Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaYếu tố Made in China trong hàng trăm ngàn áo chống đạn:...

Yếu tố Made in China trong hàng trăm ngàn áo chống đạn: Ấn Độ “vã mồ hôi” lo binh sĩ đối đầu TQ lâm nguy

Bộ quốc phòng Ấn Độ ngày 18/6 đã liên hệ các nhà sản xuất áo chống đạn và thiết bị bảo hộ để tăng cường “khẩn cấp” cho lực lượng ở khu vực biên giới với Trung Quốc.

Áo chống đạn cho quân đội Ấn Độ dùng vật liệu Trung Quốc

Động thái của New Delhi diễn ra chỉ hai ngày sau vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan, đông Ladakh – nằm trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) – tối 15/6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và ít nhất 76 người khác bị thương.

Bộ quốc phòng Ấn Độ đã đề nghị các nhà sản xuất thiết bị bảo hộ và áo chống đạn cung cấp khoảng 200.000 đơn vị trang bị loại này.

Tuy nhiên, báo Indian Express đưa tin, điều trớ trêu là phần lớn các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hiện có của Ấn Độ đang sử dụng các vật liệu thô từ… Trung Quốc, bao gồm công ty đã trúng thầu hợp đồng năm 2017 để cung cấp 186.000 áo chống đạn cho quân đội Ấn Độ. Hợp đồng này vẫn đang trong giai đoạn bàn giao.

Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh từng khẳng định trước Quốc hội nước này rằng “không có sự cấm vận nào” đối với vật liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trang phục bảo vệ cho quân đội.

Economic Times ngày 22/6 dẫn các nguồn tin hé lộ, ít nhất 3 đơn vị đã đứng ra đấu thầu cung ứng lô trang bị chống đạn mới, nhưng không nêu rõ là vật liệu Trung Quốc sẽ không được phép sử dụng.

Song với những tình hình thay đổi mới ở biên giới Trung-Ấn, đã có những kêu gọi từ New Delhi về việc sửa đổi các hợp đồng cung ứng thiết bị bảo vệ cho quân đội.

Ông V K Saraswat, cựu lãnh đạo Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO, Ấn Độ), thành viên tổ chức Nghiên cứu NITI Aayog thuộc chính phủ Ấn Độ – do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, thúc giục “đánh giá lại” công tác nhập khẩu vật tư nói trên.

“Một năm trước, chúng tôi đã khuyến cáo không nhập khẩu vật liệu thô từ Trung Quốc để chế tạo các thiết bị trọng yếu như áo chống đạn, bởi [vật tư Trung Quốc] có chất lượng đáng ngờ,” ông Saraswat nói với Indian Express.

“Chúng tôi thậm chí đã kêu gọi doanh nghiệp thắng thầu hợp đồng của quân đội và đề nghị họ bảo đảm thực hiện việc kiểm tra toàn bộ vật tư nhập về. Đến nay thì tôi thấy là cần phải có sự đánh giá lại rõ ràng đối với toàn bộ vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc…

Chúng ta không nên khuyến khích nhập khẩu vật liệu thô Trung Quốc dùng trong những lĩnh vực chiến lược như viễn thông hay chế tạo trang bị bảo hộ – bao gồm áo chống đạn mà các binh sĩ của quân ta mặc.”

Lời kêu gọi ngừng nhập vật liệu thô Trung Quốc

Vào hôm 20/6, Phòng thương mại và công nghiệp PHD (PHDCCI) – tiền thân là ủy ban do Bộ sản xuất quốc phòng Ấn Độ lập ra để “nội địa hóa nguyên liệu quan trọng trong chế tạo sản phẩm quốc phòng” – đã gửi thư đến Bộ trưởng quốc phòng Singh nhằm khuyến nghị “chấm dứt sử dụng các sản phẩm Trung Quốc”.

Lá thư của PHDCCI đề cập đặc biệt việc nhập khẩu vật liệu Polyethylene tính năng cao (HPPE) của Trung Quốc để chế tạo áo chống đạn.

“Nhìn chung, tất cả các nhà chế tạo [trang bị bảo hộ] đang nhập khẩu [HPPE] từ các công ty đặt tại Trung Quốc và lượng ngoại hối đáng kể được chuyển tới những doanh nghiệp này… Chúng tôi đề nghị các vị đưa ra chính sách để giảm phụ thuộc vào vật liệu Trung Quốc một cách thực chất, nhằm giúp cho an ninh và an toàn của các binh sĩ của chúng ta không bị vô hiệu hóa…,” bức thư có đoạn.

Ngoài HPPE và vải sợi, các vật liệu boron carbide và ceramic cũng được Ấn Độ nhập từ Trung Quốc để chế tạo áo chống đạn.

“Đúng là chúng tôi phụ thuộc vào [vật liệu] nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng sẽ điều chỉnh theo nhu cầu của quốc gia. Nếu cần thiết chúng tôi sẽ tìm kiếm những kênh nhập khẩu thay thế, và chúng tôi có đội ngũ nghiên cứu phát triển (R&D) lớn để làm điều đó,” S C Kansal – giám đốc điều hành của SMPP Pvt ltd, công ty phụ trách một hợp đồng cung ứng áo chống đạn cho quân đội Ấn Độ – nói với Indian Express.

Mahendra Gupta, giám đốc của Star Wire – nói doanh nghiệp của ông sử dụng vật liệu Trung Quốc trong chế tạo trang bị bảo hộ, nhưng sau vụ giao tranh đẫm máu giữa Trung-Ấn hôm 15/6, “ngành chế tạo trang bị bảo hộ cần chỉ dẫn rõ ràng về nhập khẩu các vật liệu thô thiết yếu từ Trung Quốc, và những vật liệu nào được phép nhập.”

Neeraj Gupta, giám đốc điều hành MKU, cho biết doanh nghiệp này nhập vật liệu thô từ Mỹ hoặc châu Âu, khiến giá thành sản phẩm của họ bị đẩy lên cao hơn so với các đơn vị khác.

“Vật liệu thô Trung Quốc rẻ hơn 60-70% so với các doanh nghiệp quốc tế khác, thế nhưng đây là lĩnh vực mà chất lượng trang bị và sự tổn thất sinh mạng tối thiểu ở tiền tuyến mới là điều quan trọng nhất,” ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới