Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHỏa lực Ấn-Trung, bên nào hơn?

Hỏa lực Ấn-Trung, bên nào hơn?

Trung Quốc đang chiếm ưu thế về công nghệ và vũ khí mới. Ấn Độ có kinh nghiệm tác chiến bộ binh lẫn trên không.

Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ ẩu đả với binh sĩ Trung Quốc đêm 15-6 tại thung lũng Galvan, vùng Ladakh ở Kashmir. Đây trở thành vụ đụng độ chết người nhất giữa hai nước trong gần 50 năm. Các chuyên gia cảnh báo về một điểm nóng địa chính trị mới ở Nam Á, theo kênh Al Jazeera.

Căng thẳng dâng cao giữa hai cường quốc hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế lo lắng. Liên Hợp Quốc hối thúc hai bên kiềm chế tối đa.

Đài CNN đã trích dẫn nghiên cứu gần đây của Trung tâm Belfer (Mỹ) và Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) để so sánh sức mạnh của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc.

Vũ khí hạt nhân

Không ai hy vọng những căng thẳng mới bùng nổ thành chiến tranh hạt nhân nhưng thực tế là cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều là cường quốc hạt nhân.

Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân năm 1964 và Ấn Độ vào năm 1974.

Theo số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển công bố hồi tuần trước, ước tính Trung Quốc có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân, hơn gấp đôi Ấn Độ (150 đầu đạn).

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong năm 2019, Bắc Kinh tăng 40 đầu đạn và New Delhi tăng 10 đầu đạn, theo SIPRI.

Cả hai nước duy trì bộ ba răn đe hạt nhân gồm tên lửa, máy bay ném bom mang vũ khí hạt nhân và tàu ngầm. Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Trung Quốc theo đuổi chính sách “không sử dụng trước”, tức là họ cam kết chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm trả đũa một cuộc tấn công hạt nhân của quốc gia khác.

Không quân

Ấn Độ có khoảng 270 tiêm kích và 68 máy bay tấn công mặt đất. Theo nghiên cứu hồi tháng 3 của Trung tâm Belfer của Mỹ, Ấn Độ có thể triển khai số khí tài này trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự với Trung Quốc.

New Delhi cũng sở hữu một loạt căn cứ không quân nhỏ gần khu vực biên giới với Trung Quốc có khả năng tiếp nhận và hỗ trợ các chiến đấu cơ, theo nghiên cứu của Trung tâm Belfer.

Về phía Trung Quốc, nước này sở hữu 157 tiêm kích và một phi đội máy bay không người lái trong khu vực, nghiên cứu của Belfer cho biết. Không quân Trung Quốc sử dụng tám căn cứ trong khu vực, song hầu hết là sân bay dân sự nằm ở độ cao lớn.

“Độ cao của các căn cứ không quân Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương kèm theo địa hình, thời tiết khó khăn trong khu vực khiến tiêm kích Trung Quốc chỉ có thể mang theo một nửa vũ khí và nhiên liệu so với thiết kế”, nghiên cứu cho hay.

Việc tiếp nhiên liệu trên không có thể giúp máy bay chiến đấu Trung Quốc mang thêm vũ khí và kéo dài thời gian tác chiến. Tuy nhiên, không quân Trung Quốc không đủ máy bay tiếp nhiên liệu để thực hiện nhiệm vụ này, theo nghiên cứu.

Nghiên cứu của Belfer tiết lộ thêm không quân Ấn Độ có thể triển khai tiêm kích đa nhiệm Mirage 2000 và Su-30 làm nhiệm vụ ở biên giới, trong khi Trung Quốc có thể sử dụng các tiêm kích J-10, J-11 và Su-27.

Ngoài ra, một báo cáo hồi tháng 10-2019 của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho hay Ấn Độ đã xây dựng các căn cứ ở khu vực biên giới với Trung Quốc giúp nước này có thêm lợi thế.

 “Để vượt qua cuộc tấn công tiềm tàng của quân đội Trung Quốc, Ấn Độ đã chú trọng hơn vào gia cố cơ sở hạ tầng, hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc dự phòng, cải thiện hệ thống phòng không”, báo cáo cho biết.

Nghiên cứu của Belfer cho biết Trung Quốc – đang đối mặt mối đe dọa từ Mỹ ở phía Đông và phía Nam – tập trung tăng cường các căn cứ ở đó khiến khu vực  Himalaya, nơi có ít nhất bốn căn cứ không quân dễ bị tổn thương.

 “Nếu Ấn Độ phá hủy hoặc vô hiệu hóa tạm thời những căn cứ này, điều này sẽ phơi bày những điểm yếu của không quân Trung Quốc”, CNAS đánh giá.

Kinh nghiệm tác chiến

Báo cáo của Belfer cũng tiết lộ một lợi thế khác của không quân Ấn Độ, đó là kinh nghiệm tác chiến.

“Những cuộc xung đột gần đây với Pakistan giúp không quân Ấn Độ có kinh nghiệm đắt giá về vận hành mạng lưới tác chiến trong thực tế”, báo cáo nhận định.

“Các cuộc diễn tập không theo kịch bản của không quân Trung Quốc gần đây đều cho thấy phi công dựa quá nhiều vào chỉ huy mặt đất để định hướng chiến thuật. Điều này cho thấy hiệu quả chiến đấu của không quân Trung Quốc có thể thấp hơn đáng kể so với dự tính”, báo cáo của Trung tâm Belfer có đoạn.

CNAS cho rằng Ấn Độ cũng đã củng cố kinh nghiệm chiến đấu cho bộ binh sau các cuộc giao tranh ở khu vực Kashmir và những vụ đụng độ lẻ tẻ ở biên giới với Pakistan.

 “Ấn Độ đã tích lũy thêm kinh nghiệm sau hàng loạt cuộc xung đột cường độ thấp. Ngược lại, Trung Quốc không có kinh nghiệm thực chiến đáng kể nào kể từ năm 1979”, báo cáo của CNAS đánh giá.

Quanh khu vực Himalaya, Trung tâm Belfer ước tính Ấn Độ bố trí khoảng 225.000 binh sĩ, trong khi con số này của Trung Quốc là 200.000 – 230.000. Tuy nhiên, con số của Trung Quốc là đã tính cả các đơn vị đảm nhận nhiệm vụ chống nổi dậy ở Tây Tạng và Tân Cương hoặc đối phó xung đột tiềm tàng dọc biên giới Trung-Nga.

Nghiên cứu của Belfer dẫn lời một cựu sĩ quan không quân Ấn Độ ước tính Trung Quốc sẽ cần 220 tên lửa đạn đạo để vô hiệu hóa một căn cứ không quân Ấn Độ trong một ngày. Với 1.000-1.200 tên lửa trong biên chế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, Trung Quốc nhiều khả năng không đủ vũ khí để loại bỏ toàn bộ sân bay quân sự Ấn Độ.

Công nghệ và vũ khí mới

Một lĩnh vực Trung Quốc có thể đang chiếm ưu thế là công nghệ và vũ khí mới. Với ngân sách quốc phòng lớn và hiện đại hóa quân đội nhanh chóng, cán cân sức mạnh đang nghiêng về Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây liên tiếp đưa tin và đăng tải video về các vũ khí mới được triển khai diễn tập ở khu vực Tây Tạng, bao gồm xe tăng hạng nhẹ Type 15 và lựu pháo gắn trên xe tải cỡ nòng 155 mm mới.

Trung Quốc lần đầu trình làng cả hai vũ khí mới này tại lễ duyệt binh nhân ngày quốc khánh Trung Quốc năm 2019.

Những vũ khí này được tối ưu cho những chiến dịch chiếm ưu thế địa hình cao nguyên và có thể đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ khu vực biên giới, các chuyên gia quân sự nói với tờ Global Times.

Đồng minh

Trong khi Trung Quốc chủ yếu dựa vào chính mình để đối đầu với Ấn Độ tại khu vực Himalaya, Ấn Độ lại phát triển các mối quan hệ quốc phòng với những quốc gia lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những năm gần đây, Ấn Độ thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ. Mỹ cũng từng gọi Ấn Độ là “đối tác quốc phòng lớn”.

Trong trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn ở Himalaya, tình báo và trinh sát Mỹ có thể giúp Ấn Độ có được bức tranh rõ ràng hơn về chiến trường.

RELATED ARTICLES

Tin mới