc đẩy hạn chế đầu tư nước ngoài liên quan đến mở rộng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm ngăn chặn xu thế doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Anh. Ngoài ra, Anh cũng áp dụng luật mới trong quan hệ học thuật và nghiên cứu khoa học với Trung Quốc. Những hành động chưa từng có này của Chính phủ Anh đã đánh dấu sự kết thúc thời kỳ hoàng kim của quan hệ Trung – Anh.
Trong 20 năm qua, nước Anh chính là đầu cầu để ĐCSTQ tiến vào châu Âu; hai bên đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ cùng có lợi trên các phương diện từ đầu tư, khoa học công nghệ đến giáo dục học thuật. ĐCSTQ đã lợi dụng xu thế chủ nghĩa trọng thương mạnh mẽ cùng truyền thống liên hệ chặt chữa thương nhân và chính trị của người Anh để biến London thành căn cứ cho kế hoạch tiến vào châu Âu. Còn người Anh cũng xây dựng quan hệ tốt với Bắc Kinh do những lợi ích có được từ nền kinh tế mới nổi của Trung Quốc.
Trong quan hệ lợi dụng nhau này cũng từng có lúc sóng gió, đó là vào năm 2012, thời cựu Thủ tướng Anh Cameron đã gặp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma khiến ĐCSTQ tức giận và hủy bỏ chuyến thăm Anh của Ủy viên trưởng Nhân đại Ngô Bang Quốc, đồng thời từ chối giới ngoại giao cấp cao của Anh đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, hai năm sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chấp nhận lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II của Anh và đến thăm Anh vào năm 2015, mở ra thời kỳ hoàng kim của quan hệ Trung-Anh.
Trong thời kỳ hoàng kim này, nước Anh là nước đi đầu ở châu Âu trong sáng kiến ‘Vành đai và Con đường của ĐCSTQ’, cũng là nước châu Âu đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư châu Á do ĐCSTQ khởi xướng; đồng thời, đầu tư của Trung Quốc vào Anh hàng năm cũng gia tăng gấp đôi, hơn một phần ba nguồn đầu tư quốc tế của Anh là đến từ Trung Quốc.
Các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Anh bao quát nhiều lĩnh vực từ năng lượng và thông tin đến cơ sở hạ tầng, từ cảng đến sân bay. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã âm thầm chuyển đổi từ nhà xuất khẩu giá rẻ “Made in China” quen thuộc ở Anh để trở thành cổ đông lớn trong nhiều doanh nghiệp chủ chốt của Anh. Khi người Anh phát hiện ra rằng cả Sân bay Quốc tế London Heathrow và Công ty United Utilities lớn nhất của Anh đều có đầu tư Trung Quốc, bị ĐCSTQ chi phối, thì người Anh mới bừng tỉnh.
Đặc biệt là Công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc đã vươn xa trong 20 năm qua, ngày càng bám rễ sâu ở Anh thông qua công nghệ 3G và 4G để mở ra thị trường châu Âu và toàn cầu, đã gây được ảnh hưởng lớn trong hoạt động thông tin và khoa học công nghệ cũng như kinh tế của Anh; Huawei đã cung cấp tài trợ nghiên cứu phát triển và cơ hội việc làm cho nhiều trường đại học hàng đầu của Anh với mức độ vượt xa các doanh nghiệp nước ngoài khác. Ví dụ, tài trợ nghiên cứu của Huawei cho Đại học Oxford của Anh lên tới năm triệu bảng. Có thể hiểu tại sao trước đây Anh không thể toàn tâm toàn ý đồng lòng cùng Mỹ trong động thái ngăn chặn Huawei. Nhưng đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã khiến nước Anh buộc phải cảnh giác hơn đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh dưới thời ông Tập Cận Bình, Chính phủ Anh đã xem xét lại quyết định cho phép Huawei thúc đẩy mạng 5G ở một mức độ hạn chế.
Thủ tướng Johnson đã dựa vào tình hình thực tế và đề xuất lập pháp trước Quốc hội Anh nhằm hạn chế các công ty nước ngoài mua lại các công ty của Anh để tránh nguy cơ về an ninh quốc gia. Ông Johnson nói rõ vấn đề phải ngăn chặn xu thế Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp của Anh. Theo dự luật này, nếu có doanh nghiệp nước ngoài muốn mua hơn 25% vốn cổ phần, tài sản hoặc tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp tại Anh thì doanh nghiệp của Anh phải báo cáo tình hình.
Nhưng khi mức xâm phạm của Trung Quốc đối với Hồng Kông leo thang, trên đường phố London đã xảy ra tình trạng du học sinh Trung Quốc phá rối hoạt động biểu tình kháng nghị, các đoàn thể của ĐCSTQ nằm trong hệ thống đại học Anh đã gây áp lực đối với các vấn đề nhạy cảm liên quan đến ĐCSTQ, và thậm chí còn có những nỗ lực ngăn chặn tiếng nói của giới học giả Anh thể hiện đồng cảm với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.
Du học sinh Trung Quốc và các quỹ của Trung Quốc giống như con gà mái đẻ trứng vàng cho Anh. Nhưng với sự tự do học thuật bị đe dọa và lo ngại việc ĐCSTQ lợi dụng tình trạng suy thoái kinh tế thời hậu đại dịch viêm phổi Vũ Hán để thông qua đầu tư nhằm gây ảnh hưởng đến chính trị và an ninh quốc gia, giờ đây người Anh phải loại trừ Huawei và lập pháp để ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Anh, đồng thời đẩy mạnh hạn chế lượng sinh viên Trung Quốc và giám sát nguồn kinh phí nghiên cứu từ Trung Quốc. Về vấn đề ĐCSTQ cưỡng ép thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tuyên bố sẽ không tiếc trả giá bằng Hiệp định Thương mại Tự do Trung – Anh. Như vậy, hàng loạt dấu hiệu cho thấy dường như người Anh đã sẵn sàng đối đầu với ĐCSTQ, tách khỏi Trung Quốc.