Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHoài nghi về tham vọng 'Hướng Tây' của TQ

Hoài nghi về tham vọng ‘Hướng Tây’ của TQ

Trung Quốc muốn dồn lực cho miền tây hậu Covid-19, nhằm đối phó với nhiều rủi ro địa chính trị, nhưng nhiều người hoài nghi về khả năng thành công.

Tháng 7/2013, tại cảng Khâm Châu, phía tây nam Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày kế hoạch của chính phủ nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài có thể xảy ra.

Khi các chuyến hàng xuất khẩu tới Mỹ và châu Âu bắt đầu đình trệ vào thời điểm đó, Trung Quốc đã tìm cách sử dụng các cảng như Khâm Châu, ở tỉnh Quảng Tây, nhằm khai thác nhiều thị trường mới nổi lân cận. “Phía đông tối thì phía tây sẽ sáng”, Thủ tướng Trung Quốc nói với các công nhân tại cảng.

7 năm sau, Trung Quốc một lần nữa chuyển hướng phát triển sang miền tây rộng lớn giàu năng lượng của đất nước, nhằm giúp nền kinh tế ổn định trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động khó lường. Trung Quốc đã tung ra kế hoạch “Hướng Tây” mới, nhằm đối phó với nguy cơ Mỹ cắt quan hệ kinh tế và làn sóng không thiện cảm ngày càng tăng trong dư luận quốc tế liên quan đến đại dịch Covid-19.

Bắc Kinh thông báo về kế hoạch này trong kỳ họp quốc hội tháng trước, nhằm kêu gọi phát triển các tỉnh miền trung và miền tây để chuẩn bị cho kịch bản đất nước bị cô lập và tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó xuất khẩu giữ vai trò hàng đầu, suy giảm.

Gong Gang, giáo sư kinh tế học tại Đại học Tài chính và Kinh tế Vân Nam, cho rằng Trung Quốc không thể tiếp tục là “quốc gia bên lề của một hệ thống xoay quanh Mỹ”, sau khi Washington xem Bắc Kinh là đối thủ chiến lược.

“Thay vào đó, Trung Quốc cần tăng cường quan hệ với các quốc gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, các nước đang phát triển và tạo ra một hệ thống quay quanh mình”, giáo sư Gong nói và thêm rằng Bắc Kinh cũng nên chuyển sang xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ, thay vì tích trữ đôla Mỹ.

Trung Quốc đã tạo ra phép màu kinh tế nhờ tham gia vào nhiều thị trường quốc tế và hệ thống tài chính do Mỹ thống trị cách đây 4 thập kỷ. Khu vực duyên hải, đặc biệt đồng bằng Châu Giang và đồng bằng sông Dương Tử, được hưởng lợi nhiều nhất, trở thành cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc và bỏ xa nhiều khu vực nội địa.

Trung Quốc đề ra Chiến lược Phát triển miền Tây đầu tiên vào năm 1999 và rót khoản ngân sách lớn nhằm giảm bất bình đẳng giữa các vùng kinh tế trên cả nước, kế hoạch này mang lại hiệu quả rất hạn chế.

Kế hoạch “Hướng Tây” mới gồm một loạt sáng kiến cơ sở hạ tầng giao thông cho các khu vực phía tây, như dự án đường sắt Tứ Xuyên – Tây Tạng, hay tuyến đường sắt cao tốc dọc sông Dương Tử, cùng nhiều sân bay, hồ chứa và dự án thủy lợi.

Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ phát triển những dự án năng lượng mới, như cơ sở ngầm chứa dầu và khí đốt, đồng thời khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển hướng hoạt động về phía tây thay vì di dời ra nước ngoài.

20 tỉnh và khu vực, chiếm 3/4 diện tích nhưng chỉ chiếm 1/4 dân số đất nước, sẽ nằm trong kế hoạch mới của Bắc Kinh. 

Kế hoạch mới cũng kết hợp với Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế, thông qua mạng lưới dự án cơ sở hạ tầng và liên kết thương mại với châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

“Chúng tôi sẽ đưa các khu vực phía tây vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như nhiều dự án khu vực quan trọng khác để tạo ra một thị trường quốc gia thống nhất, đồng thời xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu ở mức độ cao hơn”, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho hay. 

Nguồn tin chính phủ liên quan tới xây dựng kế hoạch “Hướng Tây” cho biết đây được xem là giải pháp trực tiếp cho nhiều bất ổn quốc tế mà Trung Quốc phải đối mặt. Dấu hiệu Trung Quốc điều chỉnh chính sách có thể thấy thông qua các nỗ lực nhằm đối phó với các xung đột thương mại và công nghệ với Mỹ.

Hè năm ngoái, Bắc Kinh đã thiết lập nhiều cụm thành phố để tạo ra các khu vực tăng trưởng mới, gồm Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử với thành phố Thượng Hải, đồng bằng Châu Giang với Thâm Quyến, Quảng Châu và Hong Kong. Cụm phía tây gồm Thành Đô và Trùng Khánh đã được bổ sung hồi tháng 1.

Wang Yiming, cựu phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện, cho hay Trung Quốc đang phải đối mặt với tình hình quốc tế và trong nước hết sức khác biệt.

“Tam giác quan hệ, trong đó Đông Á là trung tâm sản xuất, châu Âu và Mỹ là thị trường tiêu thụ và trung tâm tài chính, còn Trung Đông và Mỹ Latinh là cơ sở năng lượng, đã có những thay đổi mang tính hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Wang nói tại hội nghị trực tuyến đầu tháng này.

Ông thêm rằng các thay đổi này “được thể hiện rõ qua xung đột thương mại với Mỹ và chính sách đối phó chiến lược của Trung Quốc”.

“Trung Quốc có thể kết nối với các thị trường mới nổi, nước đang phát triển, vùng kinh tế thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường như thế nào là vấn đề cần được nghiên cứu thêm”, ông Wang nói. 

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế thông qua kế hoạch phát triển miền tây đã có dấu hiệu đáng khích lệ, như các khu vực này bị ảnh hưởng vì Covid-19 ít hơn. Miền tây cũng là được xem là điểm khởi đầu thương mại với Đông Nam Á, khu vực vượt châu Âu trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay.

Hệ thống giao thông được phát triển ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, hồi tháng 3/2019. Ảnh:Xinhua.

Hệ thống giao thông được phát triển ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, hồi tháng 3/2019. Ảnh: Xinhua.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về cách chính phủ khơi thông tiềm năng tăng trưởng của các tỉnh nội địa rộng lớn, đồng thời mở đường kết nối với các nước đang phát triển và thị trường châu Âu.

“Điều này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực của chính phủ”, Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ, nhận định. “Các thể chế thị trường sẽ phải đánh giá giá trị thương mại của các khoản đầu tư vào những khu vực này, dựa trên tính toán về vị trí và chính sách ưu tiên của chính phủ”.

Kế hoạch năm 1999 đã không giúp miền tây trở thành các đầu tàu kinh tế như kỳ vọng của nhiều nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Điều này khiến giới phê bình hoài nghi về khả năng thành công của kế hoạch “Hướng Tây” mới.

Sau 7 năm phát triển, công suất hoạt động của cảng Khâm Châu vẫn rất hạn chế so với các cảng bận rộn phía đông. Nó chỉ xử lý 119 triệu tấn hàng trong năm 2019, bằng 1/10 so với cảng Ninh Ba – Chu San, 1/6 cảng Thượng Hải và 1/5 cảng Quảng Châu.

“Tôi không thấy bất kỳ kết quả xứng đáng nào khi đầu tư vào đây”, Fraser Howie, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, cho hay. Howie thêm rằng Bắc Kinh sẽ không đủ khả năng tài chính để theo đuổi kế hoạch này, khi nó chỉ dẫn tới các khoản nợ lớn và kéo dài thêm danh sách các dự án ‘voi trắng’, những công trình tạo ra gánh nặng nợ công nhưng không mang lại nhiều giá trị thiết thực và hiệu quả kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới