Một quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Brussels sẽ có hành động trả đũa nếu Trung Quốc không chịu mở cửa các thị trường hơn nữa.
Suốt hơn một nửa thập kỷ qua, Trung Quốc và EU đã tìm cách thúc đẩy một “thỏa thuận đầu tư toàn diện” nhằm tạo ra các cơ hội đầu tư mới cho các công ty châu Âu tại đại lục.
Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch điều hành chính sách kinh tế của Ủy ban châu Âu cho biết, các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư mới giữa hai bên đã bước vào “giai đoạn trọng yếu” vì sự không khoan nhượng của Bắc Kinh.
Theo ông Dombrovskis, Brussels đang chuẩn bị công bố các biện pháp giới hạn đối với vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, nếu Bắc Kinh không tán thành các yêu cầu của liên minh về quyền tiếp cận thị trường.
“Chúng tôi cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, việc trợ cấp và chuyển giao công nghệ bắt buộc”, ông Dombrovskis nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Financial Times. Quan chức này cáo buộc hiện tồn tại sự bất công bằng trong việc tiếp cận thị trường và Bắc Kinh cần giải quyết một loạt vấn đề hệ thống trước khi hai bên có thể ký kết một hiệp định đầu tư.
Các cuộc đàm phán EU – Trung Quốc từng dự kiến hoàn tất vào tháng 9 năm ngoái, đúng vào lúc diễn ra hội nghị song phương. Song, điều này đã không xảy ra và quá trình đàm phán cũng bị trì hoãn kể từ đó.
Tuần trước, Sabine Weyand, lãnh đạo chính sách thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ hy vọng có thể biết rõ hơn về số phận của hiệp định đầu tư nói trên vào cuối tháng 7 tới đây.
Phát biểu của bà Weyand được đưa ra ngay sau một hội nghị trực tuyến EU – Trung Quốc, với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao châu Âu như Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, lãnh đạo chính sách đối ngoại Josep Borrell và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường. Kết thúc cuộc họp, hai bên không có tuyên bố chung.
Theo Sputnik, các đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu đã giảm xuống chỉ còn 19 tỷ USD vào năm 2019, từ mức gần 100 tỷ USD hai năm trước đó. Sự sụt giảm được tin là do việc kiểm soát vốn của Trung Quốc chặt chẽ hơn, thanh khoản thấp hơn và căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và khối đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã cố gắng tăng cường kiểm soát cơ sở hạ tầng châu Âu, ngay cả khi các nước tăng biện pháp hạn chế nhằm giảm quyền sở hữu của Trung Quốc với chúng.