Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnEU gọi Trung Quốc là đối tác thương mại xâm phạm sở...

EU gọi Trung Quốc là đối tác thương mại xâm phạm sở hữu trí tuệ hàng đầu

Liên minh Châu Âu coi Trung Quốc là một trong những nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng đầu, theo một báo cáo mới.

Báo cáo hai năm một lần, do Ủy ban châu Âu ban hành vào tháng 1, liệt kê các đối tác thương mại của khối và mức độ hiệu quả của từng đối tác trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) của họ, theo The Epoch Times.

Sở hữu trí tuệ là một vấn đề lớn, khi các ngành công nghiệp phụ thuộc lớn vào quyền sở hữu trí tuệ chiếm gần một phần ba số việc làm của EU và 80% lượng hàng xuất khẩu của nó, tờ Financial Times trích dẫn báo cáo. 

 Nhưng hiện nay các nhà sản xuất của EU đang mất gần 10% lượng hàng bán ra, tương đương hàng tỷ euro doanh thu do vấn nạn sở hữu trí tuệ, đánh trực tiếp vào công ăn việc làm của người dân cũng như nguồn thu thuế của chính phủ.

Theo Ủy ban Châu Âu, nơi điều phối chính sách thương mại của 28 quốc gia thành viên, Trung Quốc hiện đang được EU xếp vào nhóm vi phạm ở mức độ “ưu tiên số 1” của Châu Âu do việc xâm phạm sở hữu trí tuệ trên quy mô lớn và trong thời gian dài. Trung Quốc là quốc gia duy nhất được liệt vào nhóm “ưu tiên của 1”, một chỉ định đã được gán từ ít nhất năm 2016 cho đến nay.

Financial Times cho hay, báo cáo này của EU, được ban hành từ năm 2006, không chỉ xác định rõ các nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tồi tệ nhất trên thế giới, mà còn nêu bật tiến triển chậm chạp trong việc cải thiện tình hình, và Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt.

Trung Quốc cũng phê duyệt các bằng sáng chế đáng ngờ, cho phép tòa án nước này miễn công nhận các bằng sáng chế của các công ty nước ngoài, đồng thời khuyến khích hành vi “bụi bằng sáng chế”, tức việc cấp gộp bằng sáng chế trong các lĩnh vực nhất định, từ đó cản trở quá trình cấp bằng sáng chế chính quy.

“Trung Quốc là nguồn gốc của một lượng lớn hàng giả và hàng lậu xuất sang EU, về cả giá trị và khối lượng”, báo cáo có nêu.

 Báo cáo cũng lưu ý rằng hơn 80% hàng giả và hàng lậu bị thu giữ bởi các cơ quan hải quan EU bắt nguồn từ Trung Quốc và Hồng Kông, theo Epoch Times. Các nhóm hàng này bao gồm thuốc và đồ chơi giả, những thứ “tiềm ẩn nguy hiểm cho người tiêu dùng”.

Theo báo cáo, trong môi trường này, các công ty Trung Quốc “sử dụng các công nghệ nước ngoài được cấp bằng sáng chế nhưng không trả đầy đủ phí bản quyền”.

“Cưỡng chế chuyển giao công nghệ là một tác nhân cản trở thương mại ngày càng quan trọng”, báo cáo cho hay, đồng thời lưu ý rằng hành vi này cản trở việc đầu tư vào Trung Quốc. Các đối tác thương mại của Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn rằng các doanh nghiệp của họ thường bị buộc phải bàn giao công nghệ chất lượng để đổi lấy quyền tiếp cận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải cấp phép sử dụng công nghệ, với một mức giá thường thấp hơn thị trường, như một điều kiện tiên quyết để tiếp cận và hoạt động tại một số lĩnh vực nhất định [ở Trung Quốc đại lục]”, báo cáo cho hay.

Báo cáo cho biết thêm, mặc dù trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã có một số cải tiến trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng “vẫn còn các lo ngại nghiêm trọng về chất lượng của các bằng sáng chế được cấp” tại Trung Quốc, khi số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế đang “tăng theo cấp số nhân”.

 Các phát hiện của Ủy ban một phần phản ánh kết luận tương tự của các cơ quan giám sát khác như Văn phòng Bằng sáng chế Hoa Kỳ, Financial Time dẫn quan điểm của các luật sư sở hữu trí tuệ.

Tháng trước, Thượng nghị sĩ Mỹ Rob Portman đã giới thiệu Đạo luật Bảo vệ Phát minh của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo The Epoch Times.

RELATED ARTICLES

Tin mới