Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngTrao công hàm phản đối TQ tập trận ở Hoàng Sa

Trao công hàm phản đối TQ tập trận ở Hoàng Sa

Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC).

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 2/7, nhận được yêu cầu từ phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa mà cụ thể là cuộc tập trận phía bắc quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1-5/7, người phát ngôn  Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Theo bà Hằng, hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

“Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai” – bà Hằng cho biết.

Liên quan đến thông tin tàu thăm dò Hải Dương 4 của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 thì phải được sự đồng ý của Việt Nam theo đúng quy định của công ước này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu ý, việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển của khu vực Biển Đông và khu vực cũng như trên thế giới.

Trước đó, hồi âm câu hỏi của báo chí về vấn đề Biển Đông và tiến trình đàm phán COC tại Hội nghị tham vấn quan chức cao cấp ASEAN -Trung Quốc lần thứ 26, bà Hằng cho biết, hai bên đã trao đổi và thống nhất một số định hướng quan trọng trong hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian tới trên cơ sở triển khai hiệu quả tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc 2030, trong đó có đẩy mạnh kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, như an ninh mạng, thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia.

Cũng theo bà Hằng, ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi nhiều nội dung hợp tác cụ thể, thiết thực về ứng phó và giảm thiểu tác động của Covid-19. Trung Quốc khẳng định ủng hộ quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, đưa ra nhiều đề xuất hợp tác mới, trong đó có tổ chức diễn đàn ASEAN – Trung Quốc về hợp tác y tế, nghiên cứu các hành lang đi lại an toàn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Nhân dịp này, hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán COC, mong muốn sớm nối lại đàm phán COC khi điều kiện cho phép, đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

RELATED ARTICLES

Tin mới