Giới quan sát cho rằng dù ông Donald Trump của đảng Cộng hòa hay ông Joe Biden của đảng Dân chủ sẽ thắng cử vào tháng 11 tới, Trung Quốc đều sẽ “mệt mỏi” hơn với Mỹ.
Tờ Hindustan Times đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phát biểu được đánh giá là sắc bén nhất cho đến nay về cuộc đối đầu tại biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, ông Joe Biden đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh liên quan đến luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong.
Từ phát biểu “tăng đô” của ông Trump về đụng độ Trung-Ấn
Theo ghi chép của Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, Tổng thống Trump đã sử dụng từ “gây hấn” trong phát biểu lên án động thái của Trung Quốc tại khu vực Ladakh của Ấn Độ mà ông đưa ra vào ngày 1-7.
Chủ nhân Nhà Trắng nói rằng lập trường hung hăng của Trung Quốc, dọc theo biên giới Ấn Độ – Trung Quốc “phù hợp với mô hình gây hấn lớn hơn của Trung Quốc ở các nơi khác trên thế giới”, và rằng những hành động này “chỉ khẳng định bản chất thực sự” của ban lãnh đạo Trung Quốc.
Phát biểu này sắc bén hơn nhiều so với giọng điệu trung lập “có nghiên cứu” mà Nhà Trắng đã duy trì cho đến nay về cuộc tranh chấp Trung Quốc-Ấn Độ, theo các nhà quan sát chặt chẽ về quan hệ Ấn Độ – Mỹ tại Washington.
Trước đó, trong phản ứng đưa ra hôm 15-6, Nhà Trắng của ông Trump cho biết Mỹ đang “giám sát chặt chẽ” tình hình tại khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Và Thư ký báo chí Nhà Trắng khi đó đã “ghi nhận” và “chia buồn” với cái chết của 20 binh lính Ấn Độ, đồng thời bày tỏ hy vọng về một “giải pháp hòa bình” cho tình hình.
Phát biểu ngày 1-7 của Nhà Trắng phản ánh một quan điểm sắc bén hơn đang phát triển trong Nhà Trăng và cả bên ngoài, như đã được làm rõ bằng phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Chính phủ Mỹ đặt vấn đề biên giới Trung Quốc – Ấn Độ trong bối cảnh lớn hơn về hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và các nơi khác trên thế giới, việc đối xử người Duy Ngô Nhĩ và thay đổi quan hệ với Hong Kong theo cách vi phạm các cam kết quốc tế.
Ngày 29-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố chấm dứt thỏa thuận cho phép xuất khẩu thiết bị quốc phòng “nhạy cảm” sang Hong Kong và bỏ quy chế ưu đãi đặc biệt dành cho đặc khu này theo chỉ thị của Tổng thống Trump.
Hôm 30-6, Tổng thống Trump cho hay ông ngày càng tức giận với Trung Quốc vì đại dịch COVID-19, theo báo The Hill. Chủ nhân Nhà Trắng nhiều lần cho hay ông tin rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho việc bùng phát COVID-19. Washington cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin về nguồn gốc COVID-19 và mức độ lây nhiễm.
Đến lời đe dọa trừng phạt kinh tế Trung Quốc của ông Biden
Trong khi đó, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Joe Biden hôm 1-7 đã đưa ra những chỉ trích chưa từng có nhằm vào Trung Quốc. Ông đe dọa áp đặt trừng phạt kinh tế chống Bắc Kinh nếu được bầu làm tổng thống Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, ông Biden – cựu phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama – gọi luật an ninh mới mà Trung Quốc vừa áp đặt lên Hong Kong là một “đòn trí mạng” cho sự tự do và quyền tự trị của đặc khu hành chính này.
“Luật quốc gia mới (cho Hong Kong) của Bắc Kinh – thứ được ban hành trong bí mật và có phạm vi áp dụng bao trùm – đã giáng một đòn trí mạng vào các quyền tự do, tự trị của Hong Kong – vốn là những điều đã khiến thành phố này khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc” – ông Biden nhấn mạnh trong một tuyên bố gởi cho Reuters.
Ứng viên Biden cho biết ông “ngăn các công ty Mỹ dính vào các hoạt động giám sát và đàn áp của Trung Quốc”. Ông khẳng định sẽ “áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhanh chóng” nếu Bắc Kinh “cố gắng bịt miệng công dân, các công ty và các tổ chức Mỹ làm những gì được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ”.
Chỉ trích Tổng thống Trump “yếu ớt” khi hành xử với Trung Quốc, ứng viên Biden cho biết ông sẽ “mạnh mẽ, rõ ràng và nhất quán” khi “đứng lên bảo vệ cho những giá trị của chúng ta (Mỹ)”, theo tờ The Hindu.
Ông Biden đang là ứng viên tổng thống duy nhất của Đảng Dân chủ Mỹ với tỉ lệ ủng hộ hiện tạm thời cao hơn đối thủ chính – đương kim Tổng thống Trump – trong các cuộc thăm dò gần đây.
Tháng trước, một cuộc thăm dò của Reuters với chín quan chức đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc cho thấy tất cả những người được hỏi đều cho rằng quan hệ giữa Bắc Kinh Washington sẽ tiếp tục căng thẳng bất chấp ai là người cai quản Nhà Trắng vào năm tới.
“Nếu ông Joe Biden được bầu, tôi nghĩ điều này có thể nguy hiểm hơn đối với Trung Quốc, bởi ông ấy sẽ bắt tay với các đồng minh để nhắm vào Trung Quốc, trong khi ông Donald Trump đang phá hủy các liên minh của người Mỹ” – nhà đàm phán kỳ cựu Zhou Xiaoming của Trung Quốc khi đó lập luận, với sự đồng tình của bốn quan chức đương nhiệm.